Thất bại và khởi sắc trong hoạt động khuyến đọc
(Sóng trẻ) - Tối ngày 1/4 , sự kiện chuyển đổi số 4 của Book Hunter Lyceum đã chia sẻ về hoạt động khuyến đọc và nâng cao văn hóa đọc, cũng như những bước chuyển mình đáng kể của thị trường sách từ sau đổi mới đến nay.
Chương trình được tổ chức trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Google meet và phát trực tiếp trên Facebook. Các nội dung được chia sẻ bởi nhà văn Hà Thủy Nguyên - Nhà sáng lập của Book Hunter, một cộng đồng sách độc lập tâm huyết với thúc đẩy tự do học thuật và mở rộng tri thức tại Việt Nam.
Từ sau đổi mới đến nay, thị trường sách Việt Nam đã có nhiều biến chuyển, thay đổi từ sách bao cấp sang một thị trường tự do hơn với sự nở rộ của xuất bản tư nhân. Thế nhưng, nghịch lý đó là, các đơn vị xuất bản rất khó để bán được những cuốn sách với lượng ấn bản lớn do số lượng đọc giả còn hạn chế. Mặc dù chính quyền liên tục đưa ra các chương trình khuyến đọc, nâng cao văn hóa đọc, nhưng các chương trình này kém thiết thực, tiến triển còn chậm và mang tính hình thức.
Theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, hiện nay, khái niệm “văn hóa đọc” đang bị lạm dụng. Khi một thứ được gọi là văn hóa thì nó không chỉ là hành động, thao tác, bức ảnh, diễn ngôn mà nó bao gồm niềm tin, thói quen, thậm chí là đạo đức, định chế,.. Tất cả những yếu tố ấy chưa xuất hiện trong đề án văn hóa đọc. Thậm chí, những hoạt động cổ vũ khuyến đọc từ 2011 đến nay vẫn chưa thực sự đi sâu vào.
Nhà văn Hà Thủy Nguyên đã chỉ ra không ít lỗ hổng trong việc hình thành văn hóa đọc đến cộng đồng. Cô cho biết: “Tuy gia tăng số lượng người mua sách đọc để thành công, nhưng những cuốn sách được chọn có nội dung kém chất lượng, chủ yếu đánh vào ham muốn thành công. Khi nhóm này nhận ra rằng sách không hữu ích thì sẽ rời bỏ. Mặt khác, nhóm đọc giả yêu thích sách có điều kiện kinh tế khấm khá lên, song số lượng này vẫn còn thấp.”
Nhà văn cũng lý giải một vài khó khăn, bất cập mang tính khách quan. Theo đó, các tủ sách cá nhân, chương trình gây dựng tủ sách ở nông thôn,... đã tăng cơ hội tiếp cận sách nhưng các thư viện công còn lỗi thời, lượng sách thiếu cập nhật. Đáng tiếc nhất là sự thất bại của Ebook. Nhuận bút của dịch giả và tác giả dù đã có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, công cuộc lan tỏa văn hóa đọc ra cộng đồng cũng gặt hái được những khởi sắc nhất định. Nhiều giám đốc các nhà sách lớn và các nhà hoạt động xã hội trở thành người cổ vũ phong trào đọc sách nhiệt thành. Cùng với đó là sự phát triển đa phương tiện của các kênh phân phối sách online, hệ thống shipping, hình thành lên nhiều định dạng sách khác nhau và kênh cộng đồng chuyên biệt về sách.
Số lượng và chất lượng gia tăng, cộng thêm sự định hình phong cách và xu hướng rõ rệt khiến cho thị trường sách trở nên đa dạng. Đồng thời, tính cạnh tranh thúc ép các đơn vị làm sách liên tục tìm kiếm các đầu sách hay, với chất lượng tốt hơn để xuất bản.
Khép lại chương trình, nhà văn Hà Thủy Nguyên cùng những người tham gia sự kiện chia sẻ, thảo luận cởi mở về các giải pháp lan tỏa văn hóa đọc ra cộng đồng, cũng như tháo gỡ những thắc mắc trong lòng người nghe về vấn đề nhà văn vừa chia sẻ. Nhiều bạn trẻ không ngần ngại góp ý hiểu biết của bản thân, làm gia tăng sự yêu thích, ham học hỏi của những người đồng tham dự.