NSND Thanh Loan: “Nếu khán giả không còn hào hứng, nghệ sĩ chúng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng”
(Sóng trẻ) - Chèo từ lâu đã in sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nghệ thuật Chèo đang gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện với NSƯT Thanh Loan - Nhà Hát Chèo Hà Nội xoay quanh vấn đề “Nghệ thuật Chèo Việt Nam có còn giữ lửa?”.
Phóng viên (PV): Được biết, NSƯT Thanh Loan là một người đã gắn bó với bộ môn nghệ thuật Chèo từ khi còn trẻ. Vậy với kinh nghiệm làm nghề của mình, xin bà có thể giới thiệu đôi nét về nghệ thuật Chèo truyền thống.
NSƯT Thanh Loan: Chèo là bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Ngày xưa, vào những đêm trăng thanh gió mát, các bà con, trai tài, gái sắc thường rủ nhau ra sân đình múa hát, văn nghệ. Chất mộc mạc, dân dã, nhắn nhủ duyên dáng, hài hước đã tạo dựng nên "xương cốt" của chèo với phong vị riêng. Những bài hát, giọng điệu tự nhiên và ngôn ngữ đời thường, chèo đã thực sự chạm được đến trái tim những người dân Việt Nam.
PV: Theo bà, điểm đặc biệt khiến bộ môn nghệ thuật Chèo thu hút khán giả là gì?
NSƯT Thanh Loan: Đây là môn nghệ thuật hội tụ đầy đủ các yếu tố từ múa, hát, biểu diễn, kịch vô cùng độc đáo. Chèo có sức hấp dẫn có lẽ bởi cách thể hiện. Khi chúng ta muốn nói một câu đơn giản, đời thường như “Con thương mẹ”, nhờ có tiếng trống, những âm thanh và qua lối diễn của nghệ sĩ chèo, thực sự đã lột tả gần như toàn bộ tình cảm sâu sắc của câu nói đó. Bản thân mỗi khán giả khi xem cũng sẽ có những cảm xúc khác nhau. Đặc biệt, khi họ sẵn lòng bỏ thời gian và tiền bạc đi xem trực tiếp, chắc chắn sẽ khác biệt và hấp dẫn hơn rất nhiều.
PV: Hiện nay, một số loại hình giải trí như nhạc trẻ, phim ảnh, hài kịch… đang dần chiếm ưu thế, có lượng người xem đông đảo. Theo bà những điều này đã khiến Chèo gặp những khó khăn gì?
NSƯT Thanh Loan: Khán giả bây giờ không còn mặn mà nhiều với chèo như trước nữa. Ngày xưa, một vở chèo được tung ra ngay lập tức vé được bán hết rất nhanh, Chèo thu hút rất nhiều người dân, họ hào hứng vô cùng. Nhưng bây giờ, xã hội phát triển, Internet bùng nổ, ta có thể dễ dàng xem lại vở Chèo trên Youtube hoặc Google mà không cần đến tận nơi. Có lẽ cái khó khăn duy nhất đối với sự phát triển của Chèo là sức hút đối với khán giả.
PV: Gắn bó gần như cả cuộc đời và sự nghiệp với nghệ thuật chèo, đã từng trải qua thời hoàng kim của chèo, đến nay khi giới trẻ hầu như chẳng mấy người quan tâm, mặn mà với nghệ thuật truyền thống, điều ấy có làm bà lo lắng?
NSƯT Thanh Loan: Thực ra lo thì không lo, nhưng cũng rất mong muốn khán giả đến xem nhiều. Ngày xưa, khi được tin Nhà hát Chèo về các vùng nông thôn, khán giả họ háo hức đến xem rất đông. Bản thân tôi khi đi diễn lúc đó còn bất ngờ, choáng ngợp vì khán giả đông vô cùng. Khán giả họ yêu chèo, vì yêu nên họ mới đến. Hơn nữa, để dựng nên một vở chèo quả thực rất công phu nên khi thấy khán giả không còn hào hứng thì bản thân mỗi nghệ sĩ chúng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng. Bởi vậy, chúng tôi cũng mong muốn khán giả ngày nay có thể đến xem, hòa mình với sân khấu, đồng thời cũng là nguồn động viên rất to lớn đối với những người nghệ sĩ chúng tôi. Đặc biệt, khán giả đến xem cũng là một cách mở rộng hiểu biết về chèo - một loại hình nghệ truyền thống quý báu của Việt Nam.
PV: Có ý kiến cho rằng: “Cơ hội của chèo rất lớn chứ không bị hạn chế như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhưng hiện nay khán giả vẫn đang thờ ơ vì sân khấu không đủ sức hấp dẫn để lôi kéo họ”. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
NSƯT Thanh Loan: Bản thân tôi lại không nghĩ như vậy, Chèo vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Hôm vừa rồi Nhà hát Chèo có tổ chức vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”. Đó là một vở chèo kinh điển và khán giả họ đã đến chật kín hội trường để xem. Bản thân tôi đã bị choáng ngợp, khán giả họ như hòa mình vào cùng chúng tôi cho đến phút cuối cùng. Thế mới nói, khán giả thờ ơ với sân khấu Chèo là ý kiến chủ quan, không chính xác. Còn đối với lớp trẻ, vì xung quanh họ còn nhiều thú vui khác thu hút hơn, nên chèo không phải là ưu tiên chứ không hẳn là họ không yêu chèo.
PV: Thưa bà, trong bối cảnh sân khấu nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn, Nhà hát Chèo Hà Nội đã có những nỗ lực cụ thể như thế nào để bộ môn chèo vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng?
NSƯT Thanh Loan: Hiện nay, lượng người mua vé không còn nhiều như ngày xưa nữa, phải là ai thực sự quan tâm và yêu mến thì mới bỏ thời gian và tiền bạc để đến xem chèo. Chính vì vậy, với mỗi vở chèo được diễn thì sẽ luôn có quảng cáo, loa đài để thông báo về vở diễn sắp tới. Khi thấy khán giả tới đông chật kín cả hội trường, những người làm nghệ sĩ như chúng tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Có lần tôi đi công tác tại Hàn Quốc, tôi có cơ hội được xem bộ môn nghệ thuật truyền thống của họ. Vậy mới nói, nghệ thuật thực sự có thể đánh giá được văn hóa và con người của đất nước đó. Do đó, mỗi người nghệ sĩ chúng tôi luôn nỗ lực tập luyện, giữ gìn và bảo tồn Chèo Việt Nam, đem “món ăn tinh thần” tới gần hơn với khán giả.
PV: Xin cảm ơn bà đã nhận lời tham gia phỏng vấn.