Sự thay đổi là “định mệnh” của Hà Nội
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 14/11, tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã diễn ra tọa đàm “Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại” của Nhà Xuất Bản Trẻ.
Tọa đàm có sự tham gia của Họa sĩ - Nhà văn Đỗ Phấn, Nhà Nghiên cứu văn học PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Nhà văn Nguyễn Việt Hà và Nhà văn - KTS Nguyễn Trương Quý; cùng sự dẫn dắt của MC Nguyễn Miền Biên Thùy.
Mở đầu tọa đàm, Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ về sự thay đổi của Hà Nội theo dòng chảy của thời gian: “Hà Nội thay đổi từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm, thay đổi rất phi thường. Tôi lấy ví dụ về chất đốt, trước kia phải đun bếp củi sau đó phát triển dần đến bếp mùn cưa, bếp dầu. Thời tiếp theo là đun bếp gas và đến hiện tại các gia đình đều sử dụng bếp điện. Những thay đổi như vậy chính là tiền đề cho người cầm bút viết ra áng văn thơ trong vài chục năm nay”.
Cùng nêu quan điểm về sự thay đổi của Hà Nội, nhà Nghiên cứu văn học PGS. TS. Phạm Xuân Thạch cho rằng: “Sự thay đổi là “định mệnh” của Hà Nội, thay đổi xóa đi và làm lại. Văn chương viết về Hà Nội đều đang đi tìm kiếm sự ổn định trình quá trình phát triển. Chúng ta muốn tiếp nối phát triển có sự lặp lại tốt đẹp thay vì sự hỗn loạn.”
Tọa đàm góp phần kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học - nghệ thuật của các tác giả Hà Nội đương đại và giúp khán giả, độc giả có cơ hội tiếp cận với các nhà văn, tác giả tiêu biểu ở những thế hệ có tính tiếp nối và tiếp biến.
Nói về việc miêu tả Hà Nội trong văn chương, nhà văn, KTS Nguyễn Trương Quý chia sẻ: “Đến những năm 2000, khung cảnh của Hà Nội thời nửa nông thôn nửa đô thị nên rất khó để nói đó là một thành phố đẹp. Nhưng qua cách thức viết của các nhà văn, Hà Nội lại mang sự hấp dẫn và đời thường, giống như kính vạn hoa. Tôi nghĩ điều đấy tạo nên nét đặc biệt khiến cho những người ở nơi khác đến và tìm hiểu về Hà Nội.”
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng mở rộng vấn đề định danh “Hà Nội” cùng những biến chuyển của nó trong chiều dài lịch sử của thành phố, căn tính của những lớp người Hà Nội ở nhiều thế hệ. Ở một góc độ nào đó, Phố cũng là Người, Người cũng là Phố.
Ngoài ra trong buổi tọa đàm, bạn Viên Hồng Quang - người thực hiện dự án phục chế bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” cũng chia sẻ mong muốn mang những thước phim cũ về Hà Nội nói riêng và về đất nước Việt Nam nói chung đến với gần hơn với công chúng, đặc biệt là những giới trẻ.
Cuối buổi tọa đàm, các khách mời tham gia cùng giao lưu, trao đổi với khán giả về những tác phẩm văn học viết về Hà Nội.