Trạm yêu thương của những “người bạn bốn chân”
(Sóng trẻ) - Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, trạm cứu hộ “Sân nhà nhiều chó” (SNNC) trở thành nơi tiếp nhận, chăm sóc những chú chó, mèo vô chủ, bị bỏ rơi hay gặp các vấn đề về sức khỏe.
Nỗ lực cứu trợ thú cưng
Thành lập từ năm 2021, dự án cứu trợ động vật “Sân nhà nhiều chó” do anh Trần Minh Quang (sinh năm 1985, quận Thanh Xuân, Hà Nội) sáng lập đã nhận nuôi hơn 500 thú cưng bị bỏ rơi. Dù nhiều lần phải “chuyển nhà” để có được không gian sạch sẽ, thoáng đãng, không ảnh hưởng đến người dân xung quanh nhưng anh Quang và các cộng sự vẫn kiên trì vì tình yêu thương đặc biệt dành cho động vật.
Anh Quang cho biết, thời gian đầu, chó, mèo được đưa về đây rất sợ người vì chúng bị bỏ đói, hành hạ nhiều ngày. Ví dụ như trường hợp của hai chú chó tên Đen và Sứt. Mỗi lần có khách đến thăm, hai chú chó đều chạy ra đầu tiên, vẫy đuôi chào mừng. Nhưng đằng sau sự “quấn người” đó là quá trình nhiều ngày các tình nguyện viên chăm sóc cẩn thận để chúng “tập làm quen” lại.
“Sứt được phát hiện trong một ngõ nhỏ ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy. Con này bị người ta câu trộm nên trên đầu có 1 vết rách dài, cái tên “Sứt” được gọi từ vết thương đấy. Còn Đen được mọi người tìm thấy khi đang lang thang tại khu vực Văn Điển, Thanh Trì. Đen lúc đó gầy còm và trên người có một vài vết thương còn hở miệng”, anh Quang nói.
Thế nhưng, không phải thú cưng nào cũng may mắn được cứu trợ, chữa trị kịp thời như Đen và Sứt. Anh Quang chia sẻ, có những lần, sau khi phát hiện và đưa thú cưng bị bệnh về trạm, dù cố gắng chữa trị nhưng vì nhiễm nhiều loại bệnh cùng lúc nên chúng chỉ sống được một thời gian ngắn.
Để đảm bảo an toàn, trước mỗi chuyến cứu trợ động vật, tình nguyện viên được trang bị quần áo bảo hộ phòng trường hợp bị tấn công. Ngoài ra, động vật mới được đưa về trạm đều cần khám sức khỏe tổng thể, tiêm phòng dại, theo dõi cách ly hai tuần trước khi nuôi chung với những chó, mèo khác.
Tham gia trạm cứu hộ “Sân nhà nhiều chó” từ năm 2022, chị Phương (nhân viên chăm sóc tại trạm) đã có hơn 1 năm gắn bó với “ngôi nhà” đặc biệt này. Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào tối muộn. Vì nhân lực có hạn nên những tình nguyện viên như chị phải cùng lúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ cứu hộ, chăm sóc, vệ sinh đến tìm chủ mới cho thú cưng.
Trạm chỉ có hai bác sĩ đảm nhiệm chuyên môn khám, chữa bệnh cho động vật. Vì số lượng chó, mèo cần cứu hộ liên tục tăng nên các bác sĩ thú y đều làm việc cật lực ngày đêm. Thế nhưng, không xem đó là vất vả, bằng tình yêu thương động vật, họ vẫn duy trì công việc, giúp đỡ các tình nguyện viên trong quá trình cứu trợ thú cưng.
Sau hơn một tháng tham gia trạm, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh bày tỏ: “Các bạn tình nguyện viên ở đây chăm sóc thú cưng rất cẩn thận, chu đáo, công việc của các bạn khiến tôi cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm giúp đỡ, cứu trợ động vật bị bệnh, bị bỏ rơi. Đặc biệt, anh Quang luôn truyền cho tôi một nguồn động lực lớn lao. Từ lúc đến đây, tôi hiểu rằng, mọi thú cưng đều cần được chăm sóc, chỉ mong chúng luôn khỏe mạnh, như vậy, chúng tôi cũng bớt đi phần nào áp lực công việc.”
Nâng cao tinh thần trách nhiệm với phúc lợi động vật
Không chỉ cứu hộ, chăm sóc, “Sân nhà nhiều chó” còn là nơi kết nối để “những người bạn bốn chân” tìm được người chủ mới yêu thương chúng. Hiện tại, fanpage trên nền tảng Facebook mang tên “Nhóm cứu hộ chó, mèo Sân nhà nhiều chó” có hơn 70 nghìn lượt theo dõi. Đây là kênh chính để nhóm công khai các hoạt động cứu hộ và kết nối với cộng đồng.
Thế nhưng, không phải thú cưng nào cũng may mắn có được cuộc sống mới. Những chú chó, mèo lớn tuổi hay mang trong mình những căn bệnh khó điều trị đều không phù hợp với nhu cầu nhận nuôi của nhiều người hiện nay.
Chú chó già Pu là một trong số đó. Nhắc đến Pu, anh nghẹn ngào chia sẻ: “Pu được nhận nuôi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng, bản thân em cũng bị viêm phổi nặng. Vì gia đình phản đối nên chủ cũ không thể tiếp tục chăm sóc Pu. Khi em sắp mất, mình chỉ có thể gọi điện để chủ gặp em lần cuối. Nghe thấy tiếng gọi thân thuộc, Pu kêu lên mừng rỡ. Chứng kiến những câu chuyện như vậy, tôi mới hiểu rằng tình cảm của chó, mèo vô cùng đơn thuần, chúng chỉ yêu hoặc ghét, một khi đã yêu thì trung thành đến cuối đời”.
Không ít lần, Sân nhà nhiều chó gặp phải những trường hợp lừa đảo, mạo danh người nhận nuôi chó mèo nhằm mục đích trục lợi cá nhân. “Nhiều người cho rằng chó, mèo chỉ là thức ăn, vì vậy, họ bài xích các hoạt động cứu trợ động vật và giả vờ làm người nhận nuôi để bán chúng vào lò mổ. Dù có quy trình kiểm tra khắt khe, đồng thời yêu cầu những điều kiện về nơi ở, tài chính đối với chủ mới thì việc nhận nuôi thú cưng vẫn chỉ dựa vào niềm tin giữa hai bên, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý bảo hộ”, anh Quang cho biết thêm.
Theo thống kê của các Tổ chức Phúc lợi Động vật Toàn cầu (FOUR PAWS), trung bình hằng năm tại Việt Nam có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết thịt. Trước tình trạng này, anh Quang mong muốn có thể thực hiện thêm các dự án về tuyên truyền nhằm thay đổi quan điểm và nâng cao nhận thức cộng đồng về phúc lợi của động vật.
“Chúng ta cứu trợ bằng tình thương là chưa đủ, không một dự án nào có thể duy trì nếu số lượng chó, mèo tăng lên từng ngày. Khi mọi người thay đổi nhận thức, có trách nhiệm hơn đối với vật nuôi trong gia đình thì chắc chắn tình trạng buôn bán, giết thịt sẽ giảm bớt. Sắp tới, SNNC sẽ thực hiện thêm nhiều dự án truyền thông về vấn đề này. Đồng thời, kết hợp tổ chức những hoạt động cụ thể để có thêm nguồn thu, cải tạo cơ sở vật chất cho trạm”, anh Quang bày tỏ kỳ vọng.