Những kiến thức cần biết khi đến chùa Việt
(Sóng trẻ) - Phật giáo được xem là tôn giáo gần gũi nhất đối với người dân Việt. Và chùa không chỉ là một không gian tôn giáo nữa mà đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa Việt. Tuy nhiên, một thực tế là không phải ai cũng có hiểu biết cơ bản về Phật giáo để đi chùa. Do thiếu những kiến thức cần thiết mà hành trình “gõ cửa” văn hóa tâm linh chưa thực sự trọn vẹn đối với nhiều người.
Chùa Việt nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa Việt
Phật Tổ Như Lai là ai?
Nhiều người nhầm lẫn Phật Tổ Như Lai với Phật A Di Đà. Một trong những nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do trong phim “Tây Du Ký”, Phật Tổ Như Lai đã được mô tả như một vị giáo chủ của Tây phương Cực lạc. Tuy nhiên Phật tổ Như Lai là một vị Phật Lịch sử, ngài là Thích Ca Mâu Ni.
Phật Tổ Như Lai là giáo chủ cõi Sa bà, tức là cõi mà chúng ta đang sống. Ngài đã từng có thời gian giảng đạo trên Trái Đất, cụ thể là ở Ấn Độ và được xem là người đã sáng tạo ra Phật giáo. Trước khi hạ sinh xuống cõi Sa Bà giảng đạo, ngài là một vị Bồ tát của cung trời Đâu Xuất. Ngài nhập Niết bàn năm 79 tuổi.
Nam mô A Di Đà Phật có nghĩa là gì?
A Di Đà là tên một vị Phật trong vô số chư Phật mười phương, theo quan niệm của Phật giáo. Phật A Di Đà (Amitabha – nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ) là giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc. Ngài được xem là vị Phật quan trọng bậc nhất trong Bắc Tông, đặc biệt là Tịnh Đô Tông – một tông phái được tu khá nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.
“Nam mô” có nghĩa là hướng vế, quy niệm. Do vậy “Nam mô A Di Đà Phật” là một câu niệm hồng danh của Phật A Di Đà. Đây cũng chính là pháp môn niệm Phật – một trong những pháp môn dễ tu tập nhất trong Phật giáo. Theo đó, người nào siêng năng niệm hồng danh Phật A Di Đà thì đã hoàn thành một trong những điều kiện để có thể vãng sinh Tây phương Cực Lạc.
Bồ tát khác gì với Phật?
Bồ tát với Phật không phải là chức danh hay tên riêng mà là quả vị. Bất cứ ai cũng có thể trở thành Bồ tát hay Phật nếu người đó trải qua quá trình tu tập. Trong đó Phật là quả vị cao nhất, Phật có đầy đủ ba minh và sáu phép thần thông trong khi hàng Bồ tát thì chưa đạt được.
Một trong những vị Bồ tát thường được biết đến nhiều hơn cả là Quán Thế Âm bồ tát. Ngài Quán thế âm thường được thờ phụng ở Việt Nam và Trung Quốc với hình tượng nữ cầm cành dương liễu và bình cam lộ. Nài Bồ tát Quán Thế Âm còn có nhiều vị Bồ tát khác như: Văn thù sư lợi Bồ tát, Đức Phổ hiền Bồ tát, Địa tạng vương Bồ tát, Đại Thế chí Bồ tát.
Tại sao nhiều chùa có điện thờ Mẫu?
Điện thờ Mẫu ở hậu nhiều ngôi chùa xuất phát từ sự kết hợp của Phật giáo và tín ngưỡng Việt bản địa. Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã nhanh chóng kết hợp với tín ngưỡng tôn sùng hình tượng Mẹ, do vậy Phật giáo và Đạo Mẫu của dân tộc đã có sự giao thoa hình thành nên kiến trúc chùa Bắc Bộ.
Hình ảnh tiền Phật, hậu Mẫu đã trở nên quen thuộc trong kiến trúc của rất nhiều ngôi chùa Việt. Cả đạo Phật và đạo Mẫu đều lưu chứa những di sản văn hóa quý báu của dân tộc và phản ánh đời sống tâm linh của con người Việt Nam.
Quang Đức
BMK32
Cùng chuyên mục
Bình luận