Sông Lô đang ngày đêm bị rút “ruột”
Sông Lô đang ngày đêm bị rút “ruột”
(Sóng Trẻ) - Tàu hút ra sức phun cát lên qua những vòi bơm khổng lồ, nằm cạnh đó là những sà lan, tàu cuốc chuyên chở có trọng tải lớn, nối đuôi nhau chờ “ăn hàng”, miệt mài không kể đêm ngày. Khai thác hợp pháp có, không hợp pháp cũng có, mạnh ai nấy làm, hối hả tận thu mà không hề thấy cơ quan chức năng nào có biện pháp ngăn chặn.
"Vòi bạch tuộc" hút Vàng ở đáy sông Lô
Khai thác cát trên sông Lô, địa phận huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, không phải chủ đề mới nhưng nó là chủ đề chưa bao giờ hết nóng. Mặc cho hàng chục biện pháp, công văn, quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ về thắt chặt quản lí khai thác cát trên sông Lô , hoạt động này vẫn diễn ra “đều như cơm bữa” trong vài năm trở lại đây.
Trên địa bàn các xã Chi Đám, Vân Du, Hùng Quan, Phương Trung, Phong Phú, Hùng Long, Sóc Đăng chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phúc Thịnh là có giấy phép cấp mỏ của UBND tỉnh Phú Thọ, với diện tích 52,75 ha, trong đó diện tích được khai thác là 20,98 ha, diện tích cắt không khai thác là 31,77 ha để đảm bảo an toàn cho chân đê, bờ, vở sông đang yếu. Người dân phản ánh ngày nào cũng từ sáng đến tối, các loại tàu cuốc lớn nhỏ đến đây khai thác cát vàng tấp nập.
Theo quan sát của phóng viên, hàng chục km trên khúc sông này đều có không ít địa điểm khai thác bằng tầu cuốc và tầu hút. Tàu hút thì ra sức phun cát lên qua những vòi bơm khổng lồ, nằm cạnh đó là những sà lan, tàu cuốc chuyên chở có trọng tải lớn, nối đuôi nhau chờ “ăn hàng”, miệt mài không kể đêm ngày.
Khai thác hợp pháp có, không hợp pháp cũng có, mạnh ai nấy làm, hối hả tận thu mà không hề thấy cơ quan chức năng nào có biện pháp ngăn chặn. Nổi cộm nhiều nhất trên địa bàn xã Phương Trung và xã Hùng Long (huyện Đoan Hùng), đang hình thành một “đại công trường” khai thác cát hoạt động, tận thu nguồn tài nguyên của đất nước, thách thức chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ.
Dân sống hai bên bờ sông đã quen thuộc với cảnh những chiếc tàu chở cát nối nhau chạy liên tục để vận chuyển cát từ điểm khai thác về bãi tập kết. Chiếc chở nhiều nhất có khi lên đến trên 100m3 cát, còn trung bình cũng khoảng từ 60 – 70m3 mỗi ngày.
Theo Công văn Liên sở Tài Chính – Xây dựng tỉnh Phú Thọ, về giá vật liệu xây dựng ban hành tháng 10/2016 quy định: “Giá cát vàng sông Lô: 398.191đ/m3”. Thực tế cho thấy, lợi nhuận mang lại từ khai thác cát là rất cao dù không có một con số chính xác nào có thể cân, đo, đong, đếm hết nguồn lực tài chính từ khai thác cát mang lại dồi dào như thế nào? Quả thật xứng danh tên gọi “cát Vàng sông Lô”.
Cát sỏi Sông Lô không phải là nguồn tài nguyên vô tận, khai thác tràn lan như hiện nay chất lượng sẽ bị giảm sút và nguồn tài nguyên sẽ bị lãng phí, thất thoát. Việc cạnh tranh và phát huy sức mạnh của mọi thành phần kinh tế là tất yếu trong cơ chế thị trường song tình trạng khai thác một cách bừa bãi cát sỏi tràn lan phải sớm chấm dứt.
“Lợi” Doanh nghiệp hưởng, “mất” người dân chịu
Những hệ lụy từ việc khai thác cát bừa bãi có thể nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, lợi nhuận dễ dàng từ hoạt động này dẫn đến thực trạng các công ty chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà không màng đến hại về lâu dài.
Với kiểu khai thác không ngừng nghỉ này, mỗi ngày, mỗi tàu thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng, nguồn ngân sách nhà nước sẽ thất thu hàng tỉ đồng. Nài việc thất thu hàng tỉ đồng mỗi ngày, việc khai thác cát trái phép còn dẫn đến việc, nhiều tuyến đê quan trọng thuộc địa phận các xã hùng Long, Hùng Quan, Sóc Đăng, Chí Đám, Vân Du bị sạt lở nghiêm trọng.
Những ô trũng lớn, nước cạn kiệt lộ đáy ra tận gần giữ sông.(ảnh: Hà Cường)
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng cho biết: “Trước tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng trên địa bàn xã, ảnh hưởng trực tiếp dự án trồng bưởi và đời sống nhân dân, địa phương cũng như nhân dân đều mong muốn các cấp kiểm tra giám sát đúng quy định của pháp luật, quy định cấp phép đảm bảo giữ đất nông nghiệp, phát triển kinh tế sản xuất của bà con nông dân”.Tình trạng khai thác cát sỏi sông Lô (Phú Thọ) ngày càng lộn xộn, diễn biến phức tạp, làm sạt lở bờ sông, uy hiếp nghiêm trọng đến sự an toàn nhiều tuyến xung yếu, gây bức xúc trong nhân dân.
Việc khai thác cát trên dòng sông Lô đã làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp đến nhiều công trình đê, kè và nhà cửa, ruộng vườn của hàng trăm hộ dân. Chú Lê Văn Nam (55 tuổi, xã Chí Đám, Đoan Hùng) chia sẻ: “Khu vực sau khi khai thác xong bị bỏ lại thì lộ lên những ô trũng lớn, đất nứt nẻ, cạn kiệt nước lộ đáy ra gần giữa sông. Ô trũng đó giờ chỉ để cho trâu đằm thôi”
Bà Nguyễn Thị Súy (57 tuổi, xã Vân Du, Đoan Hùng) bức xúc đặt câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì và ai là người chịu trách nhiệm trước nhân dân trong việc lập lại trật khai thác cát, sỏi ở đây để trả lại sự bình yên cho dòng sông Lô ? Cần sự giải đáp của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trên địa bàn”.
Tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các ngành chức năng tổ chức kiểm tra độ sâu cho phép khai thác; kiên quyết xử lý các vi phạm khai thác vượt độ sâu cho phép theo đề án khai thác đã được phê duyệt; tăng cường lực lượng tuần tra ; phối hợp với các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương dọc tuyến sông Lô kịp thời phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu không quản lí chặt chẽ việc khai thác khoáng sản Cát vàng sông Lô, những hậu quả mang lại sẽ còn nặng nề hơn nữa đe dọa cuộc sống của người dân 2 bên bờ sông Lô. Ngày nào đó vô tình đẩy họ vào thảm cảnh, vàng ở đáy Sông mà dân vẫn cứ nghèo ngay bên bờ./.
Hà Cường
Đa phương tiện K34 - A2
Cùng chuyên mục
Bình luận