Những mái nhà âm dương và hương thơm đất trình - làm sao giữ?

(Sóng trẻ) Nhà trình tường là một nét độc đáo đặc sắc trong kiến trúc của người Tày và người Nùng tại Lạng Sơn. Trong con mắt của những thế hệ đi trước, ngôi nhà trình gắn liền với đời sống sinh hoạt và cả cuộc đời của họ. Tuy nhiên, việc giữ được những ngôi nhà cổ ấy dường như gian truân hơn khi cuộc sống ngày càng phát triển, trong ánh nhìn của những thế hệ trẻ không còn đượm mê say với nhà trình.  

Đi qua những cung đường quanh thị xã Hữu Khánh (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), ít ai ngờ dưới sự phát triển của xã hội hiện đại vẫn còn lưu giữ được hình bóng những ngôi nhà đất nép sát nhau mang vẻ cổ kính xưa cũ. Đứng từ phía xa xa, ngay tại đường quốc lộ tôi hướng ánh mắt qua bản Khiếng, những nếp nhà trình vẫn còn được giữ lại nằm xen kẽ những ngôi nhà khang trang.

626dbe940_anh_1.jpg

    Những ngôi nhà trình tường nằm cạnh những bóng cây cổ thụ tạo nên một vẻ hoang sơ, thanh bình và dung dị.
          
Dạo bước chân trên con đường làng, dưới cái nắng tươi mới của bầu trời đầu hè, nắng len lỏi rọi qua những tán cây, nép phía xa là những tiếng cười của con nít giữa con đường làng rợp bóng mát. 

Ngôi nhà lưu giữ dấu ấn của ông cha

Tôi bắt gặp ông Toản (72 tuổi), từ trong đôi mắt tôi biết ông dành tình cảm đặc biệt cho những ngôi nhà đất. Theo ông, nhà trình không chỉ là nơi trú ngụ, sinh hoạt của các gia đình mà còn chứa đựng những dấu ấn lịch sử từ xa xưa. 

 Ảnh 3: Một trong những ngôi nhà trình nằm ngay đầu làng Bản Khiếng còn được giữ lại, hội tụ trọn vẹn những nét đặc trưng trong kiến trúc của người dân tộc Tày

Người ta vẫn thường hay gọi nhà trình tường bằng một tên gọi khác là nhà đất. Theo các cụ trong làng cho hay, nhà trình xuất hiện từ khoảng hơn trăm năm trước. Các cụ ông cụ bà đã sáng tạo ra bí quyết dùng đất đỏ trộn với nước nhào nhuyễn thành bùn với độ kết dính vừa phải để đắp thành những bức tường. Những gánh đất được trộn đều với tỷ lệ chuẩn, không quá nhão và được đổ vào khuôn gỗ ép thành hình dáng của những viên bê tông. 

Nhà đất trình có màu vàng tươi, màu đặc trưng của bùn đất, một số ngôi nhà được quét lên trên một lớp vôi để giữ gìn lớp đất và tạo vẻ tươi mới cho căn nhà. Nhà trình nếu được xây dựng quy mô có thể có 2 tầng, gian bên trên thường thấp hơn gian bên dưới. Mỗi ngôi nhà đều có một cửa chính rộng và hai cửa sổ thuộc hai buồng bên, những nhà có điều kiện xây hai tầng thì có thêm 3 hoặc 5 cửa sổ bên trên.

626dbe940_anh_4.jpg


Đặc trưng của những ngôi nhà trình - chỉ được xây dựng bằng đất, bùn đơn giản.

Nhà đất trình được xây dựng, thiết kế dựa theo phong tục của người Tày và người Nùng thường có 1 gian chính, 2 gian phụ gồm 1 nhà bếp và 1 nhà kho để chứa các vật dụng lao động sản xuất.  Đa phần những căn nhà đều được thiết kế xây rất rộng có thể chia làm 3 gian, gian nằm ở giữa thường để thờ phụng và tiếp đãi khách. Xung quanh ngôi nhà được bọc những hàng rào cao 40cm để chống nước tràn vào những ngày mưa.

Một trong những điểm đặc biệt của nhà trình tường là nhờ có lối xây nhà theo bề ngang, nhà xây rộng và được xây bằng bùn đất đóng khuôn nên hầu hết các căn nhà đều ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè.

Niềm trăn trở về hình bóng những ngôi nhà cổ

Khoảng thời gian giữa trưa luôn là lúc các gia đình sinh hoạt nghỉ ngơi. Bước nhẹ trên những đoạn đường rải sỏi, tôi bất ngờ trước một ngôi nhà đất rộng rãi với khoảng sân thả rong lợn và gà. Đi vào sâu hơn theo con đường nhỏ, chợt nghe thấy tiếng nói chuyện và câu hát tiếng dân tộc Tày đặc trưng, tôi cất bước vào chào hỏi, giữa khoảng sân rộng đang phơi những khóm lá gai để làm bánh.

626dbe940_anh_6.jpg

Cô Vy Thị Ninh - 53 tuổi đã gắn bó với bản Khiếng hơn 20 năm từ khi về làm dâu, người phụ nữ luôn nở nụ cười thân thiện trên khuôn mặt dày dạn sương nắng.

Bước chân vào trong sân, giữa một khoảng sân phơi lá gai, cô Ninh đang cặm cụi trở mặt lá. Trên khuôn mặt người phụ nữ là màu da rám nắng đầy những nếp nhăn, cô nở nụ cười hiền hậu và chạy vào trong quét dọn căn nhà.  Cô Ninh đã có hơn 20 năm gắn bó với ngôi nhà này và chứng kiến những ngôi nhà đất khác bị phá dỡ dần dần để xây nhà mới. Cô trải lòng với tôi rằng: “Thanh niên bây giờ ngại đấy cháu ạ, chúng nó bảo xấu hổ đấy!”. 

Trong tư duy của những người trẻ, họ cho rằng nhà đất không khang trang, sạch sẽ như nhà gạch có mái tôn, vậy nên họ ngại không muốn cho người khác đến chơi và chụp ảnh. Trong suốt 10 năm qua, số lượng nhà trình tường bị phá bỏ ngày càng nhiều, người ta xây những căn nhà mới hiện đại hơn và dần vắng bóng những ngôi nhà đất. 

Trò chuyện với những đứa bé lớp 7 đang trên đường đi học về, các em nói rằng nếu có điều kiện thì sẽ muốn bố mẹ xây nhà mới chứ không muốn ở nhà đất. Sau khoảng thời gian chu du tại bản Khiếng, tôi nhận thấy rằng hình ảnh những ngôi nhà trình tường tại đây đang dần mai một. Khi được hỏi thăm về nhà đất cổ, những người lớn tuổi trong làng hiện lên từ trong ánh mắt nỗi hoài niệm và niềm tự hào cho một nét kiến trúc dân  gian của làng quê Việt.

Qua những ánh mắt và lời tâm sự của những người trẻ tôi gặp, có phải chăng hình bóng những ngôi nhà đất đang dần biến mất?

Kiến trúc nhà trình tường tại Lạng Sơn được xem như nơi lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá. Hiện nay, tại bản Khiếng có số hộ gia đình tuy đã chuyển sang căn nhà khác khang trang tiện nghi hơn nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà đất  như một sự tri ân, gìn giữ giá trị cổ xưa. Việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển những ngôi nhà trình tường đang là niềm trăn trở của rất nhiều người con yêu giá trị xưa cũ. Rất mong hình bóng những ngôi nhà mộc mạc, bình dị, đơn sơ ấy sẽ còn đọng mãi qua thời gian. Mong cho những mái ngói âm dương và hương thơm của đất trình sẽ là đại diện của những dấu vết cổ truyền đẹp long lanh.


Hoàng Hải Yến - Báo Ảnh 35
          

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN