Triển lãm ‘Nghệ sĩ là chiến sĩ’: Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam
(Sóng trẻ) - Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến hết ngày 5/3 là sự tôn vinh và tri ân các thế hệ hoạ sĩ, những người đã sử dụng bút vẽ, màu và giấy làm vũ khí, đem nhiệt huyết và cả sự hy sinh để cống hiến cho Tổ quốc.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng 80 tác phẩm mỹ thuật được sáng tác trong giai đoạn 1945-1954 bởi các thế hệ hoạ sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam, trong đó có 22 hoạ sĩ Mỹ thuật Đông Dương. Các bức tranh thể hiện sự hưởng ứng, vận động và chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sĩ, rời cuộc sống chốn phồn hoa đô thị tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: "Triển lãm ‘Nghệ sĩ là chiến sĩ’ chính là dịp để chúng ta tôn vinh và tri ân các thế hệ họa sĩ, những người đã sử dụng bút vẽ làm vũ khí, đem nhiệt huyết và cả sự hy sinh để cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, góp phần làm giàu thêm các giá trị văn hoá Việt Nam".
Trong thời kỳ đạn bom, bên cạnh cây súng, bút vẽ đã trở thành vũ khí sắc bén của các hoạ sĩ trên mặt trận văn hoá. Người nghệ sĩ - chiến sĩ đã kịp thời ghi lại những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng, thi đua tăng gia sản xuất, truyền thống hiếu học của đồng bào và quân dân cả nước.
Triển lãm tái hiện những dấu ấn hào hùng của lịch sử dân tộc; đồng thời, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào dân tộc cho khán giả về một thời vàng son, về thế hệ cha ông không ngại xả thân vì Tổ quốc.