Sao Hỏa: hành tinh Đỏ đầy thách thức
(Sóng Trẻ) - Con người đang thực sự tiến hành chinh phục Sao Hỏa. Năm 2012, tổ chức Mars One đã đưa ra thông báo chính thức tuyển tình nguyện viên Trái Đất lên hành tinh Đỏ. Bạn đã biết những gì về nơi hứa hẹn sẽ xuất hiện sự sống con người trong tương lai tới?
Với áp suất khí quyển hiện nay chỉ đạt cỡ 0,6 kPa (bằng khoảng 1/160 so với Trái Đất: 101,3 kPa), nước lỏng hầu như không thể tồn tại trên bề mặt Sao Hỏa. Khí quyển như vậy cũng có nghĩa hành tinh này không thể hấp thụ ánh sáng Mặt trời, nhiệt độ trung bình chỉ đạt tầm âm 60 độ C.
Thế nhưng, Sao Hỏa lại là hành tinh có nhiều điểm tương đồng nhất với Trái Đất trong hệ Mặt trời. Các nhà khoa học đã tìm ra những bằng chứng cho việc nước ở dạng lỏng từng tồn tại ở đây. Họ tin rằng chúng ta có thể cải tạo lại Sao Hỏa từng bước một để các điều kiện hỗ trợ sự sống có thể xuất hiện trên hành tinh này. Dự án địa khai hóa Sao Hỏa có thể phân ra các bước như sau: tăng áp suất khí quyển, tạo ra nguồn nước, tăng nhiệt độ trên hành tinh, trồng trọt, và cuối cùng là đưa cư dân lên hành tinh Đỏ.

Sau khi đưa ra thông báo chính thức về việc tuyển tình nguyện viên lên Sao Hỏa, tổ chức Mars One của Hà Lan đã nhận được 202.586 đăng ký từ hơn 140 quốc gia (theo Daily Mail). Những con người này đã quyết định từ bỏ cuộc sống còn lại trên Trái Đất để tham gia vào dự án địa khai hóa Sao Hỏa - bởi do kinh phí quá lớn, việc đưa người lên hành tinh Đỏ chỉ có thể thực hiện một chiều.
Chưa có một đảm bảo chắc chắn nào về việc liệu chúng ta có thể chinh phục thành công Sao Hỏa. Nhưng khát vọng khai hóa hành tinh này đã xuất hiện từ rất lâu, và chưa bao giờ điểm đích đó gần như bây giờ. Dự kiến chuyến tàu đầu tiên đưa người lên Sao Hỏa sẽ khởi hành vào tháng 9/2022 và đáp xuống vào tháng 4/2023.
Chú thích: 1. Mars One: một tổ chức phi lợi nhuận ở Hà Lan. Giám đốc điều hành là ông Bas Lansdorp. 2. Địa khai hóa (terraforming): quá trình biến đổi một hành tinh, vệ tinh tự nhiên hoặc các thiên thể khác để có khí quyển, nhiệt độ và hệ sinh thái phù hợp cho cuộc sống con người. 3. Phobos và Deimos: hai vệ tinh của Sao Hỏa.
|
Nguồn Infographic: INFOGRAPHICHEF
Dịch, hiệu chỉnh, tổng hợp: Hạnh Dung
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận