Tô Hoài vẫn sẽ… phiêu lưu
(Sóng trẻ) - Nhà văn Aitmatov từng nói: “Tác phẩm chân chính không chấm dứt ở trang cuối cùng” cũng có nghĩa một tác phẩm văn học thành công phải được nuôi dưỡng trong dư âm của độc giả. Và hành trình của một nhà văn vĩ đại cũng vậy, sống và viết để rồi khi trái tim ngừng đập thì một cuộc phiêu lưu mới lại bắt đầu.
Năm 2014 chỉ mới đi quá nửa chặng đường nhưng nền văn học Việt Nam hiện đại đã mất đi hai cây đại thụ. Một là sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả “Chiếc lược ngà” và giờ là nhà văn Tô Hoài, người bạn gần gũi của thiếu nhi với “Dế mèn phiêu lưu lý”, người đồng hành của bao thế hệ học sinh với “Vợ chồng A Phủ”, hơn cả là một trái tim nhân đạo và tấm lòng nhân ái của một cây bút lớn.
94 năm trên cuộc đời, hơn 70 năm cầm bút, Tô Hoài đã sống và viết bình dị và dân dã giữa đời thường. Hành trình của ông là một hành trình không mệt mỏi của một bút lực dồi dào. Ông xê dịch chẳng kém gì Nguyễn Tuân cũng vào Nam ra Bắc, cũng lên ngược rồi lại về xuôi. Ông đi để viết, đi để trải nghiệm bởi thế cho nên mỗi trang văn của ông đều gần gũi cuộc sống con người tuyệt nhiên không làm người đọc thấy có cảm giác xa lạ hay hư cấu.
Tô Hoài là một nhà văn nhân đạo, nặng nghĩa với Tổ quốc, nặng tình với thiên nhiên, với nhân dân. Những tác phẩm của Tô Hoài không kể những tác phẩm dành cho thiếu nhi thì phần lớn là những tấm gương phản chiếu tâm hồn con người, đặc biệt là phong tục, tập quán của dân tộc. Xét ở một khía cạnh nào đó thì ngay cả ở Dế mèn phiêu lưu ký, chất “phản chiếu” này vẫn có, vì mỗi loài vật ắt hẳn đều có những điều thú vị về thói quen, “phong tục” riêng mà chỉ khi thực sự để ý và quan sát một cách tỉ mỉ và lâu dài thì con người mới có thể thấy được.
Tô Hoài, cây đại thụ của nền văn học Việt Nam hiện đại (Ảnh: An Thành Đạt - Vnexpress.net)
Đọc những sáng tác của Tô Hoài, người đọc có thể cảm nhận rõ Tô Hoài không dừng ở sự quan sát ở bên nài mà đã hòa nhập sâu sắc vào cuộc sống, vào cảnh sống, vào số phận, cuộc đời của chính nhân vật mình, tạo ra một cái nhìn và giọng điệu trần thuật gần gũi, thống nhất giữa người kể chuyện và nhân vật. Tô Hoài luôn đồng cảm và trân trọng cũng như khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị chân chính, những khát vọng sống hạnh phúc và tự do trong mỗi nhân vật.
Đặc sắc trong văn Tô Hoài còn là chất thơ trong văn học. Chất thơ này hiện hữu trong hầu hết các tác phẩm của ông về đề tài miền núi, đặc biệt là "Truyện Tây Bắc" với "Vợ chồng A Phủ". Bức tranh cuộc sống luôn được đồng hành cùng khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, với âm thanh, với màu sắc riêng biệt. Giai điệu như chảy trong từng trang viết khiến văn Tô Hoài: cuộc sống đó, con người đó, số phận đó, có vui, có buồn đó mà chưa bao giờ khô khan trái lại còn vô cùng hấp dẫn.
Nhắc đến Tô Hoài là nhắc đến một trái tim yêu quê hương, yêu con người và yêu những thứ xung quanh. Ông yêu dòng sông Tô Lịch một thời nên thơ nên họa, yêu phủ Hoài Đức nơi ông lớn lên với nghề lụa, nghề giấy. Ông để ý và chăm chú quan sát những nét đẹp văn hóa của cả cộng đồng người và nhiều khi là kể thế giới loài vật. Yêu và viết, chưa bao giờ xa rời cuộc sống, đó mới là Tô Hoài.
Về già, người ta thấy Tô Hoài luôn nở nụ cười mãn nguyện, mãn nguyện vì ông đã không sống hoài, sống phí, mãn nguyện vì ông đã viết bằng chính trái tim mình. Khép lại một hành trình ngót gần thế kỉ Tô Hoài đã để cho đời nhiều giá trị cao quý, cuộc phiêu lưu của Tô Hoài trên cuộc đời này đã dừng lại những ông sẽ vẫn phiêu lưu ở một thế giới nào đó, và sẽ lại viết tiếp câu chuyện về những chú dế mèn…
Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận