Người “Mẹ hiền” trên xa lộ
(Sóng Trẻ) - 69 tuổi, cái tuổi tưởng chừng được hưởng an nhàn, thế nhưng đã hơn 30 năm nay bà Liên vẫn bền bỉ công việc cứu giúp những người không may gặp tai nạn trên Quốc lộ 5. Với nghĩa cử cao đẹp đó, bà Liên được mọi người kính trọng gọi bằng cái tên thân thương “Hiệp sĩ trên xa lộ”.
Mong muốn cứu sống người bệnh
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kim Thành, Hải Dương - nơi đây đã nuôi dưỡng ước mơ được trở thành bác sĩ của bà. Ước mơ lớn lao ấy được bà hun đức từ những ngày đầu tham gia kháng chiến, chứng kiến cảnh các chiến sĩ bị thương, hi sinh dưới bom đạn của kẻ thù. Mong ước đó từng ngày lớn lên trong bà. Mặc cho bạn bè nói ngả nói ngiêng, bà vẫn quyết tâm theo học. Khuôn mặt bà phúc hậu, ánh lên đầy niềm tự hào “Ông trời sinh ra tôi cho tôi được làm ngành Y, để cứu chữa người bệnh”. Tất cả nỗ lực đã được đền đáp, bà học ngành Y, sau đó làm tại bệnh viện huyện.
Năm 1970, tỉnh Hải Dương cấp cho bà mảnh đất ở mặt đường 5. Đây là trục đường có nhiều phương tiện lưu thông, đặc biệt là container, lại thêm nhiều trường học gần đây, nên vào giờ tan tầm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Công tác tại bệnh viện huyện Kim Thành, mỗi khi chứng kiến tai nạn, người bị thương dù nặng hay nhẹ, bất kể là người lạ, hay người quen, bà Liên đều sẵn lòng giúp đỡ. Nhẹ thì bông băng gạc, nặng thì bó bột, khâu, sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện. Các con bà cũng chẳng ngần ngại cùng mẹ cứu giúp người. Thế rồi, từ khi nào không hay, nhà bà trở thành một “chốt” chuyên cứu hộ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5.
Những ngày đầu lập chốt cứu nạn, có không ít người không hiểu, tỏ ra ngờ vực, cho rằng bà làm vì mục đích kiếm tiền, chẳng ai dại gì mà vướng bận vào thân. Bà Liên buồn nhưng bỏ nài tai, với bà “Mạng sống của con người rất quý giá, được ví như 3 toà tháp”. Tâm niệm ấy luôn theo bà và thôi thúc bà không thể thờ ơ trước người bệnh. Rồi dần những người xung quanh họ cũng hiểu ra khi tận mắt chứng kiến những hành động cao đẹp của bà, và ngày càng nể phục bà hơn.
Bà Liên vẫn ngày ngày làm công việc cứu người thầm lặng, với bà chỉ vậy thôi cũng đã quá hạnh phúc
Dù đã nghỉ hưu, nhưng bà Liên vẫn hàng ngày đi khắp thôn , xã, cứu chữa bất kể sớm, tối. Hình bóng bà trên chiếc xe đạp cũ kỹ đã in dấu trên mọi nẻo đường thôn xóm. Mọi người tin tưởng bà, bởi lẽ không chỉ chữa bệnh đơn thuần, bà còn truyền đến họ cảm hứng sống. Hình ảnh bà còn là biểu tượng, là tấm gương người thật, việc thật được các thầy cô giáo các trường tiểu học ở Kim Thành lấy làm ví dụ mỗi khi nói về tấm gương người tốt việc tốt để cho các em noi theo.
Cứu người xuất phát từ “tâm”
Hơn ai hết, bà Liên là người hiểu rõ nhất sự đau đớn của người bệnh. Chính vì thế, bà luôn luôn trăn trở “Cứu người với tôi đó là trách nhiệm của người thầy thuốc, nhưng trên hết là phải xuất phát từ chính cái tâm của mình, không vì vụ lợi”.
Hơn 30 năm nay, bà đã giành giật sự sống cho nhiều người từ tay thần chết. Cuốn sổ ghi chép từ năm 2006 tính đến nay có hơn 500 người được bà sơ cứu. Nhưng con số thực có thể lên đến gần 1000 người. Cuốn sách đó chính là kỷ niệm về nghề thầy thuốc của bà và cũng là động lực để bà mãi gắn bó với nghề.
Tất cả dụng cụ, bông băng, gạc…bà đều tự chuẩn bị. Bà làm hoàn toàn không lương, cũng không nhận bất kỳ đồng nào của bệnh nhân. Việc làm đẹp và ý nghĩa của bà đã lan rộng nhiều nơi, bà là một trong 10 người được nhận giải tình nguyện Quốc gia năm 2016, và rất nhiều giải thưởng cao quý khác.
Hơn 30 năm qua, bà đã nhận được nhiều huân chương, phần thưởng cao quá của các cấp, các ngành
Bác Nguyễn Thị Hòa, một người hàng xóm cho hay “ Bà Liên ở xóm này là người tử tế, ở đường 5 hễ có tai nạn là bà đều nhanh nhảu ra giúp, chúng tôi ở đây chứng đã có nhiều trường hợp thoát nạn nhờ có bà ấy cứu kịp thời”. Một người hàng xóm khác cũng chia sẻ “Nhiều ca bà Liên cứu qua khỏi có đến cám ơn, nhưng bà ấy đều không lấy tiền, nhiều người trong xóm có ốm đau, bà đều giúp nhiệt tình và tận tâm”.
Khi được hỏi trong thời gian tiếp theo bà còn duy trì công việc này không, bà Liên cười và nói đầy quyết tâm “chỉ mong ông trời cho tôi sức khỏe, khỏe mạnh, tôi vẫn sẽ đi chữa bệnh để cứu người. Đến khi không thể, các con tôi sẽ thay thế tôi”.
Có người được bà giúp, quay trở lại cảm ơn và nhận bà làm mẹ nuôi, đó là trường hợp 2 mẹ con chị Thảo, bị tai nạn và xe máy bốc cháy, bà đã cùng con trai nhanh tay thấm nước vào chiếc chăn trùm lên người 2 mẹ con chị, sau đó bà gọi xe đưa đi bệnh viện để chữa bỏng kịp thời. Hiện tại cháu bé đã đi học bình thường và chị Thảo cũng đã đi làm. Đây chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân được bà cứu thoát trong gang tấc.
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, tin chắc rằng trong cuộc sống này vẫn còn không ít người có tầm lòng cao cả như bà Đào Thị Liên và cuộc sống cần lắm sự sẻ chia để xã hội ngày một tươi đẹp hơn. Nghề Y là một nghề cao quý, nhưng người làm nghề y như bà Liên còn cao quý hơn bội phần. Chỉ cần có sức khỏe, với chiếc xe đạp cũ, bà Liên lại đi khắp ngõ ngách của thôn xóm để cứu giúp người bệnh.
Hà Hiền – Hồng Ánh
Báo mạng K35
Cùng chuyên mục
Bình luận