Những người phụ nữ ở trọ căn phòng 6m2
(Sóng trẻ ) - Chạc tuổi 30 - 40, cái tuổi vào độ viễn mãn đối với số đông phụ nữ thì đâu đó, vẫn có những mảnh đời gót hồng cay đắng lang bạt nơi gầm cầu, xó chợ. Họ về đây, gặp nhau, tụ họp nơi chân cầu Long Biên rồi thuê chung những căn nhà chỉ 6m2 với giá 10.000đ/người/ngày.
Thiên đường chốn lam lũ
Đến khu ổ chuột chân cầu Long Biên, chúng tôi theo gót chị qua những con đường ngõ ngách đầy bùn đất, rác rưởi, nồng lên giữa cái nắng hanh một mùi tanh tanh của chợ cá và mùi rác phân hủy. Chị Mến và chúng tôi cứ bước đến đâu là ruồi, muỗi lại bay nhặng ở dưới chân tới đó. Nhà trọ chị Mến ở là căn nhà 3 tầng cũ rích, xám xịt, trên tường thỉnh thoảng mốc trắng màu vữa nổ. Bước vào trong cánh cửa là màn tối đen như mực, ẩm thấp, lạnh ngắt.
Chị Mến ôm chiếc quang gánh lựa lựa nép người vào tường mới lên được gần đến chỗ tôi đứng. Chị cụp cụp chiếc nón, ngó ngó người về phía chân tôi, giọng thì thào “dậy chưa?”. Lúc này tôi mới biết ngay sau chân tôi cũng có một “phòng ngủ”. Điều đặc biệt là “phòng ngủ” này vẻn vẹn chỉ bằng cái lòng quan tài. Nhưng muốn chui vào cái “quan tài” ấy cũng không phải dễ, mà người nằm phải chui và luồn qua 1 cái “cửa” hình vuông nhỏ cao chừng 30cm. Chị Mến đẩy chúng tôi bước tiếp lên cầu thang: “Trông thế thôi chứ cái “quan tài” ấy cũng không bao giờ hết ngươi trọ. Cứ người này ra thì người kia vào”.
Tầng 2 của căn nhà trọ thoáng hơn 1 chút, rộng chừng 6m2. Xung quang 4 bức tường màu đen két được treo kín những cái bịch được bọc bởi mấy lớp túi bóng, và nhiều vali cũ, làn, thúng, khăn chùm đầu, dây rợ, dép, nón, mũ, thứ nào cùng bị mò hóng bám đen.
Trên nền tầng 2 là 5 người phụ nữ đang chen nhau ngủ, thò mỗi cái đầu hay chỏm tóc ra khỏi chăn. Họ không thèm nghe hoặc ngủ say như chết và chẳng biết đến sự hiện diện của chúng tôi. Phía chân cầu thang lên tầng 3 là mấy cái nồi nhỏ đen xì và chồng bát – bát thì sứt mẻ, bát thì màu vàng úa đựng trong cái rổ nhỏ quá khổ.
Theo những người phụ nữ trọ ở đây thì tầng 3 được gọi là “thiên đường” của căn nhà. Do những mảnh “công cụ” bằng áo mưa, chăn cũ, liếp gỗ mục… không thể che kín như tường gạch nên tầng 3 sáng và thoáng và dễ thở nhất. Đứng ở tầng 3, mọi người có thể nhìn thấy cả cầu Long Biên.
Những người trọ ở đây nấu ăn bằng củi với hai cái kiềng sắt như bếp rạ. Chiếm gần hết không gian của tầng 3 là gần 20 cái nồi, chảo cá nhân. Cũng trong cái tầng 3 đó có 2 vòi nước, hai cái thau nhựa màu hồng nhạt và một cái bệ xí vệ sinh được đậy bằng một mảnh tôn. Bệ xí được ngăn cách với nơi nấu nướng bằng một cái bờ gạch cũ cao chừng 20cm. Đây cũng là nơi họ tắm tiên. Lúc đang đi vệ sinh trên tầng 3 thì chị Mến cũng lên tắm. Chị không ngại ngần cởi quần áo trần truồng trước mặt tôi, chị vừa đổ nước lên người vừa nói : “Không phải ngại đâu em nhé, ngại thì không vào đây được đâu”.
Chị Mến quay sang tôi “chị quên mất, đi xong mày lấy nước rửa nhé, chị xả nước cho rồi, từ trước tới giờ không dùng giấy bao giờ”. Tôi hỏi chị tại sao không dùng giấy vệ sinh cho sạch, thì chị bảo “rửa bằng nước cũng sạch lắm, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy”.
Tất tần tật từ điện, nước dùng thoải mái các chị chỉ mất 10.000đ/ngày nên thay vì chi phí mua giấy vệ sinh thì đều gói gọn trong 10000đ tiền trọ. Sống trong cái môi trường bẩn thỉu như thế này, có lẽ chẳng ai còn màng đến hai từ lịch sự!
Những người phụ nữ lang bạt phải làm việc cật lực để kiếm sống
Công việc khốn khó
Trong căn nhà 3 tầng này thường có15 đến 20 người ở trọ. Tiền phòng không tính theo tháng như phòng trọ sinh viên mà tính tiền theo ngày. Ai ngủ qua đêm thì mất 10000đ/ ngày/ người bao gồm cả nước, cả điện, cả chỗ ngủ. Phần lớn những người gánh, làm xe đẩy thuê trọ ở đây đều là những người ở các tỉnh lẻ quanh Hà Nội. Họ lên Hà Nội mưu sinh và chắt chiu từng đồng một. Thường thường mọi người trọ ở đây làm ca khác nhau nên thay phiên nhau sinh hoạt. Người làm ban ngày thì ăn chiều, ngủ đêm, ngược lại người làm đêm thì sinh hoạt, ăn ngủ vào ban ngày.
Những người làm “xe đẩy” phải trở dậy từ 10h tối hôm trước và làm việc đến 2 - 3h sáng hôm sau. Họ đẩy những thùng hàng nặng từ 1 - 2 tạ, khối lượng gấp 2 - 3 lần trọng lượng cơ thể. Cô Hoa (Hưng Yên) cho biết: “Công việc cực nhọc lắm, nhưng vì đồng tiền mà gắng gượng”.
Còn những người đi gánh hàng thuê bắt đầu khi những người làm xe đẩy kết thúc buổi chợ (2 - 3h sáng). Mỗi gánh hàng nặng đến 70 - 80kg với giá tiền 7.000 - 10.000/chuyến tùy theo đoạn đường dài hay ngắn. Những người đi gánh thường làm việc 9 - 10 tiếng/ngày, từ nửa đêm đến 10 - 11h ngày hôm sau mới về phòng.
Cứ thế, những cái ô vuông 6m2 trong xó xỉnh khu ổ chuột Long Biên là nơi đặt giấc ngủ nn lành của gần 20 người phụ nữ . Nền nhà chỉ cần dải manh chiếu cũ nát là 10 người chen nhau có thể có chỗ ngủ nn lành.
Chị Vũ Thị Đào (Hải Dương) người trọ ở đó chia sẻ: “Hơn hai chục mạng sống bon chen thế này thì làm gì có chỗ phơi quần áo. Giặt thì cứ giặt, phơi thì cứ phơi thôi, hôm nào nắng to may ra mới khô hết được”. Chính vì thế, trên tầng 3 chỗ nào cũng có dây phơi quần áo. Các chị còn buộc dây từ mái nhà này sang mái nhà khác để làm chỗ phơi, khi nào khô thì lấy gậy kéo về. “Khổ nhất là những hôm gió nồm, nền nhà ướt rộp, nằm đắp chăn mà vẫn cảm tưởng như nằm dưới nước đá vậy. Quần áo thì phơi cả tuần vẫn ẩm rệt”, chị Đào chia sẻ.
Chị Đoàn Nhung (Quảng Châu, Hưng Yên) người trọ trong căn nhà đó tâm sự: “Mùa Đông gió rít vào cũng rét lắm, nhưng nằm chen nhau, có hơi người nó cũng ấm. Chứ đến mùa hè thì thôi rồi, nó nóng, ngột ngạt, ngửi toàn mùi hôi người cũng đã đủ chết”. Cuộc sống những người đàn bà trong căn phòng 6m2 cứ thế trôi qua, những bàn tay gân guốc, xần sùi, những vết sẹo còn lại của bệnh lở loét vẫn lộ ra…
Hoàng Thị Phương Hà
Lớp: Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận