NSND Trần Hạnh và hành trình gần 60 năm cống hiến không mệt mỏi với nghệ thuật
(Sóng trẻ) – Với nhiều người Việt Nam, vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, cái tên Trần Hạnh chắc không còn quá đỗi lạ lẫm. Với họ, hình ảnh của ông đã trở nên gần gũi, quen thuộc quá đỗi trên sân khấu và trên màn ảnh. Bước sang tuổi 92, cái tuổi “xưa nay hiếm”, tuy sức khỏe của ông có phần yếu đi nhưng tình yêu tha thiết cho nghệ thuật vẫn còn rạo rực như cái thuở mới vào nghề.
Chặng đường dài gắn bó và niềm “say” nghệ thuật
Gặp ông vào một sáng cuối tuần đầu thu, trời thu Hà Nội mát mẻ, rộn ràng dưới cái nắng dìu dịu khiến người ta thêm phần bâng khuâng, xao xuyến. Rảo bước trên con đường Trần Qúy Cáp tấp nập người mua kẻ bán, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cụ già hình dáng nhỏ nhắn ngồi ở góc cửa ra vào trong một tiệm bán quần áo, giày dép. Vừa nhìn thoáng qua, chúng tôi đã nhận ra nghệ sĩ Trần Hạnh. Cùng trông cửa hàng có anh con trai thứ tư và cô con dâu của ông. Ban đầu ông có phần ngần ngại và từ chối, sau một hồi thuyết phục, ông đồng ý cho chúng tôi phỏng vấn.
Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh năm 1927, là người gốc thủ đô. Ông là một diễn viên, một nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng. Ông cho biết, ông tham gia biểu diễn nghiệp dư và sau này người ta thấy làm tốt thì vào chuyên nghiệp, ban đầu ông tham gia sân khấu rồi sau khi nghỉ hưu rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989, ông chuyển sang làm diễn viên truyền hình.
Nghệ sĩ Trần Hạnh tại cửa hàng trên phố Trần Qúy Cáp
60 năm, một chặng đường dài của đời người ông gắn bó, cống hiến không mệt mỏi với nghệ thuật. Hành trình ấy cũng là minh chứng cho nhiệt huyết, cho đam mê, cho khát khao cháy bỏng được lao động, được sống với nghề. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, ở tuổi nài 90, sức khỏe đã yếu, tai không còn nghe rõ, mắt phải đã mù hẳn, mắt trái còn 30%, thế nhưng, khi được hỏi, ông vẫn hào hứng, nếu còn khỏe, còn được mời diễn thì vẫn tham gia.
Thời “hoàng kim” của nghệ sĩ Trần Hạnh từ cuối những năm 1970 đến năm 1980. Ông đã lấy được tình cảm của khán giả qua các vai diễn bí thư đảng ủy trong phim "Làng nổi", ông Khiển trong phim "Người cầu may", bố Lài trong "tướng về hưu", bố An trong phim "truyện cổ tích tuổi 17", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em", ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp",...
Vai diễn chính đầu tiên của nghệ sĩ Trần Hạnh là vai diễn trong phim Chiếc bình tiền kiếp của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và sau đó là các bộ phim như Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai,…
“Lão nông” hiếm có của màn ảnh Việt
Tham gia nhiều vai diễn với những nhân vật và tính cách khác nhau, song nói đến nghệ sĩ Trần Hạnh, người ta nghĩ ngay tới hình ảnh một cụ ông dáng vẻ khổ hạnh, đáng thương, một người nông dân thuần hậu dù ông là người Hà Nội.
Anh Vũ Tuấn chia sẻ:” Tôi rất thích cái vẻ giản dị, chân chất trong cách diễn của nghệ sĩ Trần Hạnh và đâu đó tôi thấy nghệ sĩ Trần Hạnh khá giống ông nội của mình”.
Trần Hạnh (phải) và Trần Vân trong vở Hẹn ngày trở về - Ảnh tư liệu Nhà hát Kịch Hà Nội
Không trải qua trường lớp chuyên nghiệp nào, nhập vai với sự linh hoạt, giản dị vốn có, có lẽ vì vậy mà hình ảnh nhân vật của nghệ sĩ Trần Hạnh tới công chúng một cách tự nhiên và chân thực nhất. “Cha mẹ sinh ra như thế nào thì tôi sống như thế, không muốn làm khác đi, không muốn mình là tài giỏi, là đẹp trai, là thế nọ thế kia, chẳng có gì để mà thay đổi”, nghệ sĩ Trần Hạnh tâm sự.
Và ít ai có thể ngờ rằng món ăn yêu thích là rau muống, một món ăn đậm chất thôn quê của người nghệ sĩ Hà thành.
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, ông Trương Nhuận, Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ nhận xét: “NSND Trần Hạnh là người sống rất khiêm nhường, giản dị, không thích phô trương và rất ngại phiền lụy đến người khác. Ông thực sự là một nghệ sĩ chân chính, chỉ sống bằng những vai diễn trong kịch, phim và làm việc một cách say sưa, trọn vẹn với vai diễn của mình, kể cả chỉ là vai phụ cũng luôn để lại ấn tượng tốt đối với khán giả.”
Mỗi vở diễn là một kỉ niệm, một trải nghiệm sống
Nghệ sĩ Trần Hạnh (trái) vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch Lam Sơn tụ nghĩa (1962)
(Ảnh tư liệu: Nhà hát Kịch Hà Nội)
Mái đầu đã điểm bạc nhưng sự yêu đời lạc quan trong ông vẫn luôn dạt dào. Mỗi diễn viên đều tìm kiếm cho mình những vai diễn để đời, gương mặt trở nên hào hứng, rạng rỡ hẳn lên khi được hỏi về vai diễn ấn tượng nhất, ông nói:”Đó là vai Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa… Qúy quá chứ, sung sướng còn gì nữa. Một diễn viên mà được phân một vai quan trọng như thế là hiếm có lắm, không phải ai cũng được làm đâu. Đi diễn, tôi được hiểu nhiều, biết nhiều, được nhiều tình cảm quý mến của khán giả. Tôi trân trọng điều đó lắm”.Và với vai diễn này, ông được trao huy chương vàng tại Liên hoan Kịch toàn quốc
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trong tập sách Người Hà Nội nhận xét rằng: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”.
Vinh danh NSND, sự cống hiến được ghi nhận
Sau 3 lần lỡ hẹn, mới đây theo Nghị quyết 54/NQ CP ngày 18/7/2019, nghệ sĩ Trần Hạnh được phong tặng NSND.
Chiều 29/8, tại Nhà hát lớn, đông đảo các nghệ sĩ nhiều thế hệ đã hân hoan tới nhận danh hiệu NSND, NSƯT của Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho những đóng góp của mình trong lĩnh vực nghệ thuật. Nghệ sĩ Trần Hạnh được người thân chu đáo, ân cần đưa tới buổi lễ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu cho NSND Trần Hạnh và bất ngờ ôm lấy ông tại sân khấu buổi lễ (Ảnh: Internet)
Phát biểu lại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:"Nghệ sĩ có ảnh hưởng lên giá trị của xã hội thông qua các tác phẩm của mình vì công chúng tin yêu các nghệ sĩ. Nhưng khả năng ảnh hưởng ấy cũng đi đôi với trách nhiệm xã hội lớn lao. Các tác phẩm của chúng ta có thể nâng cao giá trị, chuẩn mực xã hội lên, phê phán cái xấu, tôn vinh cái đẹp, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng nhân văn hơn".
"Tôi xúc động vì nhận danh hiệu ở tuổi 90. Tôi đã chờ ngày này mấy chục năm nay. Mong có thêm một số vai ngắn trước khi qua đời, như vậy là tôi mãn nguyện", nghệ sĩ Trần Hạnh trả lời phỏng vấn báo VNExpress.
Danh hiệu NSND là thành quả xứng đáng cho hành trình lao động miệt mài của nghệ sĩ Trần Hạnh. Nhắn nhủ tới những người hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là thế hệ trẻ, ông chân thành tâm sự:” Tập trung vào công việc, đừng để ý đến những hoa khiếm bên nài, dù là sân khấu hay là điện ảnh phải hết sức trân trọng và làm tốt vai diễn của mình”. Vừa nói, ông vừa trầm ngâm suy nghĩ nhìn ra con đường rộn ràng người qua lại.
Ở tuổi đã cao, ông vẫn vui mừng vì còn có thể trông được cửa hàng cho con cháu, chứ ở nhà chẳng khác gì “ở tù” mà ông hài hước ví von. Nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn, chúng tôi hiểu rằng, tình yêu nghệ thuật không vơi cạn phần nào giúp ông luôn lạc quan và vui vẻ đến thế. Nghệ sĩ Trần Hạnh sẽ mãi là biểu tượng cho tinh thần cống hiến, gắn bó sâu nặng với nghề, là ngọn đuốc sống giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ trẻ trên hành trình lao động và sáng tạo nghệ thuật.
Huy Ngọc
Cùng chuyên mục
Bình luận