Những người bảo vệ hổ

(Sóng trẻ) - “Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng 7 con hổ chẳng khác nào những em bé sơ sinh và chúng tôi như những người cha cùng con khôn lớn” – đó là chia sẻ của anh Đặng Thanh Tuấn (SN 1991), nhân viên chăm sóc hổ của Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam – Save Vietnam’s Wildlife (SVW).

Chăm hổ như chăm con ốm

Ngày 1/8, trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) chủ trì, phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 7 con hổ trái phép từ huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đi vào địa bàn Nghệ An để tiêu thụ. Những con hổ này sau đó đã được SVW phối hợp Vườn Quốc gia Pù Mát tiếp nhận để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Nhớ lại những ngày đầu nhận bàn giao số hổ trên, anh Tuấn cho biết, anh nhớ như in lần đầu tiên nhìn thấy 7 con  hổ nhỏ bé, yếu ớt, chỉ khoảng hơn 1 tháng tuổi (con nhỏ nhất là 2,9kg, lớn nhất là 4,5kg). Chúng bị nhốt trong những chiếc lồng sơ sài, chật hẹp. Cả 7 con đều mệt mỏi, khát sữa, cất lên những tiếng kêu thảm thiết khiến ai cũng thấy xót xa.

Anh Tuấn kể: “Thời điểm đó, sức khoẻ của đàn hổ rất tệ, nhiều con bị tiêu chảy, mệt mỏi, yếu, lả đi… không còn sức để bú sữa. Cứ 4 giờ một lần (không kể ngày hay đêm) tôi cùng đồng nghiệp sẽ cho hổ uống sữa. Nhiều con quá yếu không đủ sức uống sữa thì chia nhiều cữ hơn, kết hợp với tiêm truyền các loại thuốc kháng sinh và men tiêu hóa để ổn định đường ruột. Cứ như vậy sau 1 tuần liên tục các cá thể hổ hồi sức dần, bắt đầu chạy nhảy chơi đùa cùng nhau. Lúc ấy tôi mới như trút bớt gánh nặng tâm lý, cảm thấy yên tâm phần nào”.

Chàng trai chăm sóc hổ sinh năm 1991 cho biết đây không phải lần đầu các cán bộ Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát tham gia cứu chữa, chăm sóc hổ là tang vật của những vụ vận chuyển, nuôi nhốt trái phép. Tuy nhiên việc chăm sóc những cá thể hổ nhỏ bé, sức khoẻ yếu lại bao gồm rất nhiều công việc không tên, thử thách sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cả sức bền của các nhân viên chăm sóc.

“Khó khăn ở giai đoạn phục hồi sức khoẻ chỉ là ban đầu. 7 chú hổ sau đó chuyển sang giai đoạn ăn dặm với nhiều thử thách mới dành cho những người chăm sóc” - anh Tuấn vui vẻ kể.

Theo anh Tuấn, quy trình cho hổ ăn dặm rất kỳ công. Các nhân viên chăm sóc sẽ căn cứ vào trọng lượng của từng cá thể hổ để tính ra nhu cầu sữa, nhu cầu calo cần thiết. Ban đầu hổ sẽ làm quen với sữa pha cùng nước luộc thịt bò. Tỷ lệ nước thịt được tăng dần từ ít đến nhiều làm sao để đảm bảo mức độ hấp thụ của hổ.

Sau một tuần, cả 7 con hổ đều đáp ứng tốt, các nhân viên chăm sóc mới tiến hành chuyển sang cho ăn thịt bò chín rồi thịt bò tái, xen kẽ với uống sữa. Cuối cùng mới cho hổ chuyển sang ăn thịt hoàn toàn. Trong quá trình ăn, các nhân viên thường xuyên kiểm tra xem đường ruột có ổn định không, hệ tiêu hoá của hổ có phản ứng hay bị tiêu chảy không.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng khi chia sẻ về công việc của mình, anh Tuấn cũng như các nhân viên chăm sóc hổ chỉ giản dị cho biết, được chứng kiến 7 chú hổ khoẻ mạnh sau thời gian chăm sóc, hàng ngày chạy nhảy, vui đùa cùng nhau, những giọt mồ hôi, những vất vả thời gian qua như đã tan biến đi hết.

Nỗ lực khơi dậy bản năng tự nhiên của loài hổ

Tốt nghiệp Khoa Thú y Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), từ năm 2019 đến nay, anh Tuấn về làm việc cho SVW với mong muốn đóng góp một chút sức lực của bản thân vào công việc bảo tồn động vật hoang dã. Và sự phối hợp giữa SVW và Vườn Quốc gia Pù Mát đã đưa anh đến với cơ duyên được chăm sóc 7 chú hổ nhỏ bé tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát.

“Nhiều người cho rằng công việc của tôi và anh em chăm sóc hổ chỉ đơn giản là cho ăn, vệ sinh chuồng trại, theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số những công việc hàng ngày chúng tôi đang thực hiện. Trên thực tế, chúng tôi luôn hướng tới phúc lợi động vật. Động vật tuy trong môi trường nuôi nhốt nhưng luôn có những đồ chơi, bài tập luyên, để hoàn thiện bản năng” – anh Tuấn chia sẻ.

Mặc dù không gian ở Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát chưa thật rộng rãi để hổ có thể thoải mái vận động, tự do chạy nhảy, nhưng anh Tuấn đã mày mò nghiên cứu, tự chế ra nhiều trò chơi bằng gỗ để hổ có thể tập leo trèo hay quấn dây vào các khúc gỗ có hình thù khác nhau để hổ gặm hàng ngày, giúp cơ hàm của chúng khỏe mạnh hơn.

Sau khi được chăm sóc để phục hồi sức khỏe, tiêm phòng các loại dịch bệnh, các nhân viên sẽ tập luyện, khơi dậy bản năng của hổ bằng cách tập cho chúng leo trèo, giấu thức ăn, hoa quả vào những vị trí khó tìm như ở trên cây hay sau các bụi lá tương tự như ở môi trường tự nhiên.

Anh Tuấn kể: “4 tháng qua, ăn ngủ cùng 7 con hổ tôi đã hiểu được chúng phần nào và gắn bó với chúng như một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, theo quy định tại trung tâm, các động vật hoang dã có khả năng tái đàn về tự nhiên không được đặt tên theo kiểu thú cưng. Đã là động vật hoang dã nếu đủ điều kiện sẽ trở về với tự nhiên vì vậy những người chăm sóc như chúng tôi cũng hạn chế tiếp xúc, âu yếm chúng” .

Được biết, khi mới tiếp nhận vào đầu tháng 8, các cá thể hổ mới 1 tháng tuổi nên nhỏ bé, đáng yêu như con chó con mèo ở nhà, thấy người cho ăn là chạy đến vui đùa. Nhưng càng lớn, hổ càng thể hiện bản tính hung dữ của loài, vì vậy các nhân viên chăm sóc luôn đề cao sự cẩn trọng và tỉ mỉ.

Thông qua các camera giấu kín, các nhân viên chăm sóc sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá các cá thể hổ có vận động, leo trèo tốt không, có thể tự tìm kiếm thức ăn, đáp ứng các loài thức ăn trong tự nhiên không. Sau một thời gian sẽ kết luận các cá thể có đáp ứng việc trở lại với tự nhiên không. Nếu đáp ứng hổ có thể được thả về môi trường bán hoang dã hoặc trở về với tự nhiên.

Chia sẻ về mong muốn của bản thân đối với việc chăm sóc, bảo tồn hổ của Việt Nam trong thời gian tới, anh Tuấn cho biết, bản thân anh cũng như các đồng nghiệp luôn mong mỏi mọi người cùng nhau bảo vệ hổ nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung. Thông qua việc nói không với tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã, mọi người có thể cùng nhau bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam để muôn loài sống tự do, hòa mình với thiên nhiên.

Trò chuyện với các nhân viên chăm sóc hổ của Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam – Save Vietnam’s Wildlife (SVW), chúng tôi vỡ ra nhiều điều về ý nghĩa của công việc họ làm. Giữa những cánh rừng bạt ngàn, họ cứ âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ “chúa sơn lâm”, góp phần bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam.

Tương lai nào cho 7 cá thể hổ?

Theo đại diện của SVW, có rất nhiều người mong muốn rằng các thể hổ sau khi bị tịch thu sẽ được tái thả về tự nhiên để sống hạnh phúc trong rừng, hoặc đưa vào các công viên hoang dã rộng lớn để được vui vẻ, tận hưởng cuộc sống mới sau chuỗi ngày giam cầm trong “ngục tối”.

Tuy nhiên, mong muốn nói trên chưa thể thực hiện do hổ nuôi nhốt đã mất tập tính hoang dã, quen con người và đặc biệt việc tái thả hổ cần có một chiến lược dài hạn và kế hoach phục hồi con mồi cho Hổ trong thời gian dài'.

Hiện Vườn quốc gia Pù Mát, SVW và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm một cơ sở chăm sóc đủ điều kiện về phúc lợi để có thể chăm sóc, cứu hộ lâu dài cho 7 cá thể hổ, nhằm phục vụ mục đích giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về hổ, qua đó gián tiếp thúc đẩy công tác bảo tồn hổ ngoài tự nhiên.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN