Thủ khoa chăn lợn, tại sao không?
(Sóng Trẻ) - Thanh niên tri thức, sức trẻ hai mươi, lại sợ người cười, là thằng chăn lợn …
Tôi lớn lên tại một thành phố nhỏ. Sống trong những “chiếc hộp xi măng” từ ngày tấm bé, lại được bố mẹ bao bọc rất kĩ, tôi chưa từng biết thế nào là chăn trâu, cắt cỏ hay đánh nơm, đánh giậm là gì.
Cuối tuần vừa rồi, tôi bắt xe về quê vì nghe tin ông bà ốm. Ở quê đúng khác thật! Đi đâu cũng thấy ruộng lúa, đi đâu cũng thấy trâu bò. Và nhà nào nhà nấy ai cũng nuôi lợn! Nhà tôi, dù chỉ có hai ông bà nhưng vẫn có một chuồng lợn hai chục con, ngày ngày đều đặn 4 lượt nấu cám. Nay ông bà ốm, nghiễm nhiên việc chăm hai chục con lợn ấy là phần tôi! Dĩ nhiên, một con nhóc từ bé đến lớn chưa bao giờ phải làm gì nài ăn và học như tôi rất hào hứng với công việc mà cả đời chưa bao giờ làm ấy. Nhưng đời không như mơ! Tôi thái chuối cũng vụng, nhóm bếp cũng vụng. Ra chuồng lợn, thấy tôi đánh vật với nồi cám và mấy con lợn, bà tôi cười: “Bố cô, công chúa giẫm phải gai mồng tơi, xuất thân bần cố nông mà có cầm cái máng lợn cũng không nổi! Thế này thì sao mà cầm được đao to búa lớn mà đi xây dựng đất nước?”
Câu nói ấy của bà làm tôi nhớ đến câu chuyện rất hot của thời gian trước. Cả nước xôn xao, “khóc lóc” cho một bạn thủ khoa đại học nào đó về nhà chăn lợn. Không biết về sau các ngành chức năng có oằn lên vì dư luận và phải “linh động” bố trí một công việc nhà nước cho thủ khoa hay không, nhưng cá nhân tôi thấy, thủ khoa chăn lợn chẳng có gì là xấu cả!
Câu chuyện về nữ thủ khoa Bùi Thị Hà – tốt nghiệp xuất sắc trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2 ở nhà chăn lợn đã từng gây xôn xao dư luận
Đất nước Việt Nam ta được hình thành từ nông nghiệp. Dân tộc Việt Nam ta được sinh ra và nuôi dưỡng từ nông nghiệp. Người Việt ta từ xưa tới nay luôn gắn bó văn hóa lúa nước, gắn bó với cội nguồn. Vậy, chăn lợn thì có gì xấu xa mà phải bỉ bôi khi một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc làm việc đó? Thủ khoa thì phải làm gì? Không lẽ phải ngồi mát ăn bát vàng? Hay phải lên xe xuống ngựa, phải ngồi phòng điều hòa nhâm nhi cà phê thì mới xứng danh thủ khoa?
Ở tỉnh tôi có môt nhà báo – nhà nông rất nổi tiếng là chú Nguyễn Đức Lợi. Chú viết báo giành giải to giải bé, viết văn in sách lớn sách nhỏ, làm thơ thổn thức trái tim bao nhiêu người. Nhưng thực chất, chú là một nông dân từ sáng đến đêm mê mải trên đồi cà phê, trong chuồng lợn, nài đồng ngô. Mới đây nhất chú lại nghiên cứu mày mò xây dựng dây chuyền sản xuất, cung ứng thực phẩm chức năng tảo xoắn và đã được chứng nhận. Tôi rất ngưỡng mộ chú. Chú chẳng phải thủ khoa, chẳng phải giáo sư, tiến sĩ gì nhưng đam mê, trí tuệ và sự chăm chỉ thì nhiều người thua đứt.
Cuối năm 2017, Hà Nội vinh danh 10 gương mặt tiêu biểu Thủ đô. Trong đó có anh nông dân Tạ Đình Huy, một nhà sáng chế không bằng cấp, một kỹ sư chân đất với chiếc máy nông nghiệp 15 chức năng đã giúp bà con nông dân vô cùng hữu ích. Các tiến sĩ, thủ khoa ngành cơ khí, nông nghiệp … nghĩ gì về anh Huy? Trên khắp dải đất hình chữ S này có hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn những bác học “Hai Lúa” như anh Huy. Họ không có tấm bằng đỏ nào cả, không có học hàm học vị nào in trên Cardvisit thơm phức cả. Họ chỉ có đôi bàn tay, sự đam mê và một trí tuệ thực tiễn.
Còn người hai lần Anh hùng Lao động, người chăn bò vĩ đại Hồ Giáo, con nuôi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi được tổ chức ngỏ ý điều động vào vị trí làm lãnh đạo, không phải đi chăn bò nữa, ông đã khẳng khái trả lời: Làm cách mạng thì đánh Mỹ hay chăn bò đều tốt cả.
Quay trở lại với câu chuyện của bạn thủ khoa chăn lợn. Thật ra, nếu quan tâm, ta có thể thấy đây không phải là trường hợp đầu tiên. Tháng 8 năm nái, câu chuyện của thủ khoa Trường ĐH Thương mại năm 2013 Đỗ Thị Ngân cũng làm xôn xao dư luận. Ngân tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Tài chính ngân hàng, là một trong số hơn 100 thủ khoa được vinh danh. Thế nhưng suốt 3 năm sau khi ra trường, Ngân vẫn không xin được việc phù hợp với chuyên ngành, đành phải chấp nhận đi làm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống. Trước đó, năm 2013, dư luận cũng từng bàn tán sôi nổi về trường hợp của La Văn Ngọ, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Giao thông vận tải phải chật vật đủ nghề từ phát tờ rơi tới chạy bàn để kiểm sống trước khi được lãnh đạo Bộ GTVT quyết định nhận vào Viện KHCN Giao thông vận tải.Dường như mọi người đều đang mặc định rằng: Thủ khoa là phải có được một công việc trong biên chế Nhà nước, phải được làm ông to bà lớn, có địa vị cao trong xã hội. Các bạn sinh viên dường như cũng bị tư tưởng đó chi phối nên hàng năm, các trường Đại học vẫn mở ra nhiều như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu của các bạn sinh viên, dù số lượng cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường vẫn tăng lên từng ngày. Trong khi đó, đã có rất nhiều gương thanh niên cầm bằng đại học về quê làm nông nghiệp thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm, trở thành ông chủ, bà chủ ngay từ đồng ruộng quê hương. Liệu rằng, sinh viên ra trường phải thoát ly khỏi đồng ruộng có phải là con đường duy nhất?
Tổ chức nông lương thế giới (FAO) vừa công bố một nhận định mới nhất rằng, khu vực nông thôn bấy lâu là điểm yếu của đói nghèo thì bây giờ chính là chìa khóa tăng trưởng cho các quốc gia đang phát triển.
Vậy, thủ khoa chăn lợn, tại sao không?
Phương Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận