Bánh kẹo Tết 2024: Thật giả phụ thuộc vào người bán
(Sóng trẻ) - Chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo có xu hướng tăng cao, đây cũng là thời điểm người tiêu dùng cần cảnh giác với các mặt hàng bánh kẹo kém chất lượng.
Thật giả khó xác định
Dạo qua thị trường bánh kẹo những ngày cận Tết Nguyên đán, rất nhiều sản phẩm khác nhau được bày bán với số lượng lớn. Các mặt hàng như bánh, kẹo, rượu tây, mứt,... nhìn chung đều đa dạng về mẫu mã, màu sắc, kích thích người tiêu dùng.
Qua tìm hiểu tại chợ Đồng Xuân - một trong những khu chợ lớn của thủ đô, các mặt hàng bánh kẹo được rao bán ở nhiều mức giá, dao động từ khoảng 30.000VNĐ - 50.000VNĐ/kg. Người bán cho biết, mức giá này không chênh lệch nhiều so với thời điểm Tết Nguyên đán năm ngoái.
Một số loại bánh kẹo có nguồn gốc từ nước ngoài như Đức, Mỹ, Hàn,... được bày bán tại các gian chợ truyền thống thường có mức giá “dễ chịu" hơn so với các hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, các loại bánh kẹo đa số đều là hàng bị làm giả, lý giải cho mức giá rẻ gây sốc trên.
Là một khách hàng có nhu cầu mua bánh kẹo phục vụ dịp Tết, bạn Hà Thị Hoa (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Để tiết kiệm một khoản chi cho dịp Tết mình đã lựa chọn mua bánh kẹo tại chợ truyền thống thay vì siêu thị. Mình đã bất ngờ khi thấy tại đây họ cũng bán cả những loại bánh kẹo nhập khẩu được gia công lại với mức giá rẻ hơn rất nhiều. So với hàng chính hãng thì thực sự rất khó để phân biệt được”.
Ngoài bánh kẹo ngoại nhập, các sản phẩm đồ khô được ưa chuộng trong những ngày Tết như: mứt, khô bò, khô gà,... cũng được bán ra thị trường với giá rẻ “bất thường”. Tại một cửa hàng chuyên bán đồ khô nằm sát chợ Đồng Xuân, khô gà được bán với giá chỉ 150.000 VNĐ/kg. Khi so sánh giá của 1kg khô gà thành phẩm trên với giá thành của 1kg thịt gà tươi nguyên liệu, việc người bán thu về được đủ vốn, thậm chí có lãi gần như là không thể. Điều này đặt ra nghi vấn lớn về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Nhập nhằng nguồn gốc “ảo”
Thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của bánh kẹo, nhiều khách hàng chỉ nhận được câu trả lời chung chung và không rõ ràng từ phía người bán. Những thương nhân này tỏ ra bối rối trong việc cung cấp thông tin về đơn vị hay công ty cụ thể chịu trách nhiệm sản xuất. Hầu hết họ chỉ có thể khẳng định suông rằng bánh kẹo được sản xuất bởi công ty tại Việt Nam.
Tương tự, với các gian hàng bán đồ khô, người bán khẳng định các mặt hàng được hộ gia đình tự sản xuất, tự đóng gói và từ chối cung cấp thêm thông tin về chất lượng nguyên liệu làm ra thành phẩm.
Trước những câu trả lời “mơ hồ” đến từ người bán hàng, bà Bùi Thị Thu (40 tuổi, Hà Nội) - một người tiêu dùng, cho biết bà lo lắng cho sức khỏe của gia đình trước thực trạng “thật giả lẫn lộn” của bánh kẹo Tết hiện nay.
"Bánh kẹo làm nhái rất khó để nhận ra, dù đã lựa chọn kỹ lưỡng nhưng cũng không ít lần tôi mua phải bánh kẹo giả. Tôi rất lo lắng nếu con mình ăn phải bánh kẹo giả, bởi những loại bánh kẹo này không được thông qua kiểm định và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe”, bà Thu quan ngại.
Người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác khi mua sắm, chỉ nên mua hàng có nguồn gốc rõ ràng tại các cơ sở bán hàng uy tín. Cần tránh tâm lý “ham rẻ”, mua phải sản phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.