Nữ họa sĩ mải miết tìm về một Hà Nội lãng mạn xa xăm…

(Sóng trẻ) - Trải qua hơn ⅔ thế kỷ, chứng kiến nhiều biến động lịch sử nhưng những bức tranh của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc tại buổi triển lãm “Hào khí Thăng Long” vẫn giữ được nét thanh lịch, trữ tình và chất chứa hoài niệm về một Hà Nội xưa.

Nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc (sinh năm 1945), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (1978). Phong cách hội họa của bà hướng tới sự giản dị, chân phương, thể hiện những ấn tượng về di tích lịch sử, đền, chùa cổ kính, góc phố dệt bởi thảm lá vàng, đỏ khoảnh khắc giao mùa hay rặng tre bình yên chốn làng quê… Tất cả toát lên một tâm hồn nghệ thuật hồn hậu, yêu thiên nhiên và đằm thắm tình người.

Nghệ thuật chắp vá mảnh ký ức

Dẫu Hà Nội có đổi thay bao nhiêu, bà vẫn mải miết theo đuổi bóng hình Hà Nội riêng mình - một Thủ đô lãng mạn thuở xa xăm nào đó còn đọng lại trong hồi ức. Đó có thể là cái nhìn của cô bé ngồi trong chiếc thúng mẹ gánh để sơ tán năm 1947, đêm đêm, cô bé vừa được nghe mẹ hát những ca khúc tiền tuyến hào hùng, vừa dõi theo ngón tay mẹ chỉ về vùng sáng lung linh cuối trời và bảo đó là Hà Nội.

“Những bức tranh của tôi chưa bao giờ xa rời thực tế, tất cả là chất liệu trong ký ức, là những gì tôi quan sát và sống trong đó. Phải yêu, phải thăng hoa xúc cảm đến trăm nghìn lần mới có thể “đi” vào trong tranh một cách tự nhiên và có hồn đến thế ”, nữ họa sĩ chia sẻ.

anh-1.png
Bức tranh “Làng Phù Đổng” (trên) và “Chùa Quán Sứ”, “Phố Hàng Giấy” (dưới) của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc. (Ảnh: Ngọc Anh)

Ngắm tranh bà, người ta tưởng như đang xem một cái gì đó mát lành, làm thanh mát tâm hồn. Bởi chứng kiến cuộc sống vất vả bao năm của mẹ khi một mình nuôi nữ họa sĩ, bà Ngọc đã tựa vào những khoảnh khắc được vẽ để vượt thoát hiện thực cơ hàn. Thế nên bà muốn “đứa con tinh thần” của mình có thể xoa dịu tâm hồn người thưởng tranh, như cách mà chúng đã và đang tưới mát tâm hồn bà.

“‘Chùa Quán Sứ’ và ‘Phố Hàng Giấy’ là hai bức họa tôi yêu nhất. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi học trường Tân Trào cạnh chùa Quán Sứ, có những lúc trường sửa chữa, nhà trường mượn chùa để dạy học. Ngồi học trong lớp không chỉ có tiếng thầy giảng bài mà còn nghe đâu đó âm vang tiếng chuông chùa, tiếng gõ mõ, tụng kinh,... để đến khi vẽ, những thứ bình dị thường nhật này vẫn còn tái hiện rõ ràng trong trí nhớ”, bà tâm sự.

anh-2.png
Nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc (trái) chụp cùng người bạn của bà là họa sĩ Trương Ngọc Hiên bên hai bức tranh “Chùa Quán Sứ” và “Phố Hàng Giấy”. (Ảnh: Ngọc Anh)

Họa sĩ Vũ Hồng Ngọc lựa chọn chất liệu sơn dầu để vẽ hai bức tranh này - một chất liệu có khả năng biến hóa vô cùng với hàng chục kỹ thuật khác nhau. Bằng sự khéo léo, bà thể hiện từng lớp lang sơn dầu như những lớp bụi thời gian giăng đầy góc phố nơi ngôi chùa tọa lạc. Thấp thoáng bên dưới là màu trắng ngà của tà áo dài, màu vàng già của thời gian, màu nâu của gỗ, của đất, của tường,... tất cả đều góp phần tạo nên bản phối màu thân thuộc, đậm chất trữ tình.

Những bức họa khoáng đạt của Nguyễn Anh Thường

Nếu những bức sơn dầu khổ nhỏ của nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc tạo nên quãng nghỉ êm đềm, thư thái đầy tính nữ cho triển lãm thì những bức tranh của họa sĩ gạo cội Nguyễn Anh Thường (tên gọi khác là Nguyên Vũ, sinh năm 1930) - người thầy của bà Ngọc - lại thể hiện cuộc sống bằng những hình khối giàu nghệ thuật trên bề mặt lớn, chiều rộng và dài có khi lên đến hơn 3m.

Những bức tranh sơn mài của ông theo phong cách trừu tượng với đường nét khoáng đạt, khúc chiết rất hiện đại. Riêng với Hà Nội, họa sĩ Anh Thường muốn vẽ vẻ đẹp huyền bí với sức sống mãnh liệt của thành phố này, một Hà Nội đẹp nhưng không phải vẻ đẹp êm đềm nhung lụa.

Vậy nên khi thể hiện bức họa “Điện Biên Phủ trên không”, ông đã phác họa cảnh máy bay B52 vỡ vụn trên bầu trời Hà Nội qua sự tan vỡ của hình trong bố cục trải khắp mặt tranh. Kết hợp với màu vàng của sơn mài mang đến cảm giác hào hùng, oanh liệt về thời khắc ấn tượng lịch sử.

anh-3.jpg
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường bên bức sơn mài “Hào khí Thăng Long” khổ lớn (154x300cm) mà hai họa sĩ là đồng tác giả, được thể hiện qua ngôn ngữ trừu tượng. Tên của bức tranh được dùng làm tên buổi triển lãm. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
anh-4.png
“Chùa Thầy” - Họa sĩ Nguyễn Anh Thường. (Ảnh: Ngọc Anh)
Triển lãm “Hào khí Thăng Long” lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng 24 tác phẩm sơn mài, sơn khắc khổ lớn cùng tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và họa sĩ Vũ Hồng Ngọc với chủ đề đa dạng từ huyền thoại lịch sử hào hùng của dân tộc, khúc tráng ca cách mạng cho đến phong cảnh thiên nhiên, con người của đất nước Việt Nam tươi đẹp. Qua đó, chia sẻ những giá trị văn hóa, nghệ thuật của 2 họa sĩ tới cộng đồng. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 13/3 tại tầng 1, tòa nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN