“Sống thử” – Giải pháp tốt để đi tới một cuộc hôn nhân hoàn hảo?
(Sóng trẻ) - Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều nỗi lo, nhiều áp lực cho giới trẻ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ đồng tình với quan điểm nên “thử” trước khi cưới. Xoay quanh vấn đề này có rất nhiều ý kiến mâu thuẫn, gây tranh cãi.
Sống thử đang trở thành lối sống quen thuộc đối với thế hệ trẻ
Nếu như trước đây “sống thử” là một điều gì đó lạ lẫm, và trái với thuần phong mĩ tục của người Việt thì hiện nay sống thử đang trở thành một hiện tượng không mấy xa lạ trong giới trẻ và ngày càng trở nên “bình thường” trong mắt của rất nhiều người.
Trong những năm gần đây, ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn đã xuất hiện tràn lan một lối sống của giới trẻ: Nhiều đôi nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng, chưa đăng kí kết hôn. Sau một thời gian sống chung thấy hợp nhau thì họ tiến tới hôn nhân, còn không hợp nhau thì họ chia tay. Người ta gọi đó là “sống thử”. Hiện tượng “sống thử” ngày càng tràn lan trong xã hội, không chỉ những người đi làm, mà còn xuất hiện rất nhiều ở sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Theo thống kê của sinh viên đại học Quốc Gia thành phố Hố Chí Minh, năm 2013 có khoảng 1/3 bạn trẻ đang sống thử trước hôn nhân. Một dãy trọ 8 phòng thì 6 phòng đã có hiện tượng “góp gạo thổi cơm chung”. Giải quyết hậu quả đằng sau đó là hiện tượng phá thai tràn lan. Theo bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam khoảng 300.000 ca mỗi năm, trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên.
Xoay quanh vấn đề này luôn có nhiều ý kiến trái chiều: Có nhiều người cho rằng nên sống thử vì đó là giải pháp để tiến tới một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Bên cạnh đó, bao nhiêu lí lẽ, dẫn chứng được đưa ra về việc đồng tình với “sống thử”. Họ nghĩ cần phải “thử” trước để xem đối phương có hợp nhau về mọi mặt: Đời sống tình cảm, tình dục, về tính cách của người mình yêu…
Cuộc sống hiện đại với nhiều nguy cơ đang rình rập, tỉ lệ vô sinh cao hơn thời kì trước. Điều này gây áp lực lên chính bản thân người trong cuộc và chính những người liên quan như gia đình hai bên… Đây cũng là một trong những lí do khiến rất nhiều người đồng tình với quan điểm nên “thử” trước khi cưới để có một cuộc sống hôn nhân bền vững hơn chứ không phải đợi đến lúc cưới nhau về đưa đơn li hôn ra tòa tới lúc đó đã quá muộn.
Bên cạnh với ý kiến đó, cũng có rất nhiều người không đồng tình với quan điểm nên “sống thử” trước hôn nhân. Họ không cho rằng “sống thử” là giải pháp để đi tới một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Bởi thực tế đã chứng minh rất nhiều cặp tình nhân sau khi “thử” không hợp nhau và chia tay. Hậu quả đằng sau đổ nát đó là vô vàn nỗi đau: Nhiều bạn trẻ chấn thương tâm lí nặng nề, tự tử vì không biết phải đối diện với thực tại và quá khứ lỗi lầm như thế nào. Nhiều bạn nữ “sốc” khi biết mình vĩnh viễn mất đi quyền làm mẹ sau khi thực hiện phá thai để giải quyết hậu quả; các cặp vợ chồng mới cưới đã phải đề đơn lên tòa bởi người đàn ông phát hiện người vợ mình không còn trinh tiết, hay người phụ nữ biết được chồng mình có một khoảng thời gian dài sống chung với người yêu cũ… Đó là một số lí do khiến nhiều bạn trẻ không đồng tình với quan điểm “sống thử” trước hôn nhân.
Xã hội vẫn đang lên cơn sốt bởi tình trạng “sống thử” ngày càng tràn lan và giới trẻ đang có cái nhìn thoáng hơn về cuộc sống hiện đại. Trước thực trạng đáng lo ngại đó, có rất nhiều luồng ý kiến gây mâu thuẫn, tranh cãi lẫn nhau. Vậy đâu là quan điểm đúng đắn trước tình trạng “sống thử” hiện nay? Liệu “sống thử” có phải là giải pháp tốt để có một cuộc hôn nhân hoàn hảo hay nó chỉ là cái bẫy rình rập những nguy cơ rạn nứt gia đình khi phát hiện ra quá khứ đầy “tội lỗi” của nhau?
Mọi ý kiến của độc giả về vấn đề này xin mời bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi ý kiến về hòm thư: Songtreclub@gmail.
Phạm Thị Thiện
Nhóm 7