Học sinh và mối nguy từ ma túy trá hình
(Sóng trẻ) - Từ vụ việc 6 em học sinh lớp 10 tại THPT Hoành Bồ (Quảng Ninh) dương tính với THC (một chất có trong cây cần sa) sau khi ăn kẹo lạ vào 25/10, một lần nữa, những mối nguy từ thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc đối với học sinh lại được dấy lên.
Cụ thể, sáng 25/10, khoảng 10 em học sinh lớp 10 trường THPT Hoành Bồ (TP Hạ Long, Quảng Ninh) có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay và được đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa Hạ Long. Qua test nhanh nước tiểu của số học sinh kể trên, kết quả có nhiều em dương tính với THC. Qua rà soát, những học sinh đó cho biết đã cùng sử dụng một loại kẹo không rõ nguồn gốc do nam sinh M.T.S học cùng lớp mang đến.
Bước đầu cơ quan Công an xác định, tối 24/10, nam sinh M.T.S sang nhà chị họ chơi và thấy một túi có nhiều gói dạng thanh (giống như kẹo dẻo). Do tưởng là kẹo nên nam sinh cầm về và sáng hôm sau chia cho các bạn ăn. Sau khi ăn thì 10/13 em có biểu hiện ngộ độc và được đưa đi cấp cứu. Được biết, loại gói dạng thanh (giống kẹo dẻo) trên là một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Nguy cơ rình rập từ chất cấm “đội lốt vô hại”
Hiện nay, học sinh mọi lứa tuổi có nguy cơ khá cao tiếp cận và sử dụng những thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc. Chúng không chỉ không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi xuất hiện ngày càng nhiều các chất cấm “đội lốt” thực phẩm, bánh kẹo.
Đồng chí Phạm Đức Dũng – Bí thư Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.Hà Nội (PC04) thông tin: “Hiện nay các loại thực phẩm chứa chất ma túy (cần sa) rất đa dạng như “bánh lười”, bánh quy, kẹo mút, socola… hoặc một số loại ma túy dạng bột hòa tan được ngụy trang thành các loại thực phẩm như trà sữa, “nước xoài”… chúng được sản xuất với đa dạng về chủng loại và mẫu mã như các loại thực phẩm thông thường, do đó hầu như không nhận biết được bằng mắt thường”.
Thực tế, vào tháng 4/2021, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) do có hành vi mua cần sa về xay trộn với trà sữa để bán kiếm lời. Đối tượng khai nhận khách hàng của mình là những thanh niên trên địa bàn; trong đó có cả khách du lịch. Mỗi ngày, đối tượng bán khoảng 20 chai với giá từ 150 đến 200 nghìn đồng/chai bằng cách đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook và qua bạn bè giới thiệu.
Trước đó, tháng 10/2020, Công an cũng cảnh báo về sự xuất hiện của loại ma túy mới, ngụy trang dưới dạng bột “nước xoài” sau khi Cơ quan CSĐT Công an quận 5 (TP.HCM) bắt giữ Nguyễn Tiến Đạt (sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, quê An Giang) để điều tra về tội mua bán trái phép chất ma túy. Loại ma túy này được sử dụng để pha uống nên được ngụy trang như một loại nước giải khát, công an nghi ngờ ngoài ma túy “nước xoài” này còn có thể có những loại bột ma túy mang tên những trái cây khác nhắm vào lớp trẻ.
Theo đồng chí Phạm Đức Dũng, học sinh là lứa tuổi có bản tính tò mò muốn khám phá những điều mới, tuy nhiên nhận thức về pháp luật và xã hội còn thiếu. Bên cạnh đó, hiện nay các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh cũng chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về nhận biết thực phẩm có chứa chất ma túy. Vì vậy, nguy cơ mà các em học sinh có thể sử dụng các loại thực phẩm này là rất cao.
“Bóc trần vỏ bọc”
Dưới lớp ngụy trang “vô hại”, những thực phẩm, bánh kẹo chứa chất kích thích có thể được công khai bày bán tại các cửa hàng cạnh trường học và len lỏi vào môi trường học đường. Nguyễn Thùy Linh – học sinh trường THPT Gia Bình số 1 cho biết: “Mình hay mua các sản phẩm bánh, kẹo từ các cửa hàng tạp hóa gần trường học. Tuy nhiên mình thường chỉ quan tâm đến độ bắt mắt và hương vị của sản phẩm thôi chứ không quá để tâm tới nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Sau khi ăn các sản phẩm đó mà thấy ngon, hợp khẩu vị thì lần sau sẽ mua tiếp”.
Trước nguy cơ nhiều sản phẩm ma túy “đội lốt” thực phẩm len lỏi vào môi trường học đường, chị Lại Thị Phương Thảo – phụ huynh trú tại Gia Bình, Bắc Ninh cho rằng: “Cha mẹ cần quan tâm, gần gũi con cái, hàng ngày hỏi han tâm sự với con, luôn nhắc nhở con trước những cám dỗ của xã hội. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề ăn uống của con, nhắc nhở con không ăn uống linh tinh những thực phẩm hàng quán không rõ nguồn gốc. Phụ huynh và nhà trường cần kết hợp chặt chẽ trong vấn đề giáo dục trẻ”.
Mới đây, vào 28/8/2021, Thông tư Liên tịch số 06/2021/TTLT-BCA-BGDĐT giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào Tạo về hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục đã được ban hành. Đây chỉ là một trong số những biện pháp được Bộ Giáo dục và Bộ Công an phối hợp thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Bộ Công an còn phối hợp “triển khai các chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, cũng như kỹ năng nhận biết một số loại ma túy mới, thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng cũng như những hậu quả đối với người sử dụng chất ma túy nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh…” – đồng chí Phạm Đức Dũng thông tin thêm.
Để “bóc trần” những mối nguy từ ma túy trá hình có thể xảy đến với con trẻ thì vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải được nêu cao. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ hình thành mạng lưới vững chắc và rộng khắp nhằm bảo vệ các em khỏi những hiểm họa từ ma túy.