Sinh viên cứ “nước đến chân mới nhảy”
( Sóng trẻ) – Sinh viên hiện nay đang học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập và sức khỏe của mình!
Tình trạng chung…
Có những bạn cầm lịch thi 7 môn dày đặc nhìn đã hoa mắt chóng mặt mà thời gian cho việc ôn thi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Vì thế phải tăng tốc cày ngày cày đêm, có những bạn còn không biết kỳ này học những môn gì.
Hay với những bạn ngày nào cũng học tới mùa thi còn cảm thấy mệt chứ chưa nói đến những bạn sát ngày thi mới cuống cuồng tìm sách vở. Riêng khâu mượn vở của bạn về đọc đã tốn thời gian và công sức; các bạn còn học từ ngày đến đêm và mở hai mắt bằng vài gói cà phê đen pha uống cho tỉnh ngủ.
Nước đến chân mới nhảy, học ngày học đêm là tình cảnh chung của nhiều sinh viên mà trong năm học "nhởn nhơ" đến cuối kì mới "hôt hoảng". Nhưng kiến thức của cả năm học nhồi nhét trong một thời gian ngắn không dễ dàng như vậy. Nhiều sinh viên vì cố quá mà đã kiệt sức, vào mùa thi cử trung tâm y tế của các trường vì thế cũng tiếp đón nhiều sinh viên hơn mức bình thường!
Thức quá khuya ảnh hưởng đến sức khỏe
Tuấn Anh học Đại học Sư phạm kể: “Ở xóm trọ của mình có bạn học Kinh tế Quốc dân vốn rất ngại sách vở suốt ngày trốn học đi chơi nhưng trước kỳ thi đóng cửa tu liền mấy ngày. Nhiều người nhắc cẩn thận sức khỏe nhưng cô bạn này nói: “Không học thì chỉ có thi lại, học lại”. Trước ngày đi thi, bạn đã không còn sức đã phải nằm viên”.
Những sinh viên lười đến mùa thi bắt đầu “cày” đến đổ bệnh ít nhất còn biết lo lắng. Tuy nhiên vẫn còn những bạn trong năm đã không chịu học đến mùa thi cũng chẳng thèm quan tâm bài vở, tranh thủ chơi hết mình vì có học cũng chẳng… kịp.
Thậm chí phó mặc cho may rủi!
Với nhiều sinh viên, việc học chỉ là nghĩa vụ chứ không có gì là hấp dẫn họ, còn nài xã hội thì có vô số thứ hấp dẫn hơn việc đến lớp. Với họ, thời gian luôn thiếu cho các thú chơi đó của mình. Trong năm dù có không muốn học thì "đứt quãng" cuộc chơi vì ít nhiều vẫn phải có mặt ở lớp điểm danh. Thường trước khi bước vào thi, sinh viên luôn có một thời gian nghỉ khá dài và đây được xem là thời điểm “đẹp” để nhiều người… chơi cho thỏa sức, chơi hết mình. Thế nên, ngay giữa mùa thi mà vẫn có những sinh viên chơi game qua đêm, tụ tập bạn bè hay đi du lịch đây đó.
Bạn Mai Phương bộc bạch: “Với một số bạn thì vấn đề thi cử họ không quan tâm mà cái để họ quan tâm là các trò chơi, tụ tập bạn bè… họ không hề lo lắng gì cả, đến lúc thi mang tài liệu, điện thoại vào nhằm quay cóp. Mình thấy rõ ràng các bạn đi học cũng chỉ là đi chơi thôi”.
Phao cứu trợ của các bạn sinh viên
Khi được hỏi Tuấn, một sinh viên đại học cười: “Không học thì thi lại, học lại, đời sinh viên mà không học lại thì cũng tiếc. Đến đâu thì ắt nó phải đến. Thế mới có chuyện có những anh chị học gần chục năm trời mà không ra được trường”.
Thực tế là hiện nay rất nhiều sinh viên thờ ơ với chuyện học ở lớp. Họ đến lớp chỉ để… điểm danh, không có lấy nửa chữ trong vở, không có kiến thức trong đầu. Đổi lại thời gian ung dung đó, giờ họ phải ra sức “cày” để không phải thi lại, học lại.
Nhiều nhóm sinh viên trong nhiều dãy nhà trọ hay ở các phòng trong ký túc xá ngày thường nếu không đi chơi, lên mạng chát chít, chơi điện tử thì cũng tụ tập buôn chuyện “giết thời gian” thì gần ngày thi, bừng bừng không khí “dùi mài kinh sử” qua đêm, thâu sáng.
Tạm kết: Việc học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” rất nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của sinh viên. Nếu bạn muốn đạt được thành tích học tập tốt hãy đề ra cho mình những phương pháp học hiệu quả và có ý thức học ngay từ đầu chứ không thể theo lối sát kì thi mới bù đầu cho việc học!
Hà Toàn
Phát thanh K.31
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Cùng chuyên mục
Bình luận