Phát huy chất liệu dân gian trong văn hóa đương đại
(Sóng trẻ) - Bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ là gìn giữ quá khứ mà còn là cách thổi hồn dân tộc vào đời sống hôm nay, từ đó khẳng định bản sắc Việt trong dòng chảy thời đại. PGS.TS. Phạm Ngọc Trung - Nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những chia sẻ cùng chúng tôi về vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại mới.

PV: Thưa PGS.TS, theo ông, văn hóa truyền thống được định nghĩa như thế nào?
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung: Chúng ta biết rằng, dân tộc Việt Nam là cộng đồng gồm 54 dân tộc anh em. Chính vì vậy, văn hóa truyền thống không phải chỉ là văn hóa của người Kinh ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Chăm ở Trung Bộ hay người Khmer ở Nam Bộ, mà còn có cả văn hóa của người Nùng, người Tày, người Mường, người Dao, người Thái,… ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc cùng toàn bộ cộng đồng dân cư vùng miền Trung, miền Nam Việt Nam.
Vậy nên, theo nghĩa hẹp, văn hóa truyền thống là những loại hình văn hóa nghệ thuật đã được hình thành và phát triển trong quá khứ, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Còn với nghĩa rộng, phải hiểu rằng, văn hóa truyền thống là những đặc trưng, những loại hình, những giá trị văn hóa nghệ thuật được kết tinh trong lịch sử của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
PV: Các giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa như thế nào trong dòng chảy lịch sử của đất nước, thưa ông?
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung: Ở bất kỳ giai đoạn nào, văn hóa Việt Nam cũng luôn đứng trước một vấn đề thách thức của lịch sử, đó là mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Trong quá trình phát triển của văn hóa dân tộc, không phải chỉ có những yếu tố văn hóa nội tại của Việt Nam phát triển một cách độc lập, đơn phương mà luôn luôn có những giao lưu, tiếp biến về văn hóa. Đó có thể là sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, các tộc người với nhau hay với các nước láng giềng và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Chính vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng đối với một quốc gia, vừa là vấn đề khoa học, nhưng đồng thời là một vấn đề thực tiễn đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa cũng như các nghệ nhân, nghệ sĩ và đặc biệt là cộng đồng dân cư ở các làng quê cần phải lưu tâm.
PV: Từ thành công của MV Bắc Bling (Hòa Minzy) hay trước đó là Xẩm Hà Nội, Xẩm xuân xanh (Hà MyO), See tình (Hoàng Thùy Linh)..., ông đánh giá thế nào về vai trò của văn hóa nghệ thuật truyền thống trong nền âm nhạc đương đại?
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung: Các làng quê Việt Nam là nơi lưu giữ và bảo tồn những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống dân gian, ví dụ như quan họ Bắc Ninh, điệu then của người Tày, người Nùng, điệu ví dặm của của Nghệ Tĩnh, điệu hò dô của Thanh Hóa,… Những điều này tạo nên sắc thái rất đa dạng của văn hóa Việt Nam. Suy cho cùng, tất cả những đỉnh cao của cái gọi là văn hóa nghệ thuật hiện đại sẽ luôn luôn gắn với sắc thái của nghệ thuật dân gian truyền thống.
Tôi từng đi thực tế ở vùng Bắc Ninh cùng nhiều địa phương khác và nhận thấy rằng, nghệ thuật truyền thống rất hay, rất tinh tế, nhưng nó thường dài dòng và gắn với nhiều điển tích lịch sử. Các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của chúng ta đã từng đạt đến đỉnh cao trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Tuy nhiên, bây giờ xã hội đang thay đổi, các loại hình nghệ thuật đó cũng đang có sự thay đổi, và rõ ràng, những nghệ sĩ trẻ phải tìm một hướng đi sao cho phù hợp để gìn giữ được cái giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống dân tộc.
PV: Ông đánh giá như thế nào về các chính sách hiện nay của Đảng, Nhà nước cũng như các tổ chức đoàn thể trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống?
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thông qua hệ thống Nghị quyết, chính sách và luật pháp cụ thể. Nhà nước đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất công nhận các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống là di sản văn hóa quốc gia. Đến nay, có khoảng trên 30 di tích đã được trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa dân gian như chèo Thái Bình, quan họ Bắc Ninh, ca trù Hà Nội,... đều được Nhà nước hỗ trợ về mặt kinh phí. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ được tạo điều kiện tham gia giảng dạy, trao truyền những giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Đồng thời, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan đoàn thể, văn hóa truyền thống đang được gìn giữ và phát huy trong môi trường giáo dục chính quy hiện đại.
Khi đến Bắc Ninh, tôi nhận thấy rất nhiều trường học ngoài việc giảng dạy những bộ môn khoa học thông thường, các em còn được học về quan họ Bắc Ninh từ chính những nghệ nhân dân gian trong làng. Hay những câu lạc bộ, nhà văn hóa về làn điệu hát then đàn tính vùng Tuyên Quang, Cao Bằng được địa phương tổ chức để truyền thụ lại kinh nghiệm, kỹ năng và nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ, giúp giữ gìn được cái nhịp phách, cái hồn cũng như sức sống của nghệ thuật hát then đàn tính đến đời sau.
PV: Hiện nay, chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ cần làm gì để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng?
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung: Chúng ta biết rằng, trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ dần trở thành thế hệ làm chủ gia đình, làm chủ đất nước. Để nâng cao tình yêu với nghệ thuật truyền thống, theo tôi, người trẻ cần phải nâng cao tinh thần yêu nước trước tiên. Bởi lẽ, yêu nghệ thuật dân gian truyền thống gắn liền với tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc.
Cùng với đó, để phù hợp với đời sống hiện đại và nhu cầu của thế hệ thanh niên hiện nay, các sáng tác âm nhạc của những nghệ sĩ trẻ cũng cần được cải biên, đổi mới nhưng vẫn phải giữ trọn vẹn sắc thái của chất dân gian truyền thống, kể cả trong những làn điệu cổ. Các bạn trẻ sẽ có thể tiếp xúc với âm nhạc dân gian một cách thường xuyên hơn, từ đó yêu quý và say mê văn hóa dân tộc.
Mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giới trẻ tiếp cận và lan tỏa nghệ thuật truyền thống. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến tạo điều kiện để những tinh hoa văn hóa dân gian được phổ biến rộng rãi. Qua các phương tiện tương tác được hiện đại hóa như vậy, thế hệ trẻ cần tích cực đẩy mạnh tinh thần học hỏi, tiếp thu và phát huy những giá trị của nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam.
PV: Như PGS.TS. vừa đề cập, mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ và giới trẻ sẽ linh hoạt hơn trong việc tiếp cận, sử dụng. Vậy khi ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cần làm gì để tận dụng tối đa sức lan tỏa của mạng xã hội mà vẫn giữ trọn bản chất văn hóa?
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung: Khi lan tỏa những tác phẩm liên quan đến văn hóa truyền thống trên không gian mạng, chúng ta cần phải có những bình luận, định hướng chính xác, khoa học cho khán giả. Nếu các nội dung này chỉ được đưa lên một cách đơn lẻ mà không thông qua những người có chuyên môn, không có đánh giá chân thực và sắc sảo, công chúng có thể nêu lên nhiều quan điểm cá nhân trái chiều, gây mất hình ảnh của văn hóa nghệ thuật truyền thống trong một số trường hợp.
Âm nhạc nghệ thuật có tác dụng định hướng con người về mặt thẩm mỹ cả lý tưởng sống. Vậy nên, trên mạng xã hội, những ý kiến của chuyên gia không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về giá trị nghệ thuật, tính cộng đồng và tinh thần dân tộc trong từng tác phẩm mà còn góp phần định hướng nhận thức một cách chính xác. Bên cạnh đó, cần phải có những bạn trẻ có trình độ lý luận nhất định, để tham gia dẫn dắt và giải quyết những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình lan tỏa thông tin về văn hóa nghệ thuật truyền thống trên không gian mạng.
Ngoài ra, để những tác phẩm nghệ thuật truyền thống này đạt đến chất lượng tốt khi phát sóng trên các trang mạng xã hội, rõ ràng, chất lượng của hệ thống khoa học công nghệ cũng cần phải được nâng cao, tránh tình trạng nhiễu sóng, gián đoạn gây mất đi giá trị của một tác phẩm nghệ thuật.
Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc ông thật nhiều sức khỏe!