Phí điện nước ở các khu nhà trọ và phương án tiết kiệm giá thành
(Sóng trẻ) – Một tháng đóng 200000-400000 đồng tiền điện, 50000-100000 đồng tiền nước là tình trạng phổ biến của hầu hết sinh viên khi đi thuê trọ. Trên thực tế, số lượng điện tiêu thụ và số nước sử dụng là rất ít, vậy tại sao sinh viên nói riêng và người đi thuê trọ nói chung lại phải chi trả số tiền “oan” ấy. Phép toán nào cần được áp dụng để giải quyết tình trạng rất phổ biến này?
Đa phần chủ trọ đều “Tát nước ăn theo”
Theo khảo sát, hầu hết các khu nhà trọ trên địa bàn Hà Nội đều có giá điện giao động từ 3500-4500 đồng/KWh, trong khi tính theo mức quy định của nhà nước, mỗi KWh tính trung bình chưa đến 2500 đồng. Lý giải cho điều này, nhiều chủ trọ cho rằng tổng số lượng điện tiêu thụ trong khu trọ của họ là rất lớn, nên khi tính theo từng mức phí khác nhau, giá tiền nhân lên cũng lớn hơn rất nhiều so với mức bình thường. Cạnh đó, nhiều chủ trọ lại cho rằng giá điện trong khu trọ của họ cao vì…ở đâu cũng cao như thế. Khi giá điện nhà nước chỉ tăng 7,5% từ đầu quý 3 so với giữa tháng 3 năm nay thì đa phần các khu nhà trọ đều tăng vượt mức quy định, có nơi trên 15%, có nơi thậm chí gần xấp xỉ 30%.
Ảnh: Internet
Giá nước cũng là bài toán tương tự. Thay vì làm phép nhân: số lượng nước sử dụng với giá nước quy định cho 1m³ nước thì hầu hết các chủ trọ đều áp dụng chung một mức tiền cố định, và rõ ràng, số tiền ấy quá cao so với khả năng sử dụng nước của 1 cá nhân. Nguyễn Thị Hoài - một sinh viên trên địa bàn Hà Nội cho biết, phòng trọ của Hoài có 4 người, tất cả đều là sinh viên. Mỗi người nộp 100.000 đồng tiền nước/tháng, tức là chủ trọ thu về 400000 đồng. Trong khi đó, Hoài và các bạn của em chỉ dùng nước với nhu cầu khá đơn giản: tắm, giặt, vệ sinh cá nhân và nấu ăn. Vậy với những nhu cầu đó có đáng để trả mức giá 400.000 đồng tiền nước mỗi tháng?
Dế dàng hình dung, đa số các chủ nhà trọ đều tìm cách thu về lợi nhuận từ phí sinh hoạt của người đi thuê, giá điện, nước vì thế mà tự do nhảy múa. “Giá điện nước của nhà nước tăng, đương nhiên chúng tôi cũng phải tăng. Tăng bao nhiêu thì chúng tôi tự tính toán” - bà Lý Thị H, một chủ trọ trên đường Nguyễn Trãi nói.
Làm sao để khống chế bất cập phí điện nước?
Theo hai thông tư đang có hiệu lực thi hành của ngành điện và nước sạch gồm: Thông tư 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT (hướng dẫn giá tiêu thụ nước sạch) và Thông tư 16/2014/TT - BCT (quy định về thực hiện giá bán điện), những điều khoản xác định giá đối với trường hợp sinh viên và người lao động thuê phòng trọ được quy định rõ ràng. Theo đó, người thuê trọ có thể ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh để được tính là một hộ sử dụng điện, nước theo giá sinh hoạt. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng.
Hướng dẫn cụ thể trong thông tư liên tịch (Ảnh: chụp màn hình)
Sinh viên và người đi làm có thể dễ dàng thực hiện phương án này để hạn chế mức phí sinh hoạt. Thủ tục giấy tờ cũng khá đơn giản, gồm giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà có xác nhận của địa phương hoặc các tổ chức hành nghề công chứng và cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà.
Nài ra, các cơ quan chức năng cũng nên kiểm tra, theo dõi những bất cập hiện hữu trong việc thu tiền điện nước tại các khu nhà trọ để có sự thống nhất, cân đối, tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay.
Thủy Tiên
Cùng chuyên mục
Bình luận