Thực hư dịch vụ đọc trộm tin nhắn - Kỳ 2: Phát lộ nhiều nguy cơ lừa đảo
(Sóng trẻ) - Để sớm tìm thấy thông tin mình mong muốn, nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để việc đọc trộm tin nhắn được diễn ra nhanh nhất.
Thanh toán trước, bị lừa sau
Để thu hút người có nhu cầu đọc trộm tin nhắn sử dụng dịch vụ của mình, các tài khoản trên facebook thường quảng cáo với nội dung: “Không thu cọc ban đầu; Làm xong mới thu phí; Bảo mật 100%...”. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ trực tiếp với tài khoản H.Đ vẫn nhận được yêu cầu chuyển cọc trước 50% với lý do lấy tiền chạy công cụ đọc trộm tin nhắn.
Thậm chí, để được sử dụng dịch vụ này, nhiều tài khoản còn yêu cầu người muốn đọc trộm tin nhắn thanh toán trước toàn bộ chi phí. Cuối tháng 2/2023, vì nghi ngờ chồng mình có mối quan hệ bên ngoài nhưng bà N.T.P không biết sử dụng điện thoại thông minh nên đã nhờ cháu gái là chị N.D.L (Hà Đông) tìm cách đọc trộm tin nhắn của chồng. Chị L. đã lên mạng tìm được 1 tài khoản có tên N.V.Đ và liên hệ qua zalo.
Theo chị L. cho biết: “Ban đầu, họ ra giá 1.500.000 đồng nhưng tôi mặc cả xuống 700.000 đồng, họ đồng ý. Nhưng sau đó tôi có nhận được phản hồi tài khoản của chú bảo mật 2 yếu tố nên cần thêm tiền để họ mua công cụ phá lớp bảo mật. Tôi có tỏ thái độ không hài lòng vì họ không nói từ đầu, nhưng do muốn đọc tin nhắn nhanh chóng, tôi vẫn đồng ý với việc thêm tiền, tổng là 900.000 đồng”.
Sau khi ra giá thành công, anh Đ. yêu cầu chị L. chuyển khoản trước. Tuy nhiên, ngay sau khi chị vừa chuyển khoản thành công thì tài khoản N.V.Đ đã chặn mọi liên lạc của chị từ zalo qua số điện thoại.
Chung tình trạng bị lừa bằng hình thức cọc tiền trước, trong nhóm hỗ trợ người có nhu cầu đọc trộm tin nhắn, tìm kiếm với từ khóa “lừa đảo” xuất hiện thêm hàng chục nạn nhân bóc phốt các tài khoản. Giao dịch thành công từ 900.000 đồng đến vài triệu đồng đều được các tài khoản đăng công khai trên nhóm với dòng cảm xúc tức giận, tài khoản T.K chia sẻ: “Tiền lừa đảo chắc ăn ngon ngủ yên ha, quả bảo đến sớm hay muộn thôi, ở đấy mà lừa thiên hạ”.
Nhiều người thuê đọc trộm tin nhắn cũng không biết hành vi của mình đang vi phạm pháp luật. Trao đổi với PV về hành vi thuê người hack Zalo, Facebook để đọc trộm tin nhắn Luật sư Dương Lê Ước An (Chủ tịch Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết: “Hành vi này đã được quy định trong Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Đây là điều bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì thế việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. người thuê đọc trộm tin nhắn xâm phạm quyền bí mật đời tư và vi phạm pháp luật”.
Ngoài ra, theo Luật sư An, đối với hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo Khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Khi “thợ săn” trở thành “con mồi”
Nhiều người mong muốn đọc trộm tin nhắn để nhanh chóng tìm kiếm thông tin mình đang cần. Nhưng khi sử dụng dịch vụ, họ lại vô tình trở thành nạn nhân bị xâm phạm vào tài khoản cá nhân.
Vào cuối tháng 2/2023, anh L.C tìm đến tài khoản H.Đ để có thể trộm tin nhắn của người yêu. Tuy nhiên, tài khoản H.Đ đã đăng nhập vào toàn bộ facebook và zalo của anh C. để vay tiền khắp nơi. Khi nhận thấy hành vi bất thường anh C. đã phản hồi ngay nhưng tài khoản H.Đ không thừa nhận và chặn lại anh C.
Sau khi bị lừa, ngoài việc chửi mắng, công khai thông tin tài khoản trực tiếp lên nhóm đọc trộm tin nhắn để triệt đường làm ăn thì những nạn nhân đều không biết tìm ai để giải quyết.
Thậm chí, có người còn sẵn sàng bỏ thêm tiền để hậu tạ cho ai tìm được chủ tài khoản lừa đảo, chị K.V đăng dòng trạng thái kèm hình ảnh tài khoản lừa đảo lên nhóm cảnh báo: “Hello chủ tài khoản, 1 triệu 2 triệu không thành vấn đề, mày kêu chuyển khoản xong mới làm, ai dè nhận tiền xong mày chặn người ta, nếu ai biết số tài khoản báo dùm nha, có hậu tạ. Sẵn sàng bỏ số tiền để kiếm ra mặt mũi tên lừa đảo này”.
Việc bị mất tiền chỉ vì muốn đọc trộm tin nhắn khiến nhiều người cảm thấy e ngại không dám lên tiếng tố cáo. Hành động này đã làm cho nhiều tài khoản lừa đảo tiếp tục hoạt động tràn lan trên mạng xã hội.
Trao đổi với PV về hành vi lừa đảo cọc tiền Luật sư Dương Lê Ước An (Chủ tịch Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết: “Theo Điểm c Khoản 1 và Khoản 3 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, hành vi này còn phải hình thức xử phạt bổ sung với hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm”.