Triển lãm “Hà Nội mùa thu năm ấy” - tái hiện thủ đô thời kháng chiế
(Sóng trẻ) – Sáng 6/10, triển lãm “Hà Nội mùa thu năm ấy”, một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2019) được khai mạc tại Hoàng Thành Thăng Long.
Với trên 200 hình ảnh tư liệu, hiện vật, triển lãm lịch sử do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội thực hiện với chủ đề “Hà Nội mùa thu năm ấy” đã tái hiện lại hình ảnh Hà Nội từ kháng chiến chống Pháp (1946) đến Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954).
Gồm ba nội dung chính “Ra đi giữ trọn lời thề”, “Hà Nội ngày trở về” và “Xây dựng cuộc sống mới”, hoạt động trưng bày không chỉ là cơ hội để thế hệ cũ ôn lại kỷ niệm, mà còn là dịp để những người trẻ có thêm hiểu biết về lịch sử oai hùng của ông cha.
Khu trưng bày “Ra đi giữ trọn lời thề” treo hình ảnh của những người chiến sĩ, những thanh niên yêu nước khi phải rút khỏi thủ đô vào năm 1946. Họ ra đi mang trong mình lời thề “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”
Không gian “Hà Nội ngày trở về” nằm ngay giữa triển lãm cũng chính là điểm nhấn của sự kiện. Các gian trưng bày được sắp xếp khéo léo tạo thành hình ngôi sao năm cánh.
Gian trưng bày đầu tiên mang tới hình ảnh những chiếc áo dài của các cô gái Hà Nội và áo trấn thủ của các anh chiến sĩ vệ quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954)
Gian trưng bày thứ hai gồm hiện vật là giày của ông Trần Huy Quang đi trong lúc chào đoàn quân giải phóng và bộ đục, kìm sửa giày của gia đình ông. Đây là những vật dụng đã giúp gia đình ông làm ra những đôi dép lốp phục vụ cho đông đảo quần chúng, thanh niên đi công trường, công tác nại tỉnh từ những năm Hà Nội bị tạm chiếm cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Gian trưng bày 3 gồm các hiện vật được trưng bày là Quyết định số 004/QĐ ngày 9/10/1954 của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, phù hiệu vệ quốc đoàn của bà Vũ Thị Nhâm và cặp lồng được quân đội cấp cho chiến sĩ trong thời gian đánh Điện Biên
Gian trưng bày 4 gồm có Quyết định số 002/QĐ ngày 9/10/1954 của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” của đồng chí Vũ Huy Hậu và tờ sắc lệnh số 324-SL ngày 25/9/1954 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.
Gian trưng bày 5: Khay thuốc của bà Phùng Thị Sâm dung khi đi cứu thương từ những năm 1946 cho tới trên các chiến trường Điện Biên Phủ, chỉ thị số 11 – CT/ĐBHN, bộ thước 5 cái của Đại tá Nguyễn Quán Hồng sử dụng từ thời kỳ Công binh tiếp quản Thủ đô ở Lý Nam Đế 1954.
Bảng tin ghi tiêu đề: “Giải phóng Thủ Đô” được gắn những trang báo, những tờ áp phích thể hiện niềm vui sướng, tự hào trước chiến thắng của quân và dân Hà Nội.
Chủ đề trưng bày cuối cùng là “Xây dựng cuộc sống mới”. Nơi đây không chỉ tái hiện lại đời sống nhân dân sau ngày giải phóng thủ đô với cửa hàng mậu dịch, những tiệm may chuyên cung cấp cờ cho người dân trang trí đường phố sau giải phóng mà còn khắc hoạ niềm hân hoan của người dân Hà Nội khi đón đoàn quân trở về.
Không gian gia đình tại căn hộ tập thể những năm 50-60 của người dân Hà Nội.
Các tiệm café, may vá, quán xá
Triển lãm diễn ra từ ngày 6/10/2019 – 25/12/2019.
Phạm Phương Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận