NNƯT Hải Lý - Hơn 50 năm gìn giữ “Gia bảo truyền đời”
(Sóng trẻ) - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã khẳng định: “Nhân dân Lệ Thủy yêu quý hò khoan một cách bền vững. Trong tổng thể nhân dân đó, có những nghệ nhân suốt đời lưu giữ, bảo vệ nó như một tín đồ. Gia đình nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Lý là một ví dụ”.
Sứ mệnh thiêng liêng
Ai đó bảo, dù sân khấu có hoành tráng bao nhiêu thì những lời ca điệu hát xuất phát từ đời sống lao động vẫn dắt díu ta về với thôn quê mộc mạc; dù cho quần là áo lượt, tô son điểm phấn thế nào thì người hát vẫn cứ toát lên dáng vẻ bình dị, chân phương. Hình ảnh Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý (Hải Lý) ngân điệu hò khoan Lệ Thủy mộc mạc, chân phương là thế. Tình yêu hò khoan đã thấm vào máu thịt, vào tâm hồn của bao thế hệ con cháu trong gia đình bà và như bà tự hào nói, đó món gia bảo truyền đời quý giá, được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
64 tuổi, quá nửa đời gắn bó với loại hình dân ca độc đáo này, với bà, hò khoan là đam mê và cũng là sứ mệnh thiêng liêng. Bà trầm tư hoài niệm: “Tuổi thơ của tôi đắm chìm trong giai điệu hò khoan. Trong không gian mênh mông của cánh đồng trĩu hạt, những người nông dân thoăn thoắt tay gặt, tay bó lúa hân hoan theo nhịp hò vang xa làm dịu đi cơn nắng, vơi bớt nhọc nhằn. Điệu hò ấy là của cha tôi - “thợ hò khoan” nức tiếng Lệ Thủy Nguyễn Hữu Sào. Cha chính là người nâng giấc ngủ của các con bằng giọng hò khoan thắm thiết, gieo vào giấc mơ của con những ca từ đậm nghĩa tình quê hương, và như một sự hối thúc tự nhiên, từ đó tôi thêm yêu, thêm nhớ các làn điệu hò khoan.”
Khi còn là cô bé 12 tuổi, nghệ nhân Hải Lý được theo bố và cô ruột đi tập luyện, biểu diễn văn nghệ, dần dà, hò khoan Lệ Thủy đã “ngấm” vào con người bà lúc nào không hay. Từng câu hò, điệu hát của người bố (nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy nổi tiếng Nguyễn Hữu Sào), đã tạo nên sự đam mê, hối thúc bà đến với các làn điệu hò khoan một cách tự nhiên, như định mệnh. Cũng từ đây, cuộc đời bà gắn với nghiệp biểu diễn và bảo tồn loại hình văn nghệ dân gian độc đáo ấy.
Năm 18 tuổi, bà được cử đi tập huấn, trau dồi về hò khoan Lệ Thủy và hoạt động tại đội văn nghệ xã Thanh Thủy. Bà được nhiều nghệ nhân tài năng lớp trước như Nam Kỷ, Mộng Điệp, Châu Dinh truyền dạy, chỉ bảo tận tình về hò khoan Lệ Thủy và cả dân ca Bình Trị Thiên. Sớm nhận thấy năng khiếu, đam mê nghề cháy bỏng của Hải Lý, thầy Hoàng Đình Luyện đã tận tâm dìu dắt, hướng dẫn bà sưu tầm, soạn lời, sáng tác để làm phong phú hơn vốn văn hóa truyền thống địa phương. Bấy giờ, thầy Luyện mới nghỉ hưu (1965), ở chợ Tréo, thị trấn Kiến Giang. Với chiếc micro và cái loa pin trong tay, thầy đạp xe cà tàng đi xây dựng “đội văn nghệ tương lai” tại các xã. Nghe giới thiệu, thầy tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sào, gặp “bé” Lý liền bảo hò thử. Lý vừa cất giọng, thầy biết đã thu nhận thêm một học trò giỏi.
“Có tập luyện mới thấy học hò khoan không dễ, để hò cho hay lại càng khó, có bài mất hàng tuần mới hò đúng. Học với thầy, tôi như được gặp “cuốn từ điển sống” về các loại dân ca, đặc biệt là hò khoan Lệ Thủy. Thấy tôi hò chưa tình cảm, thầy hò mẫu để tôi biết cách hò tha thiết hơn, thấy tôi nản, thầy ân cần nhắc “hò không chuẩn mực sẽ bị các cụ quở cho đấy”. Nhờ vậy, sau một thời gian được truyền dạy, tôi đã tiếp bước thầy Hoàng Đình Luyện đi dạy hát hò khoan ở cơ sở.” Bà chia sẻ.
Mang nặng câu hò
Tiếc rằng khi thầy Hoàng Đình Luyện đang đi sưu tầm để viết lại toàn bộ nội dung liên quan đến hò khoan Lệ Thủy, kể cả lời cổ lẫn lời kim, thì thầy qua đời (năm 2000). Cũng trong thời gian ấy, do ảnh hưởng mạnh của nhiều loại hình giải trí, âm nhạc bên ngoài tràn vào, hò khoan không được chú ý. Các nhóm hò khoan vẫn tiếp tục luyện tập bài bản nhưng ngày càng ít người nghe, ít người muốn học. Nghệ nhân Hải Lý tâm sự: “Thấy công sức bỏ ra không được đón nhận, tôi buồn và nghĩ hay thôi, không làm nữa. Nhưng rồi nhớ lời thầy dạy: Em phải giữ lấy mái hò khoan Lệ Thủy này, tôi cứ nương níu”.
Từ những năm 1981 đến 1985, nghệ nhân Hải Lý cộng tác với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy, tích cực tham gia truyền dạy hò khoan và dân ca Bình Trị Thiên cho các đội văn nghệ cơ sở. Đây là quãng thời gian vô cùng vất vả, khó khăn, nhưng cũng để lại trong bà rất nhiều kỷ niệm, trở thành động lực mạnh mẽ để bà gắn bó với nghề. “Hồi đó, để di chuyển từ xã này sang xã khác, anh chị em phải đạp xe trong đêm mưa lạnh buốt. Cuối buổi diễn, chỉ có những tràng pháo tay và vài gói kẹo chanh, nhưng phần thưởng quý giá nhất là tình cảm của người dân, ghi nhận sự cống hiến tận tụy của anh chị em trong đội văn nghệ” - nghệ nhân Hải Lý kể.
Nửa thế kỷ gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, bà đã tham gia nhiều hội diễn, liên hoan dân ca, nghệ thuật truyền thống Bắc Trung Bộ và đạt những thành tích nổi bật. Vào thăm nhà nghệ nhân Hải Lý, một bức tường treo hàng loạt bằng khen được bà nâng niu, trân trọng như: Huy chương vàng Hội diễn đàn và hát dân ca tại Hà Tĩnh năm 1980; Huy chương bạc Hội diễn Hát ru khu vực miền trung tại Thừa Thiên-Huế năm 1992; diễn viên xuất sắc tại Liên hoan thông tin lưu động lần thứ nhất tỉnh Quảng Bình năm 1995; giải A tại Liên hoan đàn và hát dân ca tỉnh Quảng Bình năm 2007; cùng các bằng khen, giấy khen của các ban, ngành, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình.
Thế là trên chặng đường trắc trở giữ gìn di sản, bà tập hợp các nghệ nhân cùng phục hưng hò khoan Lệ Thủy. Mọi người tập hò, dựng sân khấu giả, đưa cối xay, cối giã vào tiết mục tái hiện không gian hò khoan xưa, rồi xin địa phương cho góp mặt trong các buổi hội họp, liên hoan văn nghệ… cốt nhắc nhớ mỗi người về đặc sắc quê nhà. Bà không quên cái ngày cầm tờ trình lên huyện xin thành lập CLB Hò khoan Lệ Thủy. Đó là năm 2013, 15 thành viên CLB đều là nông dân chân đất, sáng lăn lộn việc đồng áng, tối về tập luyện. Có người nắm đầy đủ cả chín mái hò, có người chỉ biết đôi ba mái, thuộc vài làn điệu, nhưng đồng tâm mong muốn truyền nối di sản của ông cha.
Dần dà từ CLB hò khoan Lệ Thủy tiếp tục nhân ra các CLB khác. Để hò khoan không bị mai một, cũng là tránh sự cách tân không phù hợp, nghệ nhân Nguyễn Thị Lý tiếp tục hướng dẫn các nhóm hò. Đó là phương hướng gìn giữ, bảo tồn rất tốt, nghĩ vậy nên bận rộn, vất vả mấy bà cũng gắng làm. “Giờ ngoài CLB các địa phương thì nhà trường, thầy cô cũng mời nghệ nhân về truyền dạy. Tuy giọng của họ luyện thanh theo lối hát mới rồi nên nhấn nhá điệu hò khó hơn, nhưng tinh thần cố gắng đó khiến chúng tôi rất vui, tin tưởng để truyền dạy, tin tưởng hò khoan không bị mai một”.
Một đời nghệ nhân Nguyễn Thị Lý theo cha, theo thầy gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, đến lượt các con, các học trò của bà lại tiếp nối dòng nhiệt huyết. Bởi một lần được lắng nghe hò khoan thì dư âm từng câu hò, điệu hát sẽ còn vang vọng. Bởi một khi đã thấm nhuần cái chất dân ca, đã hiểu cái lẽ giản dị chân phương của người lao động gửi vào câu hò, điệu hát, người ta sẽ thương, sẽ nhớ, sẽ nương níu giữ gìn…
Gia bảo truyền đời
Đã rất nhiều lần chúng tôi được chuyện trò cùng bà, nghe bà hát hò khoan ngay tại chính căn nhà nhỏ ở thôn Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy). Và lần nào cũng thế, đôi mắt người phụ nữ yêu dân ca quê hương như chính hơi thở này luôn ánh lên niềm vui và hạnh phúc khó tả.
Khi bà hát, từ ánh mắt, nụ cười đều toát lên sự tự hào và bà hát bằng cả trái tim mình. Hát bằng những gì mình đã chứng kiến, đã trải nghiệm và hát cho cả những đắng cay buồn tuổi trong cuộc sống. Điệu Hò khoan như thấm sâu vào từng tế bào của người phụ nữ ấy. Đó không còn là khoảng cách giữa âm nhạc và người nghệ nhân, mà như tri kỷ, như hai người bạn đang hàn huyên, kể cho nhau nghe. Có thế mới thấy được cái hồn của người hát Hò khoan quan trọng đến nhường nào.
Bà bảo, tình yêu hò khoan như ngọn lửa ấm cứ thế tỏa lan từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tình yêu của bà được truyền từ chính người cha của mình-nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Sào và nay bà truyền lại cho anh em, chồng con và các cháu.
Hiếm có gia đình nào ở Lệ Thủy mà cả gia đình cùng tham gia một câu lạc bộ, cùng đứng chung trên nhiều sân khấu của các hội diễn như gia đình NNƯT Nguyễn Thị Lý. Chồng bà, ông Ngô Lực cũng là nghệ nhân đàn nhị trong các buổi biểu diễn hò khoan Lệ Thủy. Anh trai bà-NNƯT Nguyễn Hữu Điệp là nhạc công đàn nguyệt và là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Con trai bà, anh Ngô Văn Diễn là nghệ nhân hát hò khoan nổi tiếng với điệu hò lỉa trâu miền sơn cước. Họ đã sống trong một không gian luôn vang vọng thanh âm khoan nhặt của các mái hò. Để rồi, họ cùng hát, đồng hành bên nhau trong tất cả những hoạt động nhằm lưu giữ và bảo tồn làn điệu hò khoan Lệ Thủy trong suốt nhiều năm qua.
101 tuổi, nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Sào vẫn còn minh mẫn lắm dù ông đã không còn hát được hò khoan như những ngày còn sung sức. Nhưng hễ khi cả đại gia đình cùng tập trung đông vui, các cháu lại hát cho ông nghe những làn điệu quê nhà. Bao nhiêu ký ức của ngày trẻ lại ùa về. Ngày ấy, ở khắp các vùng quê Lệ Thủy, ông nổi tiếng với giọng hò trầm ấm mà da diết. Điệu hò ấy đã theo ông suốt gần một thế kỷ, đi qua cùng những thăng trầm của lịch sử và đời người. Bà Lý bảo, chính tình yêu hò khoan mãnh liệt của cha đã truyền cho bà niềm đam mê đặc biệt với hò khoan. Và cũng chính ông là người thầy đầu tiên dạy cho bà các làn điệu dân ca Bình-Trị-Thiên, nhất là hò khoan Lệ Thủy. 12 tuổi, bà đã cùng cha đi biểu diễn ở các trường học. Rồi cứ thế, cái nghiệp dân ca bắt đầu đeo đuổi bà cho đến ngày hôm nay.
Chiều xuống chậm trên cánh đồng lúa vàng rộm của xã Phong Thủy. Câu chuyện với nghệ nhân Hải Lý dường như dài thêm. Trăn trở với việc bảo tồn và phát huy giá trị của hò khoan Lệ Thủy, bà luôn cảm thấy mình cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, vì sự trường tồn của loại hình nghệ thuật dân gian này. Một đời bà theo hò khoan, đến lượt các con bà, dòng nhiệt huyết ấy vẫn âm ỉ cháy. Dù phải bôn ba kiếm sống, nhưng chưa bao giờ họ quên điệu hò quê hương. Dù xa quê, điệu hò khoan Lệ Thủy mà họ mang theo vẫn vang lên theo cùng nhịp sống.