Tình hình dịch COVID-19 thế giới ngày 22/5: Số ca tử vong tại khu vực Mỹ Latinh đạt mốc 1 triệu
(Sóng trẻ) – Theo số liệu trên trang Worldometer, tính đến 20h00 ngày 22/5/2021, toàn thế giới có 166.558.610 ca dương tính với COVID-19, trong đó gồm 3.459.928 trường hợp tử vong, 147.393.809 ca hồi phục.
Số ca tử vong tại khu vực Mỹ Latinh đạt mốc 1 triệu
Tại Nam Mỹ, kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ Latinh và Caribe (gồm 29 quốc gia) với ổ dịch đầu tiên phát hiện tại thành phố Sao Paulo của Brazil cuối tháng 2/2020, khu vực này đến nay đã ghi nhận hơn 31,5 triệu người mắc bệnh, trong đó có 1.001.781 ca tử vong - chiếm gần 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Ngày 21/5, Tổng thống Argentina - ông Alberto Fernandez thừa nhận quốc gia này đang phải đối mặt “thời điểm tồi tệ nhất” của đại dịch COVID-19. Để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, Argentina áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước trong vòng 9 ngày (kể từ ngày 22/5).
Trong khi đó, Chính phủ Colombia quyết định ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài đã ở Ấn Độ trong 14 ngày gần nhất để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Quyết định này sẽ có hiệu lực cho đến hết tháng 6 tới.
Theo Bộ Y tế Colombia, các công dân nước này trở về từ Ấn Độ sẽ được phép nhập cảnh, song phải tuân thủ các thủ tục y tế nghiêm ngặt hơn và phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
EU lên kế hoạch chia sẻ ít nhất 100 triệu liều vắc xin
Ngày 21/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch quyên góp ít nhất 100 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho các nước nghèo hơn vào cuối năm 2021.
Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu diễn ra tại ở Rome (Italy) dưới hình thức trực tuyến, bà Ursula von der Leyen nêu rõ: “Châu Âu dự định đến cuối năm 2021 dành tặng ít nhất 100 triệu liều vắc xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.
Trước đó, đầu tuần này, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng Nhóm Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và EU có khả năng viện trợ hơn 150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho những nước đang thiếu vắc xin mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tiêm chủng của mình.
Trong bối cảnh thiếu nguồn cung vắc xin và kinh phí, UNICEF kêu gọi G7 và EU nhanh chóng chia sẻ vắc xin cho đến khi đạt được mô hình sản xuất vắc xin bền vững.
Cho đến nay, khoảng 44% trong tổng số 1,4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm ở những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.
Người từ Anh sang Đức phải cách ly 2 tuần
Ngày 21/5, Viện Robert Koch của Đức đã đưa Anh vào danh sách khu vực bùng phát biến thể, theo đó yêu cầu những người đến từ Anh phải cách ly trong vòng 2 tuần sau khi nhập cảnh.
Quyết định có hiệu lực từ 22h00 ngày 22/5 (theo giờ GMT), áp dụng với mọi hành khách đến từ Anh, kể cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, những người đã được tiêm đầy đủ vắc xin và những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19.
Chỉ công dân Đức và người sinh sống tại Đức trở về từ Anh được phép nhập cảnh. Các công ty vận tải hành khách đường hàng không, đường sắt và xe buýt không được phép chở các hành khách khác từ Anh đến Đức.
Campuchia dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm
Tại Campuchia, tối 21/5, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ra thông báo về việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm phòng chống dịch COVID-19 tại “Khu vực Vàng” áp dụng từ 20 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau.
Các hoạt động kinh doanh gồm phục vụ cà phê, nhà hàng và các chợ có thể cho phép khách được ngồi và ăn uống bình thường nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế Campuchia quy định, trong đó có việc yêu cầu tất cả các khách hàng phải dùng điện thoại di động quét mã truy vết QR “Stop COVID” trước khi vào.
Các khách hàng phải đeo khẩu trang phòng dịch, đo thân nhiệt và tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác.
Nguồn: Tổng hợp