Quảng cáo trên truyền hình: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi"!
(Sóng Trẻ) - Khung giờ vàng của quảng cáo trên xuất hiện nhan nhản quảng cáo nhạy cảm của những sản phẩm như Nam thận bảo, Tây thi, Rocket, Viagra… Kèm theo đó là hàng loạt slogan “Bổ thận tráng dương-tăng cường sinh lực”, “Tăng khả năng giường chiếu”, “Hấp dẫn trong mắt bạn đời”… thô thiển và lộn xộn khiến khán giả truyền hình lắc đầu ngán ngẩm.
Nội dung quảng cáo nhiều "sạn"
Có một thực tế là hiện nay, rất nhiều quảng cáo đã, đang được phép xuất hiện trên sóng truyền hình dù có nội dung nhạy cảm. Khiến nhiều khán giả phát cáu, đỏ mặt hay thốt lên "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Vấn đề đáng nói ở đây là sự ảnh hưởng của nó đối với khán giả khi mà đối tượng thực sự bị quảng cáo thu hút và chi phối nhiều nhất là trẻ em.
Không ít bậc phụ huynh phàn nàn rằng nhiều sản phẩm quảng cáo có tác động xấu đến con của họ. Ví như quảng cáo sản phẩm Nam thận bảo với slogan “Một người khỏe-hai người vui”. Bất cứ đứa trẻ nào cũng đều thuộc làu làu câu slogan “kinh điển” của nhãn hàng này và còn nhại lại lời nói của nhân vật mặc dù không phải tất cả chúng đều hiểu ý nghĩa câu nói. Chị Thanh (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Con trai út trong nhà rất thích xem quảng cáo. Cứ phải có quảng cáo mới chịu ăn cơm. Nhưng mỗi lần cháu cứ nhại đi nhại lại những lời trong các đoạn quảng cáo thì tôi thấy rất khó chịu và bực mình”.
Nhiều quảng cáo nội dung nhạy cảm xuất hiện tràn lan trên truyền hình
Bên cạnh đó, một số sản phẩm quảng cáo khác cũng nhạy cảm không kém như thuốc chữa tiêu chảy, trĩ, phụ khoa, dung dịch vệ sinh, thuốc xịt nách hay thậm chỉ cả nước tẩy rửa bồn cầu… Một khán giả truyền hình bức xúc: “Giữa chương trình thời sự và thể thao là y như rằng có những quảng cáo như thế. Lại phát ngay lúc cả gia đình đang ăn cơm, thật ngán ngẩm”. Đơn vị quảng cáo cũng như đài truyền hình hoàn toàn nhận thức được về giới hạn chấp nhận của công chúng, nhưng họ vẫn cố tình bỏ nài tai và hoạt động quảng cáo tràn lan.
Đối với những sản phẩm ít nhạy cảm hơn, nhưng ý tưởng về nội dung quảng cáo cũng khiến khán giả truyền hình không thế chấp nhận được. Đôi khi còn cường điệu một cách quá mức và còn có phần phản khoa học.
Quảng cáo nước tẩy sàn nhà Sunlight được minh họa bằng hình ảnh một cô gái trẻ xinh đẹp mỗi lần mở nắp chai liền đưa lên mũi hít một hơi sáng khoái. Sự vô lý quá rõ ràng và nguy hiểm nhất là khiến trẻ em làm theo. Rồi trẻ còn bắt chước lấy băng dán vào răng, bóc ra rồi lấy lưỡi liếm đi liếm lại hàm răng như quảng cáo kẹo cao su Extra. Các hãng sữa thì nhắm vào tâm lý của các bậc phụ huynh, phóng đại triệt để. Uống sữa vào vừa thông minh, tăng chiều cao nhanh chóng, khỏe mạnh toàn diện.
Chị Lan Hương (Cầu Giấy) nhận xét: 10 quảng cáo thì phải có đến 9 quảng cáo là có những câu “chất lượng hảo hạng”, “siêu hạng”, “siêu bền”, “nn nhất thế giới… Thực ra chất lượng sản phẩm như thế nào ai dùng rồi cũng biết. Không cần phải đi tung hô một cách thái quá như thế. Càng quảng cáo như thế thì càng thấy nhảm nhí... Và trên thực tế thì các nhà quảng cáo đưa ra tuyên bố về chất lượng sản phẩm đa phần đều không được kiểm chứng bởi các cơ quan có uy tín.
Không chỉ ca ngợi nhiệt tình về độ ưu việt của sản phẩm, nhiều mẩu quảng cáo còn “đe dọa” về hậu quả đáng sợ nếu người tiêu dùng mua sản phẩm khác. Kiểu quảng cáo như này thường gặp ở sản phẩm ăn uống. Với những slogan như mì tôm không có Transfat, dầu không chiên đi chiên lại nhiều lần của mì Tiến vua, nước mắm sạch không có MCPD của nước mắm Nam ngư, nước tương Tam thái tử; sữa không có Melamine của Milex…
Khi sản phẩm thạch rau câu của đối thủ bị phát hiện có dư chất gây ung thư, một doanh nghiệp thạch rau câu đã cho phát quảng cáo với nội dung nhấn mạnh chỉ có duy nhất loại thạch này không có chất DHEP, còn hầu hết các sản phẩm nhập khẩu lẫn sản xuất trong nước đều có. Xem đoạn quảng cáo này, bất cứ người tiêu dùng cũng sẽ giật mình vì lo sợ, nhưng trên thực tế, nài sản phẩm đã bị phát hiện thì không còn loại nào có chất DHEP. Quảng cáo như thế vô tình đánh lừa và tác động xấu đến tâm lý của người tiêu dùng.
Quảng cáo trên truyền hình mang lại nhiều lợi ích nhất định. Nhưng bên cạnh đó, nó vẫn tồn tại rất nhiều mặt trái, những tính chất tiêu cực gây hậu quả xấu cho xã hội.
Môi trường quảng cáo cần văn hóa
Trong số các quảng cáo xuất hiện tràn lan, có nhiều quảng cáo có nội dung không phù hợp với tập quán đạo đức, thuần phong mĩ tục của xã hội.
Gần đây, khán giả truyền hình đang phản ứng tiêu cực tới nội dung quảng cáo của sản phẩm sữa Anlene có sự tham gia của người mẫu Thúy Hằng. "Bác sĩ nói mẹ có nguy cơ loãng xương, nên mình... uống sữa Anlene hàng ngày để phòng ngừa loãng xương". Kèm theo đó là hình ảnh nhân vật uống sữa một mình. Đoạn quảng cáo kia bị phản ứng là bởi người con "quá vô duyên, bất hiếu" khi bỏ mặc người "có nguy cơ loãng xương" là người mẹ, chỉ lo lắng cho bản thân mình.
Quảng cáo của hãng sữa Anlene
Tương tự như vậy, hoa hậu Mai Phương Thúy cách đây không lâu đã từng có sự phản đối kịch liệt từ công chúng khi cô tham gia vào một quảng cáo của hãng dầu gội đầu Rejoice. Nội dung quảng cáo là cô gái ra mắt mẹ của người yêu, khi được hỏi vì sao tóc con đẹp thế, cô gái mỉm cười trả lời “chỉ Rejoice thôi mà”. Lời đối thoại của cô gái với mẹ người yêu đã được cho là cộc lốc, thiếu văn hóa, vô tình đã đánh mất hình ảnh đẹp đẽ, dịu dàng, e ấp và khuôn phép thường thấy của người con gái Việt Nam và “thật nguy hiểm nếu những người trẻ coi cô hoa hậu này là hình mẫu và học tập thì những gì cô đã thể hiện trong đoạn quảng cáo đó”.
Có thể, dư luận đã quá khắt khe với Mai Phương Thúy vì đây chỉ là nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, xét về sức mạnh của văn hóa với xã hội, thì phản ứng của khán giả xem truyền hình như thế là không có gì quá đáng. Nội dung quảng cáo có thể không phù hợp với chuẩn mực đạo đức thì bản thân người thực hiện, mang trên mình danh hiệu hoa hậu, phải nhận thức được và thay đổi cho phù hợp. Bằng hình ảnh đi kèm slogan, quảng cáo không chỉ chuyển tải một thông tin mà còn thể hiện một khía cạnh văn hóa. Mỗi quốc gia có một bản sắc văn hóa khác nhau, do đó quảng cáo cũng phải dựa trên cái phông văn hóa đặc trưng ấy.
Chế tài chưa đủ nghiêm
Nội dung quảng cáo trước khi đưa lên sóng truyền hình luôn trải qua khâu kiểm duyệt. Tuy nhiên, quá trình kiểm duyệt lại diễn ra hết sức lỏng lẻo.
Trong quy định của Luật Quảng cáo, những mẫu quảng cáo có nội dung và hình thức thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ Việt Nam đều bị cấm. Nhưng trên thực tế, việc xử lí các vi phạm trong nội dung quảng cáo rất khó có thể thực hiện. Bởi không có văn bản nào hướng dẫn mô tả cụ thể, chi tiết các hành vi được cho là vi phạm. Và chất lượng quảng cáo chỉ được kiểm định chính xác nhất khi đến với công chúng, tức là đã được phát sóng rộng rãi trên truyền hình.
Quảng cáo trên truyền hình thường tác động mạnh vào suy nghĩ của công chúng bởi tính lặp lại rộng rãi của nó. Thế nên, cái mà nhà quảng cáo cần quan tâm đến không chỉ là lợi nhuận mà còn phải xây dựng những thước phim quảng cáo có nội dung và hình thức chất lượng nhất. Điều này còn cấp thiết hơn khi ngành quảng cáo càng ngày càng phát triển như hiện nay.
Theo Điều 11 Luật Quảng cáo thì tổ chức có hành vi vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Còn đối với cá nhân, nài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đến bao giờ, quảng cáo trên truyền hình mới thực sự văn minh và thôi khiến khán giả phải thốt lên "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"?
Phan Thùy Trang
Báo mạng điện tử k30
Cùng chuyên mục
Bình luận