Ra mắt dự án "Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu"
(Sóng trẻ) - Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2019, chiều ngày 16/03 diễn ra tọa đàm giới thiệu dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Sự kiện được tổ chức tại gian trưng bày của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với ý nghĩa đặc biệt: thắp lên ngọn lửa của lòng tự tôn dân tộc.
Tham dự tọa đàm có Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước nài (Trưởng Ban Dự án); ông Nguyễn Quyết Tiến, kỹ sư, nhà ngôn ngữ học tại Cộng hòa Séc; TS Nguyễn Thị Bích Yến, nhà báo thường trú báo Văn nghệ tại Áo, EU, LHQ tại Viên (Tác giả chính Dự án); TS Cao Anh Tuấn, giảng viên đại học tại Mỹ; PGS.TS Đỗ Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Các vị khách mời tham gia sự kiện
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Trưởng Ban Dự án chia sẻ về quá trình ra đời và phát triển của Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Dự án được lên ý tưởng và ra đời vào năm 2015, tổ chức thống nhất Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu; đáp ứng nguyện vọng kết nối, giao lưu văn hóa, hướng về quê cha đất tổ của kiều bào Việt Nam ở nước nài.
Chia sẻ với các khách mời tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Bích Yến, tác giả chính của Dự án kể lại quá trình từ lúc hình thành ý tưởng đến khi dự án ra đời và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Dự án ra đời với 3 mục đích chính yếu: Bảo tồn và quảng bá rộng rãi Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước nài, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; Đối thoại, hội thảo, tọa đàm khoa học, kết nối, giao lưu liên văn hóa giữa Việt Nam và các nền văn hóa trên thế giới; Thực hiện chiến lược truyền bá và quảng bá giá trị văn hóa Việt trên môi trường thực tế và môi trường thực tế ảo, môi trường báo chí – truyền thông quốc tế một cách toàn diện và thường niên.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ ý kiến về dự án
Các vị khách mời đã trò chuyện, cùng nhau nhìn lại chặng đường năm 2018, một năm thành công của Dự án khi được tổ chức tại các nước châu Âu, dựng được những bức tượng Vua Hùng trang trọng, mang chân hương từ Việt Nam sang đất người. “Năm 2018, Dự án được tổ chức tại một số nước Châu Âu, những nước có cộng đồng người Việt tương đối lớn và đoàn kết. Chúng tôi cảm thấy hài lòng vì đưa được tinh thần của đất nước Việt Nam sang nước nài và mong muốn tổ chức Dự án ở ngày càng nhiều địa điểm, làm nên hiệu ứng; phát triển và nâng cấp Dự án này hơn nữa”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình nêu lên ý kiến.
Khi Dự án được tổ chức ở nước nài, Ban vận động dự án đã kết hợp giữa tinh hoa văn hóa dân tộc ta với văn hóa các nước bạn nhằm tăng lên hiệu quả truyền thông quốc tế. Đứng trên cương vị người làm công tác truyền thông, PGS.TS Đỗ Thu Hằng cho rằng truyền thông đã giúp dự án được lan tỏa rộng rãi. Dự án được thực hiện thành công không chỉ nhờ những người đứng đầu mà còn nhờ những người làm công tác truyền thông và đông đảo tình nguyện viên. Hiện nay, có rất nhiều tình nguyện viên, điển hình là sinh viên khoa Quan hệ quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẵn sàng tham gia làm truyền thông cho Dự án.
Các vị khách mời trao Giấy chứng nhận cho tình nguyện viên Dự án
Đại sứ Nguyễn Phú Bình và TS Nguyễn Thị Bích Yến cho biết trong năm 2019, Dự án sẽ được triển khai ở khu vực châu Á, nơi cộng đồng Việt Nam sinh sống từ rất sớm với 3 phần quen thuộc: phần lễ, phần hội và hội thảo. Ban vận động dự án mong muốn sẽ kết nối bà con kiều bào lại với nhau và giúp họ thêm hiểu, thêm yêu nền văn hóa Việt Nam.
Sự kiện đã giới thiệu những thông tin hữu ích về Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”, về những con người mong muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Không chỉ dừng lại ở đó, đồng thời nhắc nhở tất cả người dân đất Việt phải luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh; phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Phan Loan – Hồng Thảo
Cùng chuyên mục
Bình luận