Nhuận bút là gì?
(Sóng Trẻ) - Nhuận bút là cụm từ quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là những người làm về báo chí, văn hóa, nghệ thuật. Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của từ nhuận bút và nhuận bút bắt nguồn từ đâu.
Nhuận bút là một từ Hán Việt, theo từ điển Tiếng Việt (2010), nhuận bút là tiền công để trả cho những tác giả có những công trình về văn hóa, nghệ thuật, khoa học được xuất bản và sử dụng. Từ cách định nghĩa này ta hiểu nhuận bút là tiền công, tiền thù lao trả cho công lao động của tác giả có những sản phẩm được ứng dụng và sử dụng vào những mục đích khác nhau.
Theo cách chiết tự từ, "nhuận bút" được ghép từ "nhuận" và "bút". "Nhuận" là làm cho ướt, "bút" là cay bút, cây viết. Như vậy, nhuận bút là làm cho bút đỡ khô. Thoạt nghe thì tưởng như không có liên quan gì nhưng xuất xứ của từ nhuận bút gắn với một giai thoại rất thú vị. Một lần Tùy Văn Đế sai Lý Đức Lâm khởi thảo chiếu thư để phát cho dân chúng. Lúc đó, Cao Dĩnh đứng cạnh đã nói đùa rằng: “Bút khô rồi”, Trịnh Dịch ở bên hùa theo: “Không được một đồng thì bút ướt sao nổi”. Hàm ý là, không có tiền mua mực thì bút khô, làm sao khởi chiếu thư? Từ đó tiền thù lao bằng tiền hay bằng hiện vật được gọi là nhuận bút. Theo ghi chép thì nhuận bút có từ đời Tấn (265-420 SCN), nhưng chỉ đến đời Đường mới bắt đầu thịnh hành
Ở Việt Nam, nhuận bút chỉ có từ khi Pháp thuộc, bởi trước đó theo quan niệm nho giáo, việc trả nhuận bút nghĩa là “bán chữ”, mà bán chữ thánh hiền là điều tối kị, không thể chấp nhận. Nhưng sau khi Pháp xâm lược và thôn tính nước ta thì những quan điểm lạc hậu của nho giáo đã mất đi và ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây ngày càng lấn át, việc trả nhuận bút cho các tác giả ngày càng được phổ biến.
Chế độ nhuận bút cũng như bản quyền tác giả ở nước ta hiện nay được quy định theo Luật Xuất bản. Người viết được trả một khoản tiền nhuận bút theo phần trăm, căn cứ vào doanh thu của nhà xuất bản. Mức nhuận bút cũng phụ thuộc vào chất lượng, thể loại cũng như dung lượng của tác phẩm.
Nhuận bút mang giá trị lớn về tinh thần (ảnh: internet)
Khi nhắc đến nhuận bút ta thường hay liên tưởng đến nhà văn và nhà báo. Nhưng chế độ nhuận bút của nhà văn và nhà báo hiện nay lại khá chênh lệch. Như nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng phát biểu: “Nhuận bút cho cây viết văn không đủ tiền mua xe Honda, trong khi viết báo thì mau có tiền hơn”. Dù được gọi là nhà văn, nhà thơ nhưng thường chỉ coi viết là nghề “tay trái” chứ không thể sống bằng nhuận bút.
Với nhà báo, họ quan niệm làm báo cũng là một nghề giống như bao nghề nghiệp khác. Người làm báo sống bằng lương và nhuận bút. Nhuận bút không phải là mục tiêu tối thượng nhưng nó có ý nghĩa quan trọng cả về vật chất và tinh thần. Để sáng tạo ra một tác phẩm báo chí, người làm báo phải đầu tư công sức, trí tuệ cũng như tiền của của bản thân. Vì thế khi được trả công xứng đáng tác giả sẽ cảm thấy được đền đáp và có động lực hơn để sáng tạo. Nài giá trị vật chất, nhuận bút còn có ý nghĩa về tinh thần, nó giúp cho đầu óc tỉnh táo, thoải mái hơn, thúc đẩy khả năng sáng tạo bởi nhuận bút giúp họ không phải lo nghĩ về gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Chẳng thế mà ông cha ta có câu: “Có thực mới vực được đạo”.
Với những sinh viên báo chí, những bạn trẻ đam mê viết lách thì nhuận bút có ý nghĩa như liều đô-ping giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu. Niềm vui lớn nhất của những bạn trẻ mới bước vào nghề là được nhìn tên mình trên một tờ báo, được mọi người đón đọc và cả được cầm những đồng nhuận bút do chính mình nỗ lực làm ra.
Hiến Nguyễn
Báo in 31A1
Cùng chuyên mục
Bình luận