Tọa đàm trực tuyến “Người trẻ và hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần”
(Sóng trẻ) - Tối ngày 27/5, Chuyên gia khai vấn Trần Thị Minh Hảo và bạn Đặng Khánh Vân đã cùng nhau trao đổi và có những chia sẻ thú vị trong buổi Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Người trẻ và hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần”.
Những bất ổn về mặt tâm lý, tinh thần hay còn gọi là rối nhiễu tâm trí là hiện tượng rất dễ gặp trong cuộc sống của bất kỳ ai. Thế nhưng, phần lớn người Việt chúng ta, nhất là người trẻ mới chỉ chú ý đến sức khỏe thể chất của mình, khi ốm đau thì đi bệnh viện nhưng còn ốm đau về tinh thần thì ít được quan tâm, chăm sóc. Không thể phủ nhận, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người trẻ hiện nay vẫn còn rất nhiều “khoảng trống”.
Tuy nhiên làm thế nào để khỏa lấp những “khoảng trống” đó, làm thế nào để chữa lành những tổn thương tinh thần cho người trẻ? Buổi Tọa đàm trực tuyến “Người trẻ và hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần” với sự đồng hành của Chuyên gia khai vấn tâm lý Trần Thị Minh Hảo và Podcaster Đặng Khánh Vân đã phần nào giúp các bạn trẻ “gỡ rối” nỗi tơ vò này.
Thưa Chuyên gia, việc để ý vào đời sống tinh thần trong đại dịch mới bắt đầu được quan tâm và chú trọng nhiều hơn, vậy chuyên gia có thể cho biết thế nào là “chăm sóc sức khỏe tinh thần”?
Chuyên gia Minh Hảo: Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO, sức khỏe tinh thần là trạng thái khỏe mạnh của một cá nhân, mà qua đó, con người có thể đảm bảo được đầy đủ những hành vi sau: Thứ nhất là bản thân có thể hiện thực hóa những khả năng, tiềm năng của mình, thứ hai là có thể xử lý và đối diện với những căng thẳng đối diện trong cuộc sống, thứ ba là chúng ta có thể làm việc và lao động hiệu quả và thứ tư là họ có thể đóng góp cho xã hội. Đó là một người có một trạng thái tâm hồn hoàn toàn khỏe mạnh.
Trên thực tế hiện nay, người trẻ, nhất là thế hệ gen Z, một thế hệ có độ nhạy cảm cao, rất dễ đối mặt với các vấn đề tâm lý. Vậy thì chuyên gia có thể cho biết, nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng này?
Chuyên gia Minh Hảo: Bây giờ chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ cho nên là chúng ta giao tiếp về mặt phi vật lý, về mặt online rất nhiều, nhưng mà cái giao tiếp vật lý, giao tiếp thật sự giữa người với người ý thì nó lại bị ít đi, đặc biệt là trong cái giai đoạn giãn cách vừa rồi. Và việc mà giao tiếp trên mạng xã hội quá nhiều thì nó lại bị thừa về mặt thông tin nhưng nó lại thiếu về sự thân mật, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng cảm xúc từ chính cái câu chuyện khác ở trên mạng chứ không phải cảm xúc thật của chính bản thân chúng ta. Đây chính là một nguyên nhân mà tôi nghĩ là trọng yếu. Và việc con người mất kết nối với thiên nhiên theo tôi cũng là điều khiến sức khỏe người trẻ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên bên cạnh những nội dung xấu độc thì chính các nền tảng như Tiktok, Facebook, Youtube, cũng có các nội dung mang tính chất xoa dịu và chữa lành tâm hồn. Và nổi bật có Podcast, đây có thể coi là một hình thức truyền tải rất thú hút vì tính riêng tư, thân mật của nó. Và Khánh Vân, vì sao bạn lại lựa chọn cách làm podcast để xoa dịu và chữa lành tinh thần cho mọi người?
Podcaster Khánh Vân: Nếu như để nói là bây giờ mọi người mất đi sự kiên nhẫn thì Podcast như một cái cứu lại cái cái việc sự mất kiên nhẫn của mọi người. Em nghĩ là ai cũng cần một cái Khoảng Lặng và em nghĩ là podcast nó chính là cái khoảng lặng mà mọi người có thể chữa lành về tâm hồn bên trong.
Nhiều bạn trẻ hiện nay ngộ nhận bản thân đang mắc bệnh tâm lý nhưng không phải? Làm thế nào để biết bản thân có gặp vấn đề về tâm lý thực sự? (Facebook Quỳnh Anh - Hà Nội)
Chuyên gia Minh Hảo: Là một chuyên gia khai vấn, tôi luôn có niềm tin mọi người đều trọn vẹn và đầy đủ. Và không có tổn thương nào vượt quá khả năng mà nó vượt quá khả năng chữa lành của chính người đó. Và chúng ta đang có vấn đề gì cũng đều có cách chữa lành. Mọi vấn đề chỉ là tạm thời và trạng thái thật sự của con người chúng ta là trạng thái khỏe mạnh.
Là một gen Z, bạn Mây có thể chia sẻ về cách mà bạn cân bằng giữa áp lực công việc nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe tinh thần không ạ? (Facebook Phạm Khánh Huyền - Hà Nội)
Podcaster Khánh Vân: Cân bằng giữa công việc và vẫn đảm bảo sức khỏe tinh thần hiện tại em vẫn còn đang trong quá trình cân bằng. Để mà nói luôn là mình có cách để mở cân bằng công việc vừa chữa lành sức khỏe tinh thần nó hơi khó. Nhưng mà bạn thân em khi mà làm việc thì em cảm thấy là nó đang quá tải em cảm thấy rất là mệt mỏi rồi thì thì em cảm thấy là mình không thể cố được nữa, thì khi ấy khi hiệu suất công việc nó cũng không được hiệu quả cho nên là khi ấy em luôn có một quy tắc: Đó là em cần một quãng nghỉ. Quãng nghỉ đó ví dụ là em sẽ sắp xếp cái công việc làm sao cho nó dừng lại để cho mình vẫn có thời gian nghỉ ngơi ý ạ, thì đấy là sự cân bằng của em.
Trước khi làm podcast, Mây có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành người truyền cảm hứng, mang lại sự “chữa lành” cho người khác không?
Podcaster Khánh Vân: Trước khi làm thì em không có nghĩ nghĩ được như thế, mà em trên cái hành trình khám phá bản thân em đặt ra cái câu hỏi rằng là khi khi nào em cảm thấy hạnh phúc nhất, em muốn mọi người biết đến em là người như thế nào, thì em thấy rằng là khi em hạnh phúc nhất là khi em thấy mọi người hạnh phúc và em muốn mọi người gặp em là luôn luôn thấy năng lượng tích cực này là mọi người có thể quên hết tất cả những stress.
Bạn bè em cũng nói với em rằng là em có thể xua tan cái mệt mỏi. Thế là em hỏi rằng thế bây giờ mình làm gì để mình truyền được năng lượng tích cực đến không chỉ bạn bè mình mà còn cả người khác nữa. Thế lúc đấy em lại nghĩ rằng hay là mình làm Podcast thì lúc đấy em bắt đầu cái hành trình chữa lành của em.
Thưa chuyên gia có bạn trẻ vì không có được trạng thái sức khỏe tinh thần tốt mà dẫn đến những hệ quả đáng tiếc, làm thế nào để tránh được những cái hệ quả, từ chính những cái bạn ấy, từ các bậc PH rồi từ môi trường giáo dục?
Chuyên gia Minh Hảo: Cái này nó sẽ liên quan đến cái Vân vừa trả lời. Đó là chúng ta phải biết nghỉ. Sức khỏe tinh thần là thứ vô hình và con người chúng ta nhiều khi rất là giỏi che đậy cái gọi là tổn thương của chính mình, cho nên có khi là người khác cũng không biết được rằng là mình đang có vấn đề về tinh thần. Tôi nghĩ chăm sóc sức khỏe tinh thần đầu tiên nó phải xuất phát từ chính bản thân mình, từ chính bản thân cái người đấy. Chăm sóc sức khỏe tinh thần, nó giống như việc bản thân chúng ta sạc pin cho chính mình.
Nếu để sập nguồn thì chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để sạc lại và cái thời đại hiện nay của chúng ta đều rất là bận, chúng ta không thể nào dành một tuần để nghỉ ngơi, chúng ta không bao giờ cho phép mình, chúng ta rất ít khi cho phép mình cái điều ấy. Thậm chí dành một ngày để nghỉ ngơi tôi nghĩ là đã rất là ít rồi. Thế cho nên là chúng ta phải quan tâm đến chính mình và chúng ta phải để ý đến cái mức pin của mình.
Tuy có rất nhiều người hâm mộ về những nội dung truyền tải của Vân trên Mây Podcast nhưng thực tế thì bạn vẫn còn là một cô gái trẻ tuổi. Vậy Vân có bao giờ cảm thấy áp lực và không biết xoa dịu bản thân bao giờ không? Đó là những lúc như thế nào? (Khán giả [email protected])
Podcaster Khánh Vân: Trước đây em không quan tâm đến sức khỏe tinh thần, em thường đi tìm những thú vui bên ngoài để lấp đầy khoảng trống xung quanh mình. Tuy nhiên, sau những hành trình đi tìm đó thì tổn thương vẫn cứ đến với bản thân. Em thắc mắc: “Vì sao bản thân mình cũng đã rất tốt rất cố gắng rồi nhưng những tổn thương vẫn cứ đến”.
Lúc đấy, em bắt đầu nhận ra rằng, bản thân mình cần phải xoa dịu cho chính mình, mình cần phải chữa lành cho chính bản thân, cần hiểu được bản thân muốn gì. Khi em hiểu được chính mình, hiểu những tổn thương bắt nguồn từ chính bên trong của mình chứ không phải cứ cố đi tìm người nào xoa dịu tinh thần cho mình hoặc đi tìm bất kỳ một thứ gì bên ngoài?
Thưa chuyên gia, làm thế nào khi người thân của mình đang gặp phải căng thẳng hay gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần? (Facebook Bích Vũ)
Chuyên gia Minh Hảo: Khi đó, bạn hãy cùng người thân của mình cùng nhau thực hiện một số hoạt động ngoài trời. Ví dụ như cùng nhau đi bộ, cùng nhau chuyện trò đạp xe. Sức khỏe tinh thần không ổn định chính sự mất kết nối của một người với chính bản thân và người xung quanh. Khi đó, hãy ở cạnh bên người thân yêu, bạn bè cùng dành thời gian cho nhau và cùng nhau kết nối.
Theo chuyên gia, người trẻ nên hình thành những thói quen gì để có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách tốt nhất? (Bao gồm những việc như là tập thói quen suy nghĩ như thế nào hay có những hoạt động thể chất gì?)
Chuyên gia Minh Hảo: Chăm sóc sức khỏe tinh thần, nó giống như việc bản thân chúng ta sạc pin cho chính mình. Nếu khi nào cảm thấy quá căng thẳng, mệt mỏi, các bạn hãy ngồi xuống và dành thời gian để trả lời cho câu hỏi, bản thân muốn gì? Một khi mình biết bản thân đã muốn gì thì mình hãy đặt cho bản thân những mục tiêu cụ thể, và hàng ngày hãy xem bản thân đã tiến gần hơn đến mục tiêu của mình bao nhiêu. Khi đó mình sẽ có định hướng, bớt nhìn ra xung quanh và cảm thấy không còn ghen tị với ai nữa?
Và hãy chuyện trò nhiều hơn với bạn bè, gia đình của mình, hãy sống gần với thiên nhiên vì chính thiên nhiên, chính sự kết nối giữa người với người sẽ khiến bản thân chúng ta cảm thấy không cô đơn, nhẹ nhàng, thanh thản và yêu cuộc đời hơn rất nhiều.
Vân cùng kênh Mây Podcast trở nên nổi tiếng cũng đồng nghĩa với việc lời nói của bạn có sức nặng hơn. Vậy theo bạn, những người làm công việc sáng tạo nội dung theo hướng chữa lành như Vân nên đảm bảo những quy tắc như thế nào để không gây kết quả ngược?
Podcaster Khánh Vân: Điều này trong các số Podcast của mình em cũng thường hay nhắc đến. Em không bao giờ nói trực tiếp là các bạn trẻ phải làm thế này hay ép buộc các bạn ấy hướng vào tâm thức của mình, đừng coi trọng vật chất quá. Em chỉ muốn một điều là các bạn chúng ta nên hướng vào tâm thức, hướng vào trái tim, và sẽ luôn có người sẵn sàng đồng hành cùng các bạn.
Trang tin điện tử Sóng trẻ xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi và tương tác với buổi giao lưu trực tuyến. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin điện tử Sóng trẻ. Mọi phản hồi xin gửi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected]
Xin trân trọng cảm ơn!