String Art - nghệ thuật từ những sợi dây
(Sóng Trẻ) - String Art (nghê thuật bện sợi) du nhập vào Việt Nam cách đây không lâu và ngày càng chứng tỏ được sức hút của mình. Nhóm bạn trẻ của Enlight Design theo đuổi môn nghệ thuật này với mong muốn thổi một làn gió mới vào thị trường đồ trang trí nội thất Việt Nam.
Ước mơ xây dựng công ty đi đầu về đồ nội thất
Tưởng chừng như việc theo đuổi một môn nghệ thuật còn khá mới mẻ tại Việt Nam vàmong muốn xây dựng một “đế chế” đồ trang trí nội thất mới là hai việc không song hành cùng nhau. Tuy nhiên đối với Vũ Tiến Hưng, Giám đốc dự án Enlight Design thì việc này không có điều gì là quá xa vời.
Nhận thấy thị trường đồ trang trí nội thất của Việt Nam còn nhiều thiếu thốn với chủ mẫu mã từ nước nài là chủ yếu, Hưng cùng với một người bạn cộng sự của mình đã thực hiện thiết kế nội thất từ năm nhất đại học.
Để tạo ra một hướng đi táo bạo, Hưng và nhóm bạn của mình đã quyết định thử tìm ra một loại nguyên liệu thiết kế mới mà String Art sẽ là thử nghiệm đầu tiên.
Các tác phẩm String Art được sáng tạo bởi Enlight Design
Hưng chia sẻ: “Mình luôn mong muốn đem cái gì đẹp đến cho Việt Nam và String Art là một sự lựa chọn tình cờ trong số đó. Trên thế giới, String Art được biết đến rất nhiều tuy nhiên với Việt Nam còn mới mẻ. Dù mới nhưng mình phải tìm cách học nhanh và sáng tạo hơn để bắt kịp với thế giới. Hơn nữa, String Art lại là dòng tranh không hề kén không gian và khiến người xem luôn thấy thích thú ở điểm nào đó, hoàn toàn phù hợp định hướng ban đầu của bọn mình.”
Hiện nay, nhóm đối tượng Enlight Design hướng đến chủ yếu nhóm khách hàng trẻ, yêu thích nghệ thuật sáng tạo. Để quảng bá rộng hơn môn nghệ thuật này, nhóm tập trung phát triển mạnh về tính sáng tạo sản phẩm, phát triển mảng truyền thông và đưa tác phẩm đi dự triển lãm.
Theo Hưng, điều khằng định được thương hiệu của Enlight Design chính là sự sáng tạo trong thiết kế. Các đối thủ cạnh tranh trong thị trường String Art hiện nay còn đơn thuần hướng đến đây là một sản phẩm thiết kế đơn thuần mà chưa thật sự tập trung vào giá trị thực, điểm mạnh của loại hình này. Họ chủ yếu sáng tạo dựa trên thiết kế có sẵn thay vì tìm một hướng đi mới mẻ hơn mà Enlight đang thực hiện.
Vũ Tiến Hưng, chàng trai với ước vọng lớn lao về phát triển thế giới đồ nội thất trang trí ở Việt Nam
Buổi workshop “Nối” sắp diễn ra tới đây là ước mơ ấp ủ bao lâu để Enlight Design lan tỏa String Art đến nhiều người hơn, khi đã đủ tiềm lực về kinh tế, sản phẩm lẫn con người. “Số lượng người đến tham gia workshop không quan trọng. Quan trọng chính là việc mình và cộng sự cố gắng tạo ra được một không gian giao lưu, kết nối nghệ thuật mới.”- Hưng chia sẻ.
String Art ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 19 bởi nhà tâm lý toán học nổi tiếng người Anh, Mary Everest Boole. Môn nghệ thuật trở nên phổ biến trong giới đồ trang trí thủ công mỹ nghệ từ những năm 1960. String Art là sự đan dây được cuốn quanh hệ thống đinh được đóng trên bản gỗ hoặc mặt phẳng. Việc nối dây dựa trên những quy luật toán học nhất định biến đường thằng thành những đường cong để ra được hình sản phẩm.
Sẽ theo đuổi đam mê tới cùng
Những bạn trẻ trong Enlight Design đều là những con người có bản năng nghệ thuật và thích sáng tạo. Họ bắt đầu từ con số 0 khi đến với môn nghệ thuật này. Các thành viên tự mày mò học cách làm String Art qua mạng từ người nước nài, tự quan sát và sáng tạo, sau đó sẽ dạy lại cho nhau.
Để làm ra được một bức tranh String Art không hề đơn giản. Cách đi dây đơn được tuân theo một quy luật toán học nhất định. Việc vẽ bản thảo lên giấy, dán lên gỗ để khắc đinh theo đường vẽ cũng cần phải có sự tính toán khẩu độ.
Để làm ra một tác phẩm String Art yêu cầu tính kiên trì và sáng tạo rất cao
Một bức tranh thông thường phải được xây dựng từ trên ý tưởng của khách hàng. Bên thiết kế sẽ phải mất từ 4 đến 5 ngày để chỉnh sửa, hoàn thiện theo nhu cầu của người mua. Với những bức nhỏ, cần ít nhất 8 tiếng để hoàn thiện riêng việc nối dây, còn những bức lớn hơn có thể mất cả tuần đến cả tháng. Chỉ cần đi sai một đường là phải tháo ra làm lại. Có những bức khi hoàn thành xong, khách hàng chưa hài lòng thì phải tháo toàn bộ dây và làm lại từ đầu.
Kinh phí để hoạt động nhóm dự án chủ yếu là nguồn quỹ của Hưng và người bạn đồng sáng lập. Họ sẽ theo đuổi đam mê này đến cùng dù không sinh nhiều lợi nhuận, bởi String Art đang rất mới và cần nguồn đầu tư để khai phá. Đã có nhiều người đến với nhóm nhưng họ buộc phải dừng lại vì những mục đích cá nhân về lợi nhuận. Tuy nhiên, đam mê của họ cho môn nghệ thuật này vẫn luôn cháy khi họ vẫn đóng vai trò nhà tư vấn thiết kế bất kỳ khi nào Enlight cần.
Việc nối dây luôn cần tuân theo một quy luật toán học nhất định
Đào Duy Đức, sinh viên Đại học Kiến trúc, người phụ trách thiết kế chính trong Enlight Design chia sẻ “Ban đầu mình cũng chưa hề biết String Art nhưng qua lời giới thiệu của Hưng, mình thấy sự mới lạ và có tiềm năng phát triển của nó nên quyết định tham gia. Lợi nhuận không hề nhiều nhưng quan trọng mình được sống với đam mê nghệ thuật, được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ chung trí hướng. Mình và họ đã trải qua quá nhiều khó khăn cùng nhau. Sự kết nối giờ không phải tiền bạc mà là tình cảm và nghệ thuật.”
Workshop “Nối” diễn ra vào ngày 9/9/2017 tại Bay la bato - 58 ngõ 52 Tô Ngọc Vân, Hà Nội từ 14h đến 17h. Đây là cơ hội để bạn không chỉ thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu những kiến thức về String art mà còn có cơ hội trải nghiệm trực tiếp làm các sản phẩm String Art đơn giản.
Ngọc Anh
Báo in K34A1