Phụ xe gian lận khi bán vé ngày
(Sóng Trẻ) - Tình trạng một số nhân viên phụ xe của các tuyến buýt nội thành cũng như nại thành thu tiền của khách hàng nhưng không xé vé đang diễn ra phổ biến khiến dư luận cảm thấy bất bình.
Gian lận khi bán vé là thực trạng xảy ra ở một số tuyến xe buýt Thủ đô. Đối với những hành khách đi bằng vé tháng thì những nhân viên này không “làm ăn” được gì. Nhưng đối với những người đi vé ngày thì họ sẵn sàng “xà xẻo”.
Bạn Dũng ở Cổ Nhuế, Từ Liêm kể lại: Một lần đến nhà bạn chơi, tôi bắt chuyến xe buýt tuyến số 27 (Nam Thăng Long- Bến xe Yên Nghĩa) tại bến xe trước siêu thị Metro. Khi tôi đang đánh chen để bước lên xe, một phụ xe nhìn rất ngổ ngáo, đứng ở gần cửa sau luôn miệng hô lớn: “Nhanh chân. Nhanh chân. Ai có vé tháng thì cầm lên tay”. Sau đó, ai không giơ vé tháng thì nhân viên này đến bán vé ngày. Tay thu tiền, miệng liên tục hỏi hành khách “xuống đâu”. Nếu khách hàng xuống gần thì nhân viên không xé vé còn nếu đi xa thì nhân viên mới xé vé. Tôi đi vé ngày, nhân viên này cầm tiền và hỏi tôi xuống đâu. Tôi bảo xuống bến xe Cầu Giấy. Nhân viên này không đưa vé cho tôi và còn dặn tôi là “nếu gặp thanh tra có hỏi thì bảo mất hoặc vứt vé rồi”.
Kiểm soát đưa vé cho hành khách trên xe buýt không được thực hiện chặt chẽ
(Nguồn Internet).
Với những người đi xe buýt thường xuyên thì hành động này của nhân viên phụ xe đã trở nên “quen thuộc”. Còn đối với những người ít đi thì khi lên xe đưa tiền nhưng không được đưa vé thì họ thường thắc mắc. Thay vì nhận được những câu trả lời rõ ràng, họ nhận lại được sự phản ứng rất khó chịu của những nhân viên bán vé.
Bạn Thành - SV Cao đẳng TM & DL nhớ lại: Một lần về quê, đi trên xe buýt tuyến 15 (Long Biên- Đa Phúc- Phố Nỉ), có một người phụ nữ khoảng nài 40 tuổi, khi đưa tiền cho nhân viên bán vé nhưng không thấy người này đưa vé liền hỏi “không xé vé hả cháu” nhưng nhân viên bán vé không nói gì mà đi thẳng lên chỗ ngồi. Cô hỏi với theo thì nhân viên này gắt lớn “ hết vé rồi”, nhưng thực chất trên tay vẫn cầm một xấp vé lớn.
Trên suốt cả đoạn đường dài như vậy, hàng trăm lượt khách lên xuống nhưng nhân viên bán vé này không hề xé vé. Mà đây là xe buýt nại thành nên có giá 5000 đồng/ lượt. Thử hỏi một ngày như vậy họ “bỏ túi” bao nhiêu tiền.
Được biết hàng ngày vẫn có các đoàn thanh tra xe buýt đi kiểm tra tình trạng bán vé. Nhưng trên thực tế, tình trạng này không hề suy giảm mà ngược lại, đang có chiều hướng gia tăng. Bạn Quảng- quê Bắc Giang cho biết: Bạn hay đi xe buýt tuyến số 46 (Bến xe Mỹ Đình – Cổ Loa) để về quê. Nhiều lần bạn chứng kiến cảnh nhân viên bán vé không xé vé cho hành khách. Bạn chia sẻ: “Chỉ lo khi có đoàn thanh tra đi kiểm tra mà không có vé, họ bắt phải mua lần nữa”. Nhưng bạn thấy lần nào nhân viên bán vé không xé vé thì lần đó không có thanh tra kiểm tra và ngược lại. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra: Liệu ở đây có sự “thông đồng” giữa những nhân viên bán vé với một số thanh tra hay không?
Hà nội mỗi ngày có hàng trăm lượt xe buýt hoạt động. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên như vậy, thiệt hại cho các công ty vận tải xe buýt và ngân sách Nhà nước là không hề nhỏ. Hành động này không khác nào “ăn cắp” tiền của công làm của riêng, trong khi mỗi năm Nhà nước vẫn phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho vận tải xe buýt.
Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh lại tình trạng này.
Triệu Quang
Lớp Báo ảnh K.29
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.