Tiền giả "lộng hành", ai cũng có thể thành triệu phú
(Sóng trẻ)- Xuất hiện nhan nhản trên mạng Internet là các hình thức rao bán tiền giả công khai, không có kiểm soát, bất chấp những quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả. Hoạt động mua bán trái phép này được thực hiện một cách tinh vi đem về nguồn lợi khổng lồ cho nhiều đối tượng.
Rao bán đủ kiểu, bán tiền như bán rau
Bằng nhiều hình thức khác nhau, tiền giả được các đối tượng buôn bán tiền giả rao bán công khai trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube,... Các hình thức chủ yếu được các đối tượng buôn bán tiền giả sử dụng đó chính là dùng một tài khoản facebook vô danh đăng tải các bài viết rao bán các loại tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau. Nhằm thu hút một lượng lớn sự quan tâm, các đối tượng này dùng hình thức đăng tải các bài viết ở chế độ công khai mà bất kì ai cũng có thể thấy, hơn thế tận dụng được sự lan truyền thông tin mạnh mẽ của mạng xã hội các đối tượng đăng tải trực tiếp vào các nhóm mua bán trực tiếp trên facebook có hàng nghìn thành viên nhằm thu hút một lượng lớn khách hàng cho mình.
Hàng loạt bài viết rao bán tiền giả ở chế độ công khai trên facebook.
Có đầu tư hơn, nhiều đối tượng lập hẳn riêng một website đăng tải trực tiếp những hình ảnh trao đổi tiền, cách thức giao dịch chi tiết với các tỉ lệ trao đổi hấp dẫn. Không những vậy các đối tượng buôn bán tiền giả còn đăng tải những video cung cấp trực tiếp số điện thoại liên hệ mua hàng lên mạng chia sẻ video – Youtube hướng dẫn cụ thể cách thức có thể mua được tiền giả một cách an toàn và nhanh chóng nhất.
Một website chuyên để thực hiện các giao dịch, mua bán tiền giả.
Với cụm từ khóa “Mua tiền giả” chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng nghìn kết quả những tài khoản, những website đăng tải các hình thức bán tiền giả. Để thực hiện giao dịch mua được tiền giả, người mua chỉ cần liên hệ qua số điện thoại hoặc nhắn tin trực tiếp cho tài khoản facbook, zalo sẽ được các đối tượng bán tiền giả tư vấn cặn kẽ về số lượng, chất lượng, tỉ lệ mua bán, cách thức nhận hàng,...
Với nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện những hành vi trái pháp luật về mua bán tiền giả này rất khó để có sự kiểm soát nhất là trong thời điểm hiện nay khi mạng xã hội lên ngôi xu hướng thương mại điện tử, mua hàng hóa qua mạng internet ngày càng phát triển và mở rộng.
Mua một lời mười, thành triệu phú trong tích tắc
Với những lời mời gọi làm giàu nhanh chóng, lời cam đoan tiền giả giống thật 99%, hàng đảm bảo chất lượng, kích thước chuẩn, không hôi mùi mực, không nhòe, không nhàu nát, các đối tượng buôn bán tiền giả rao bán với tỉ lệ trao đổi vô cùng hấp dẫn 1:7, 1:9, 1:10,... thậm chí lên tới 1:12. Tỷ lệ trao đổi này được hiểu là cứ 1 triệu đồng thật mua được 10 triệu đồng tiền giả với tỉ lệ 1:10, tương tự với tỉ lệ 1:12 thì 1 triệu đồng có thể mua được số tiền rất lớn là 12 triệu đồng tiền giả. Với những tỉ lệ mua sinh lời nhiều như vậy thì không mấy chốc ai cũng có thể có trong tay cả trăm triệu đồng.
Trong vai một người mua tiền giả, phóng viên thực hiện một cuộc giao dịch với các đối tượng buôn bán tiền giả để khai thác thông tin về hoạt động của nhóm đối tượng này.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì nguồn hàng chính mà các đối tượng nhập tiền giả về Việt Nam bán là từ Thái Lan và Hong-Kong (Trung Quốc). Theo lời một đối tượng buôn bán tiền giả thì chúng chủ yếu nhập hàng từ Hong-Kong với lí do hàng của Hong-Kong giống thật 99%, còn hàng Thái Lan giống thật chỉ 97%, hàng Thái Lan nhập về “không bán được 1 đồng”. Để đưa được hàng về Việt Nam tiêu thu, các đối tượng trực tiếp sang nước nài thực hiện giao dịch bằng việc trao tận tay tiền mua hàng cho một đối tượng người nước nài dẫn đường với khoản chi hoa hồng khoảng 50 triệu đồng, giao dịch thành công tiền giả được chủ sản xuất chuyển thẳng về Việt Nam. Số lượng hàng nhập về Việt Nam cũng vô cùng lớn, mỗi lần nhập thấp nhất cũng lên tới 100 triệu đồng tiền thật tương ứng với hơn 1 tỷ đồng tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau: 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng chất liệu polyme giống như tiền thật. Theo lời một đối tượng bán tiền giả thì hàng bán chạy chưa đầy một tháng đã thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Tiền giả được vận chuyển với số lượng lớn từ nước nài vào Việt Nam để tiêu thụ.
Cũng theo lời các đối tượng bán tiền giả thì tiền giả được bán cho những người dùng để trả nợ, sang Campuchia đánh bạc,... Trong quá trình mua hàng, người mua được tư vấn cách tiêu tiền “ tránh những nơi có máy soi, máy đếm tiền, cây ATM và ngân hàng, có thể tiêu ở cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, đổ xăng, hàng rong... tiêu từng tờ không tiêu một chỗ hai tờ sẽ bị phát hiện.”
Để giao hàng tận tay người mua an toàn các đối tượng buôn bán tiền giả sử dụng một đội nhân viên giao hàng của mình rải khắp cả nước. Đội nhân viên giao hàng này luôn hoạt động với thời gian giao hàng nhanh chóng từ 1 – 2 ngày, trực tiếp giao hàng đến tận hay người mua một cách bí mật hoàn toàn. Các đối tượng buôn bán hàng giả rất cảnh giác khi không sử dụng các dịch vụ giao hàng bình thường để tránh bị kiểm tra, phát hiện, mọi thông tin của khách hàng cũng được bảo mật một cách tuyệt đối.
Việc hoạt động ở nước nài nhập nguồn hàng về Việt Nam tiêu thụ với việc giao dịch hết sức kín đáo những đối tượng buôn bán tiền giả thực hiện chót lọt nhiều cuộc giao dịch cả tỷ đồng đem về lợi nhuận khổng lồ. Với cách thực hoạt động như vậy rất khó khăn để các cơ quan chức năng điều tra và triệt phá những đường dây mua bán tiền giả phủ rộng khắp cả nước.
Những hiện tượng rao bán công khai tiền giả trắng trợn trên thị trường mạng Internet cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra, các cơ quan chức năng để trừng phạt thích đáng những đối tượng coi thường pháp luật này.
Đàm Công Bắc
Điều 180 Bộ luật hình sự quy định: “Điều 180. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả 1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 3. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Mục 3.2 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTPcủa Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự quy định: “3.2. Đối với tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (sau đây gọi chung là tiền giả): a. Nếu tiền giả có trị giá tương ứng dưới mười triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 180 Bộ luật Hình sự; b. Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ mười triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 180 Bộ luật Hình sự; c. Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ một trăm triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 180 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên cần phân biệt: - Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ một trăm triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam là thuộc trường hợp rất nghiêm trọng; - Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ một trăm năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam trở lên là thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”. |
Cùng chuyên mục
Bình luận