Sách du ký - mảnh đất mới màu mỡ
(Sóng Trẻ)-Vài năm gần đây, thị trường văn học Việt Nam vẫn trong tình trạng loay hoay tìm hướng đi mới. Giữa lúc đó, xuất hiện một thể loại mới, hoàn toàn chinh phục độc giả trẻ đó là sách du ký.
Du lịch đang là từ khóa hấp dẫn
Có thể nói, sách du ký sẽ không thể phát triển nếu như người đọc không quan tâm đến du lịch. Du lịch, du lịch bụi hay “phượt” là từ khóa vô cùng hấp dẫn, nhất là với những bạn đọc trẻ. Người trẻ ngày nay có lối sống hiện đại hơn so với thế hệ trước, họ thích xê dịch, thích tìm tòi và khám phá những vùng đất mới, những cảnh đẹp tự nhiên, con người và văn hóa xa lạ. Đi du lịch cũng là một cách để con người học tập và khám phá bản thân hiệu quả. Hướng ngòi bút vào đúng mảnh đất mới màu mỡ, sách du ký vì thế lôi cuốn người trẻ là điều dễ hiểu. Thể loại này đã thổi một luồng sinh khí mới cho mảnh đất văn học Việt Nam, đặc biệt khi những người trẻ đang không mấy mặn mà với văn học nước nhà. Khởi nguồn từ hiện tượng “Xách ba lô lên và đi” của cô gái trẻ Huyền Chíp vào năm 2012, sau đó hàng loạt sách du ký của nhiều cây bút khác đã ra đời và gặt hái nhiều thành công như: “Tôi là một con lừa” (Nguyễn Phương Mai), “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi” (Trương Anh Ngọc), “Bước chân Việt Nam – 4 cực 1 đỉnh” (Ngô Huy Hòa) hay “Ta ba lô trên đất Á” (Rosie Nguyễn)… Thể loại sách du ký từ đó phổ biến và được độc giả quan tâm nhiều hơn.
Những cuốn sách du ký thu hút độc giả thời gian gần đây.
Người trẻ viết cho người trẻ
Có thể nhận thấy tác giả sách du ký hầu hết là người trẻ tuổi. Người viết là những người trẻ tiên phong, đi nhiều, trải nghiệm nhiều và hơn ai hết họ hiểu tâm lý của người đọc trẻ. Bạn đọc cũng đa phần là những người trẻ hiểu biết, ham khám phá, mong muốn chinh phục những vùng đất mới hay tò mò với những trải nghiệm mà tác giả đã có.
Không phải người trẻ nào cũng hứng thú với “Thép đã tôi thế đấy” hay “Tắt đèn”. Môi trường, xã hội và hoàn cảnh sống khác nhau giữa các thời kỳ khiến người trẻ khó hình dung về bối cảnh trong truyện. Nhưng với sách du ký, họ hiểu từng chi tiết với những câu chuyện rất đời, rất thực đang diễn ra hằng ngày.
Các tác giả trẻ cũng không đơn thuần chỉ viết về hành trình của mình. Cùng với chuyến đi, đó là những câu chuyện tình yêu, những khoảnh khắc tình bạn, tình người và cả sự nguy hiểm. Đinh Hằng và hành trình nước Mỹ để thoát khỏi bóng đen u tối sau khi mối tình đẹp nhiều năm tan vỡ; Trần Hùng John và hành trình của một chàng Việt kiều tìm về nguồn cội…
Sách du ký cũng là cách những tác giả trẻ chia sẻ trải nghiệm, cảm xúc của mình.
Mỗi cuốn sách du ký không đơn giản là đam mê du lịch, không chỉ có cảnh đẹp, món ăn nn, những phong tục kỳ lạ. Bên cạnh đó, còn là quá trình khám phá bản thân của chính người viết. Họ là những người trẻ, đều gặp những vấn đề rắc rối hay sự tò mò giống nhau. Họ đi, và kể cho nhau nghe câu chuyện của mình.
Sách du ký – dễ và khó
Sách du ký dễ vì đánh đúng thị hiếu của độc giả và luôn có một số lượng bạn đọc ổn định. Tuy nhiên, để viết một cuốn sách có chiều sâu và chất lượng lại không phải điều dễ dàng. Trên một mảnh đất màu mỡ, nhiều người muốn gieo trồng là điều tất yếu. Vì vậy để trở thành một tác giả sách du ký ghi nhiều dấu ấn trong lòng độc giả không phải điều đơn giản. Anh Ngô Huy Hòa, người từng xuất bản cuốn sách khá nổi tiếng “Bước chân Việt Nam – 4 cực 1 đỉnh” và cẩm nang du lịch “Hành trình Cao nguyên đá Hà Giang” chia sẻ: “ Bản thân là người du lịch bụi, thường xuyên phải tự lên lịch và tìm hiểu nên nhiều khi thấy có quá nhiều thông tin khiến mình hoang mang; tôi đã muốn thấy những cuốn sách chất lượng tư vấn điểm đến, vì vậy tôi đã bắt đầu viết sách du ký. Việc đi như thế nào không quan trọng, tôi không muốn áp đặt mà cần đa dạng hóa. Vì vậy, cách chia sẻ của tôi là hướng người đọc tự xây dựng lịch trình và có mục đích. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với tôi là việc giới trẻ thích giật tít và ăn sẵn.”
Anh Ngô Huy Hòa - tác giả những cuốn sách du ký khá nổi tiếng.
Bên cạnh khó khăn từ phía tác giả, những độc giả cũng mong muốn nhiều hơn ở thể loại sách du ký. Bạn Nguyễn Thế Vinh (Đà Nẵng) chia sẻ: “Mình là người hay đi du lịch bụi, kinh nghiệm cũng bắt nguồn từ chia sẻ của những người đi trước vì thế mình rất hay đọc sách du ký. Tuy nhiên, mình mong muốn có những cuốn sách chất lượng hơn. Bên cạnh cảm xúc, trải nghiệm của tác giả, mình mong muốn có những gợi ý về lịch trình, chi phí. Có những cuốn sách đọc xong khiến mình không hài lòng khi họ chỉ khoe về những điều hay ho và câu chuyện nội tâm quá nhiều. Những khó khăn, nguy hiểm và tình huống xấu có thể xảy ra cũng cần được đề cập nhiều hơn để những người đi sau không bị ảo tưởng cuộc sống lúc nào cũng màu hồng.”
Có thể thấy, mảnh đất mới nhưng nội dung cũ sẽ không thể chinh phục độc giả. Sách du ký vẫn là hướng đi đầy tiềm năng cho những ai yêu thích du lịch, muốn chia sẻ, chịu đầu tư tìm tòi chất liệu, thấu hiểu độc giả và muốn thử thách chính bản thân mình.
Lê Thị Bích Ngọc
Lớp Báo chí đa phương tiện K33
Cùng chuyên mục
Bình luận