Tổng kết diễn đàn: “Văn hóa tiền lẻ” của người Việt từ góc nhìn trả kẹo thay cho tiền lẻ thừa
(Sóng trẻ) – Sau một tuần tranh luận, diễn đàn ““Văn hóa tiền lẻ” từ góc nhìn trả kẹo thay cho tiền lẻ thừa” đã nhận được 1067 lượt xem với hơn 40 ý kiến phân thành các luồng ý kiến khác nhau, thể hiện cách nhìn nhận vấn đề của người đọc, đồng thời hướng tới giải pháp để nâng cao giá trị và ý nghĩa của tiền lẻ trong cuộc sống.
Trao đổi ý kiến về việc trả kẹo thay cho tiền lẻ thừa tại hầu hết các siêu thị, cửa hàng hiện nay trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên diễn đàn ““Văn hóa tiền lẻ” từ góc nhìn trả kẹo thay cho tiền lẻ thừa”, nhiều ý kiến đồng tình với cách trả kẹo thay tiền lẻ thừa của siêu thị, nhưng cũng nhiều ý kiến không đồng tình với cách làm đó. Tuy nhiên, đa phần ý kiến của bạn đọc là họ có thể nhận kẹo thay tiền lẻ thừa thoải mái nếu thái độ của nhân viên thu ngân lịch sự hơn, thể hiện sự tôn trọng khách hàng.
Việc trả lại kẹo thay cho tiền lẻ thừa tại nhiều siêu thị, cửa hàng hiện nay tạo nên nhiều luồng ý kiến tranh luận.
Vui vẻ nhận kẹo thay cho tiền lẻ thừa
Coi việc trả lại kẹo thay cho tiền lẻ thừa tại các siêu thị, cửa hàng bạn đọc có địa chỉ email [email protected] chia sẻ: “Mình thấy việc trả tiền thừa bằng kẹo là chuyện bình thường. Vì những đồng tiền mênh giá 200d, 500d hiện nay nhà nước phát hành rất ít và có xu hướng thu hồi lại. Mệnh giá tiền thấp nhất được lưu thông phổ biến hiện nay là 1000đ . Nếu không trả bằng kẹo thì các cửa hàng, siêu thị cũng không có đủ số tiền lẻ đề thối lại cho khách hàng”.
Cùng chung quan điểm là độc giả [email protected]: “Mình thấy nếu không có 200, 500 hay 1000, người ta thay thế bằng kẹo cao su hay kẹo gì khác cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Thử hỏi có đồng 200, 500 trong ví, các bạn ra chợ mua được gì? Ngay cả gửi xe đạp cũng ít nhất phải có 1000, 2000 rồi. Thôi thì đổi kẹo cũng dễ chịu hơn là không có gì”.
Hay như bạn [email protected] còn thích thú khi nhận lại kẹo thay cho tiền lẻ thừa, bạn chia sẻ: “Mình lại thấy lấy kẹo là bình thường. Khi đi mua hàng thừa 1000-2000đ mình thường chủ động kêu cô bán hàng đưa kẹo caosu vì mình thường có thới quen nhai kẹo. Không mua lúc này thì cũng mua lúc khác nên tiện thừa tiền lẻ mua luôn cũng không sao hết”.
Nhận được kẹo ngọt, nhưng lòng không thấy ngọt
Tuy nhiên, có khá nhiều người lại thấy khó chịu khi nhận lại kẹo thay cho tiền lẻ thừa khi đi mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng. Chẳng hạn như: “Mình không thích trả lại bằng kẹo. Thật là khó chịu nếu phải nhận kẹo cao su. Số tiền không lớn nhưng đó là thể hiện sự tôn trọng trong bán hàng”
([email protected]); “Mình cũng cảm thấy hơi khó chịu khi mua đồ ở siêu thị thường xuyên phải lấy kẹo thay vì họ trả mình tiền thừa.” ([email protected]); “Nếu đã sinh ra tiền lẻ thì k nên áp dụng trả kẹo cao su khi k có tiền để trả lại, làm vậy nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu.” ([email protected]).
Kẹo sẽ ngọt khi cách đưa “ngọt”
Chia sẻ về việc trả kẹo thay cho tiền lẻ tiền tại các siêu thị cửa hàng, nhiều độc giả tỏ ra bức xúc với thái độ của nhân viên thu ngân, trong đó có bạn đọc [email protected]: “Mình không thích việc các nhân viên cứ nghiễm nhiên mặc định trả kẹo thay tiền lẻ. Bây giờ không riêng gì tại các siêu thị "thịnh hành văn hóa tiền lẻ", tại các cửa hiệu bách hóa cũng vậy, nhiều vô kể luôn”.
Cùng ý kiến, độc giả [email protected] cho biết: “Việc trả kẹo thay cho tiền lẻ thừa khá phổ biến trong cái siêu thị hiện nay. Nhưng điều bức xúc nhất không phải là nhận kẹo mà là thái độ không đúng mực của nhân viên, họ tự ý trả kẹo mà không có sự đồng ý của khách hàng”.
Nhiều độc giả bày tỏ ý kiến cho thấy họ có thể chấp nhận những chiếc kẹo thay cho tiền lẻ thừa một cách thoải mái hơn nếu nhân viên thu ngân của các siêu thị, cửa hàng tỏ thái độ nhã nhặn, thể hiện sự tôn trọng khách hàng qua việc tôn trọng hỏi ý kiến khách hàng trước khi đưa trả lại khác tiền lẻ hay kẹo.
Nâng tầm “văn hóa tiền lẻ”
Đứng trước thực trạng là khách hàng không muốn nhận lại kẹo thay cho tiền lẻ thừa, mà các siêu thị, cửa hàng lại đang thiếu tiền lẻ mệnh giá 200đ, 500đ để trả lại cho khách. Rất nhiều độc giả đã gợi ý các giải pháp để giải quyết tình trạng “tiến thoái lưỡng nan trên” như bạn đọc. [email protected]: “Những siêu thị, cửa hàng hay đưa lại cho người tiêu dùng những chiếc kẹo nhỏ thay cho tiền lẻ thừa mệnh giá 200đ, 500đ hay 1000đ, vì có lẽ với họ thì số đó là quá nhỏ bé. Nhưng nếu nhìn xa hơn, thay cho việc quy ra kẹo trả lại khách hàng, sao những siêu thị, cửa hàng đó không lấy số tiền lẻ đó góp dần vào quỹ từ thiện để giúp đỡ những dân tộc miền núi còn rất khó khăn?!” hay bạn [email protected]: “Tôi cũng từng một vài lần rơi vào trường hợp nhân viên siêu thị trả kẹo thay cho tiền lẻ thừa. Đối với tôi, việc này cũng không có vấn đề gì cả. Tuy giá trị của số tiền thừa không lớn, nhưng thay vì nhận những chiếc kẹo thì tôi thấy việc nhận lại số tiền thừa và bỏ vào hòm gây quỹ từ thiện được đặt ở cửa siêu thị thực sự có ý nghĩa hơn.”
Giải pháp đưa ra mang tính vĩ mô và dài lâu hơn là hướng tới sự đồng bộ để tiền lẻ được trả lại đúng giá trị của nó, [email protected]: “Mình sống ở Hàn Quốc, thấy người ta trả lại tiền cho khách chính xác đến 10won (200đ). Mình nghĩ vấn đề này do tính xuề xòa của không ít người. Do số tiền đó chẳng đáng là bao, chẳng mua được gì. Hơn nữa, do nhân viên thu ngân ngại phải nhặt từng đồng tiền lẻ trả khách, mà khách hàng thì đông. Nếu Việt Nam mình đồng bộ tốt những máy hàng tự động dùng tiền xu, máy trả lại tiền tự động (bên này mấy cửa hàng tạp hóa cũng đều có) thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Ở đây, nhiều người có cả hộp to tiền xu, mang ra ngân hàng đổi cũng rất dễ dàng”.
Nguyễn Quỳnh – Nhóm 6
Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận