Quan họ trong trái tim tôi
(Sóng Trẻ) - Nếu Mông Cổ vinh hạnh có trường điệu (làn điệu dân ca) Urtiin Duu đầy chất thơ trên những thảo nguyên mênh mông, Albania kiêu hãnh với hát đối Skrapar làm say đắm lòng người thì Việt Nam tự hào là nơi sở hữu dân ca quan họ Bắc Ninh đằm thắm, trữ tình.
Quan họ và những lời ru
Thuở nằm nôi, trẻ em Việt Nam thường gắn liền những lời ru của bà, của mẹ. Lời ru như những dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con người. Và tôi cũng vậy. Nhưng sinh ra ở vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc nên trong giấc ngủ thời thơ bé của mình tôi còn được thổi vào những giai điệu đằm thắm trữ tình của quan họ từ bà, từ mẹ.
Bà tôi vẫn thường vừa têm trầu vừa bảo: quan họ là linh hồn của quê hương mình nên bà phải gieo vào tâm hồn những đứa cháu từ nhỏ để tâm hồn cháu bà ngập tràn những câu ca quan họ. Cũng là vun đắp cho chúng tôi sự đẹp đẽ, chất phát, mến khách của con người Việt Nam.
Trầu têm cánh phượng trên chiếc nón quai thao.
Làn điệu mượt mà chinh phục trái tim tôi
Bắc Ninh là một vùng đất văn hiến, vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất của làng nghề và các lễ hội dân gian. Lớn lên ở Bắc Ninh, tôi gắn bó sâu đậm với khung cảnh cây đa, bến nước, sân đình và bị “hút hồn” bởi quan họ. Người ta vẫn bảo dân ca quan họ là món ăn tinh thần đặc sắc của người Kinh Bắc quả không sai bởi quan họ hiện hữu mọi nơi trên mảnh đất này. Trong những lễ hội có quan họ theo lối hát canh, hát hội trong những lần tế lễ có hát thờ, trong những đám cưới những cuộc vui thì có hát chúc, hát mừng… nhưng đặc sắc hơn cả là lối hát đối đáp của các liền anh, liền chị trong những ngày hội và trên cả những cánh đồng quê.
Các liền anh, liền chị quan họ trước sân đình. (Nguồn: Internet)
Dẫu chưa hiểu hết hồn cốt của quan họ nhưng tôi vẫn luôn giữ trọn niềm say mê hứng thú với nó. Tôi vẫn luôn đắm mình trong những giai điệu đậm đà, ngọt ngào tình tứ dù ở bất cứ nơi đâu của các anh hai, chị hai. Trong thời buổi “bùng nổ” âm ngạc như hiện nay nhạc Âu – Mỹ, nhạc Hàn được nhiều người lựa chọn nhưng với tôi làn điệu quan họ vẫn giữ một vị trí không thể thiếu trong trái tim. Nhưng bài hát về tình yêu nam nữ đằm thắm, chân tình về tình yêu quê hương, về mối quan hệ thủy chung son sắc giữa con người với con người vẫn luôn chinh phục trái tim tôi.
Quan họ còn là nỗi nhớ
“Người đừng về đêm nay. Quan họ tình thơ ngây”, đó là điệp khúc trong bài hát “Ngẫu hứng giao duyên”. Chỉ hai câu hát nhạc sĩ Trần Tiến đã nói lên sự lưu luyến của người quan họ đối với khách của mình. Đúng là người Bắc Ninh ‘”vốn trọng trữ tình”. Chính vì thế mà bất cứ ai đặt chân lên Bắc Ninh cũng không khỏi xao xuyến, bồi hồi. Còn khi ra về thì ngập tràn cảm xúc vui buồn lẫn lộn, vui vì sự mến khách trọng tình của người quan họ, buồn vì phải tạm chia tay mảnh đất nơi này, và xúc động bởi âm hưởng man mác của những bài quan họ lúc chia tay “người ơi người ở đừng về…”
Những làn điệu dân ca quan họ, đó còn là nỗi nhớ của người quan họ mỗi khi đi xa. Cô Nguyễn Thị Hạnh (Yên Phong – Bắc Ninh), người từng có bảy năm làm việc ở Hàn Quốc tâm sự: “Đi lao động ở nước nài tôi nhớ quan họ mà không gì có thể kể nổi, tôi nhớ “bọn” quan họ làng tôi những tối đi hát với nhau thành ra cứ phải bảo “bọn” gửi clip sang cho”. Cùng chung tâm sự đó, bạn Ngô Thị Hương (Từ Sơn – Bắc Ninh), người hiện đang du học ở Úc kể rằng: “Mình tải khá nhiều bài hát quan họ về máy tính, nghe và đôi khi khóc vì nhớ quá…”
Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận