Tổng kết diễn đàn: Mạng xã hội “xoay chuyển” quan hệ thầy - trò?

(Sóng Trẻ) - Phần đông độc giả cho rằng mạng xã hội tác động đáng kể đến mối quan hệ thầy - trò. Tuy nhiên, tác động có tính tích cực hay tiêu cực chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa ứng xử của các bên liên quan.

a36cb761f_teacher.jpg

Ảnh hưởng của mạng xã hội đến mối quan hệ thầy - trò vẫn luôn là câu hỏi khó tìm lời giải đáp. Ảnh: Socialmediarsm

Sau hơn 2 tuần đăng tải, BBT trang tin điện tử Sóng Trẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến xoay quanh diễn đàn: “Mạng xã hội “xoay chuyển” quan hệ thầy trò? ” với những phản biện, chia sẻ đa chiều, đa diện. Phần lớn quan điểm đều cho rằng mạng xã hội, dù mang lại những tiện ích đáng kể, khi bị sử dụng sai mục đích sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ thầy - trò nói riêng và môi trường giáo dục nói chung.

Mạng xã hội - “con dao hai lưỡi”

Với tốc độ phát triển chóng mặt, mạng xã hội ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều vấn đề trong cuộc sống. Những ảnh hưởng đó có thể tích cực, cũng có thể tiêu cực. Chứng kiến những câu chuyện giáo dục gần đây, chúng ta càng cần thừa nhận tính hai mặt của mạng xã hội.

Theo kết quả khảo sát bình luận của độc giả, 43,2% ý kiến cho rằng mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ thầy trò. Với hàng loạt những sự việc gây hậu quả tiêu cực thời gian gần đây, có thể thấy rằng cả thầy cô và học sinh đã phải chịu những tổn thương về mặt tinh thần và uy tín. Đáng lưu ý hơn cả là nhận thức phiến diện và lệch lạc của một số cá nhân khi bình luận trên mạng xã hội.

Độc giả Quang Đại với địa chỉ email [email protected] bình luận: “Nhiều người cứ cho rằng mạng xã hội chỉ là “công cụ” , “không ảnh hưởng” , “tùy vào người sử dụng” , tôi xin thưa, có thể lý luận như vậy nếu đây là một thứ gì khác nài mạng xã hội. Mạng xã hội có thể nói là thứ công cụ “quyền năng” đến mức nó đã phá bỏ, sáng tạo và hình thành nên rất nhiều khái niệm, lĩnh vực trước đó chưa từng có trong đời sống! Vậy nên tôi nhất quyết tin rằng thứ công cụ “tự do ngôn luận” này có ảnh hưởng đến mối quan hệ nhạy cảm giữa thầy - trò (có tính chất rất khác với người phương Đông so với phương Tây). Chúng ta dù sao vẫn nên giữ gìn “tôn sư trọng đạo” . Và vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội để phát tán tin tức về học đường nên bị siết chặt (vì biết khó cấm hẳn) chứ không thể tùy thuộc vào cái gọi là “ý thức con người” , một thứ theo tôi thấy vốn rất yếu kém nữa!”

c11e9eb2a_tong_ket_anh_1.png

Độc giả đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tác động của mạng xã hội đến mối quan hệ giáo viên - học sinh

Đồng tình với quan điểm trên, độc giả [email protected] chia sẻ: “Đồng ý là mạng xã hội giúp mối quan hệ giữa thầy trò trở nên cởi mở, gắn bó hơn. Nhưng cũng không ít các trường hợp mà mạng xã hội khiến mối quan hệ đó đi đến bế tắc. Đó là khi học sinh sử dụng mạng xã hội như một nơi để trút giận, một nơi để nói bất cứ điều gì mà không quan tâm đến hậu quả. Những điều được chia sẻ có thể đúng, có thể sai nhưng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận được. Nhất là với tâm thế của một người làm giáo dục khi đón nhận những điều tiêu cực, công kích cá nhân từ chính người học sinh của mình. ”

“Cấm đăng tải thông tin học đường lên mạng xã hội là cần thiết lắm. Bởi vì sao, vì “1 đồn 10, 10 đồn 100” đấy mới là truyền miệng thôi nhé. Chứ lên mạng thì 1 đồn lên thành 2000, 3000 chỉ trong vài phút ấy. Khi mà thầy cô và cả học sinh dễ dàng nhận được những lời ác ý trên mạng, làm ảnh hưởng đến danh dự thì không có lí do gì mà không cấm. Tình cảm thầy - trò thật quý giá, thiêng liêng. Theo mình cái gì có thể tránh được, giảm được thì nên triển luôn chứ không nên chần chừ để chuyện buồn xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm. ” Bạn đọc [email protected] bày tỏ quan điểm.

Đa số các ý kiến cho rằng mạng xã hội tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, song vẫn có những độc giả nhận định: mạng xã hội không phải là nguyên nhân chính gây nên những xung đột hay biến chuyển tiêu cực trong mối quan hệ này. Đó chỉ là một công cụ để bày tỏ quyền tự do ngôn luận, còn việc công cụ này được sử dụng ra sao phụ thuộc vào trình độ và hiểu biết của mỗi cá nhân. 

Bạn đọc [email protected] cho rằng: “Từ xưa, mối quan hệ thầy - trò đã hình thành và tồn tại cùng với bao thăng trầm. Ngày nay khi mạng xã hội phát triển, mối quan hệ đó cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên mạng xã hội chỉ góp phần khiến cho mối quan hệ đó minh bạch và công tâm hơn, chứ không thể trực tiếp tác động đến hành vi cũng như thái độ cư xử giữa cô và trò. Mối quan hệ đó phải được xây dựng trực tiếp bởi mỗi con người trong cuộc, và chỉ thật tâm thì mới có thể bền vững. Mạng xã hội tồn tại song song với mối quan hệ giáo viên-học sinh, như một thước đo để đánh giá, để phản ánh nhiều chiều về mối quan hệ đó. ”

Trên cương vị một phụ huynh, độc giả Trần Tuấn với địa chỉ email [email protected] bày tỏ quan điểm: “Sự thật là gì? Nếu không có mạng xã hội thì chính phụ huynh chúng tôi cũng không thể biết được những sự việc, những góc khuất trên giảng đường. Chúng tôi sẽ mãi tin tưởng những người thầy, người cô, tin vào những đứa con mà mình yêu thương nhất. Tôi không đổ lỗi cho riêng bên nào nhưng có những cái sai của hai bên đều may mắn được mạng xã hội lan truyền. Mối quan hệ xoay chuyển theo hướng nào thì chắc chắn còn tùy vào cách ứng xử của từng người. Nếu sai mà biết sửa là điều tốt, nhưng nếu cố chấp, để bụng và tư thù riêng thì thật quá sai lầm. ”

Không cấm đoán, nhưng cần kiểm soát

Một bộ phận độc giả cho rằng không cấm sử dụng nhưng nên kiểm soát chặt chẽ về chế tài, hay đặt ra các quy định sử dụng mạng xã hội trong nhà trường, một số lại quan niệm nên đánh vào tận “gốc” – thông qua sự giáo dục kỹ càng, chu đáo từ gia đình và nhà trường để giúp học sinh sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả hơn.

Bạn đọc với tài khoản [email protected] chia sẻ: “Năm qua quá nhiều sự kiện không hay về nghề giáo được phát giác, mà đúng chứ có sai đâu? Giờ nếu cấm đăng tải, cấm mọi thứ thì các em, các bậc phụ huynh còn biết ý kiến vào đâu nữa? Không phải lúc nào thưa chuyện lên nhà trường cũng giải quyết được vấn đề. Còn về việc giáo dục các cháu, mọi người hình như hơi sốt sắng với quan điểm “thầy cô cần phải có uy” - mình thấy để giáo dục được một đứa trẻ thành người cần nhiều yếu tố phối hợp lắm, chứ “cái uy” của thầy cô ngày xưa chưa chắc đã quan trọng để phải làm to chuyện lên khi nó không còn nữa. Mạng xã hội giờ làm mối quan hệ thầy - trò cởi mở gần gũi hơn cũng hay, mỗi thời có cái hay riêng của nó. Còn nếu mọi người thấy thời nay “kém hay” hơn thời xưa chắc vì thời nay “lều báo” lá cải quá nhiều, toàn giật tin tiêu cực. ”

c11e9eb2a_tong_ket_anh_2.png

Ý thức được sức ảnh hưởng của mạng xã hội, phần đông độc giả cho rằng “cấm đoán” không phải biện pháp khả thi

Độc giả Thái Linh với địa chỉ email [email protected] cũng chia sẻ quan điểm: “Đã xa giảng đường khá lâu nhưng tôi vẫn quan tâm theo dõi những hoạt động liên quan đến ngành giáo dục, về vấn đề trên thì tôi có ý kiến như sau: Cần phân biệt rõ khái niệm “mạng xã hội” - nó là nền tảng, là công cụ được sử dụng để đăng tải thông tin, nhằm kết nối mọi người với nhau; về bản chất nó cũng như tờ giấy (làm nhiệm vụ trao đổi thông tin qua thư từ) hay cây bút, bản thân nó hoàn toàn không có khả năng thay đổi hay tác động đến vấn đề gì. Việc các cháu có những hành động quá mức như bây giờ chính là bởi hiệu ứng bầy đàn của cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội thiếu suy nghĩ. Họ tiếp nhận thông tin không đa chiều và chỉ tin những gì mình muốn tin (thường là tin tức xấu, bất lợi về người khác); cái đó là bản chất rồi, kể cả không dùng mạng xã hội thì nó vẫn bộc phát ra nài thôi. Tính cách con người thể hiện phần nào qua nội dung họ thu nhận và đăng tải, nên người tích cực thì sẽ thấy mạng xã hội có ích đấy chứ, ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm còn người tiêu cực sẽ cho là mạng xã hội đang cổ xuý những vấn đề xấu diễn biến tệ hơn. Ứng dụng vào điều đang bàn bạc ở trên thì tôi cũng cho là như vậy: dựa vào đặc điểm tính cách, góc độ nhìn nhận từng người sẽ có những quan điểm khác nhau. Tôi ở phía trung lập vì những điều xấu trong ngành giáo dục tôi thấy rất nhiều nhưng các câu chuyện ấm lòng, tấm gương đẹp thì tôi cũng bắt gặp không ít. ”

“Bản thân mình thấy mạng xã hội mang lại cả điều tích cực và tiêu cực đến mối quan hệ thầy - trò. Tuy nhiên, mối quan hệ của thầy cô và học sinh có tốt đẹp hay không còn phụ thuộc chủ yếu vào hành động của cả hai bên. Nếu hành động, cách hành xử của thầy cô luôn mẫu mực, học sinh sẽ noi theo và tôn trọng. Còn nếu thầy cô có cách ứng xử không đúng, thậm chí là có những hành động phản cảm như ném vở của học sinh xuống đất, xử lý vi phạm của học sinh bằng bạo lực thì tự thầy cô làm hình ảnh của mình xấu đi và từ đó, học sinh, phụ huynh thậm chí cả xã hội sẽ lên án thầy cô. Hiện nay, mạng xã hội giúp mọi người tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn, những hình ảnh đẹp về thầy cô sẽ được lan tỏa và những hình ảnh tiêu cực sẽ bị “ném đá” ngay. Từ đó mà mỗi bên cũng nên tự ý thức hành vi, cách ứng xử của mình trong môi trường học đường. ” Bạn đọc [email protected] nhận định.

Kiểm soát những thông tin được đăng tải trên một nền tảng ảo như mạng xã hội chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt, với học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sự non nớt và bồng bột trong suy nghĩ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. “Con dao hai lưỡi” mạng xã hội mang đến cả lợi ích và những nỗi lo. Tuy nhiên, các biện pháp như xử lý hay ngăn cấm đều không giải quyết triệt để vấn đề. Điều quan trọng nhất vẫn là nền tảng giáo dục cho một thế hệ lớn lên trong thế giới của mạng xã hội. Mối quan hệ thầy trò sẽ không “xoay chuyển” tiêu cực khi mỗi hành vi và lời nói trên mạng đều được coi trọng và cân nhắc như trong đời thực. Chúng ta không “sống” trên mạng ảo, hãy để nó là một công cụ đúng nghĩa.

Diễn đàn: “Mạng xã hội “xoay chuyển” quan hệ thầy - trò?” xin phép được khép lại. BBT Sóng Trẻ xin chân thành cảm ơn những bình luận, phản hồi tích cực, xác đáng từ quý độc giả. Những ý kiến đóng góp từ quý độc giả sẽ là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho các học sinh, phụ huynh và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Hẹn gặp lại quý độc giả trong những vấn đề thảo luận sắp tới.

BBT Sóng Trẻ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN