Sông Tô Lịch : Bao giờ mới thôi "bóc lịch" ?
(Sóng trẻ)- Sông Tô Lịch ô nhiễm. Thứ mệnh đề tồn tại hàng bao năm qua khi nhắc đến con sông nằm giữa lòng thủ đô. Đến bao giờ Hà Nội mới có thể lãng quên mệnh đề này. Đến bao giờ người ta mới trả lại cho “ Nước sông Tô vừa trong vừa mát” thuở nào. Những câu hỏi không lời đáp, khi hôm nay, dòng sông đó vẫn bị cầm tù.
Từ một dòng sông đã chết từ lâu…
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, là một trong những hệ thống tiêu thoát nước chính của Hà Nội. Đã từng là dòng sông đẹp nhất nhì đất Thăng Long, nhưng hiện nay, sông Tô Lịch lại đang chịu cảnh ô nhiễm nặng nề. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ quá trình đô thị hóa, quy hoạch thiếu đồng bộ và ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường sống. Nước thải chưa qua xử lí xả trực tiếp xuống sông, lòng sông bị thu hẹp nhiều đoạn do lấn chiếm. Không những vậy, một lượng lớn rác thải vứt xuống khiến con sông bẩn thỉu với vô vàn thứ vật chất nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không thể tiêu thoát.
Cống thoát nước ngập ngụa rác thải
Nước sông đen ngòm, đục ngầu, nước thải xả cả ngày lẫn đêm, khiến cho con sông bốc mùi hôi thối, hết sức khó chịu. Tô Lịch đang trở thành một bãi rác công cộng, một dòng sông chết ngay giữa thủ đô.
Người dân hằng ngày vẫn phải mưu sinh bên dòng sông ô nhiễm
Ông Nguyễn Văn Thanh, một thương binh lái xe bên sông Tô Lịch cho biết: " Những ngày trời nắng gắt, con sông này bốc mùi khắc nghiệt, hôi hám, chất thải của cả thành phố dồn tụ lại. Làm việc cạnh lòng sông phải đeo khẩu trang, nhiều người lao động mới đến đã bỏ đi vì không chịu nổi mùi của nó ".
Ngay cả chính những nhân viên dọn vệ sinh môi trường, tiếp xúc trực tiếp với con sông này như chị Đỗ Thị Dung cũng cảm thấy ám ảnh: “Bọn chị hàng ngày làm việc thấy mùi rất sợ, sức khỏe nhiều khi cũng ảnh hưởng, nhưng biết làm sao được ".
Việc ô nhiễm của sông Tô Lịch còn tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh, chị Vũ Thị Hiền, một tiểu thương cho biết: " Dòng sông bốc mùi nặng nề, ảnh hưởng rất nhiều đến buôn bán, nhất là dịch vụ ăn uống. Nhưng để cải thiện thì cần những giải pháp tốt hơn, cả ý thức người dân cũng cần nâng cao hơn nữa".
Sông Tô Lịch đã chết từ lâu, nó thậm chí không còn đủ sức để kêu cứu, khi hàng ngày, hàng giờ vẫn phải đang oằn mình tiếp nhận hàng ngàn mét khối nước ô nhiễm của cả thành phố, nó được thải ra bởi hàng triệu con người.
Đến một sự ô nhiễm đang mặc nhiên tồn tại !
Không phải là không có những biện pháp từ phía nhà chức trách. Nhưng mọi biện pháp đều bất lực. Hàng chục những hội thảo quy tụ các chuyên gia đầu ngành cả trong nước và quốc tế nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Năm 2009, Sở TN&MT đã hoàn thành Đề án định hướng cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch thí điểm biện pháp thu m, xử lý nước thải, với tổng kinh phí thực hiện đến năm 2010 khoảng 600 tỷ đồng. Đến nay đã 6 năm trôi qua, người ta vẫn chưa thấy đề án với cả trăm tờ A4 này có hiệu quả gì trong thực tế.
Những giải pháp bây giờ thì hoàn toàn tạm bợ: các đợt nạo vét định kỳ, tu sửa kè bờ, thu m rác thải hết sức thủ công. Nước sông cứ qua vài ngày lại đen ngòm, rác thải vớt mãi không hết suốt chiều dài con sông.
Phải chăng, sau khi đã thực hiện hàng loạt những giải pháp nhưng không thành công, nhà chức trách đã chấp nhận buông xuôi trước thực trạng “đâu lại hoàn đó” và “ càng làm càng ô nhiễm” ?. Sông Tô Lịch như một bài toán hóc búa , nó khó đến mức những nhà làm quy hoạch, những nhà môi trường giải mãi mà vẫn không ra, thậm chí là không muốn giải nữa.
Chấp nhận và bàng quan với sự ô nhiễm ?
Người dân sống quanh khu vực này bắt đầu có khuynh hướng chấp nhận rằng sẽ khó có thể cải thiện mức độ ô nhiễm của dòng sông sau khi đã trải qua hàng chục các đề án lớn nhỏ mà vẫn không có kết quả. Họ đã bắt đầu quen với nó, quen với ô nhiễm , quen với hiện thực họ không hề mong muốn nhưng buộc phải chấp nhận. Biết làm sao được, khi họ nghĩ rằng mình vô can và việc làm đó phải ở chính quyền. Còn chính quyền thì có lẽ đã giương cờ trắng từ lâu.
Cứ như vậy, sông Tô Lịch ô nhiễm qua bao năm tháng. Nó đang chết trong sự bàng quan của những người có trách nhiệm. Và chúng ta đang mặc nhiên cho một sự ô nhiễm được đường hoàng tồn tại ngay giữa thủ đô văn minh này.
Câu hỏi đặt ra lúc này, sông Tô Lịch sẽ còn gắng gượng được đến bao giờ ? Một dấu ấn Tràng An xưa đang có nguy cơ bị xóa sổ trong sự chấp nhận của cả một thế hệ. Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ phải trả giá, bởi tương lai phần nhiều là do sự im lặng của ngày hôm nay.
Trường Dương - ĐPT35
Cùng chuyên mục
Bình luận