Người giữ lửa một nét tinh hoa

(Sóng trẻ) Nằm nép mình trong phố Hàng Ngang, ngôi nhà chưa đầy 10m2 của nghệ nhân vẽ tranh truyền thần - họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên cũng trầm mặc và hiền hòa như chính chủ nhân của nó. Sinh năm 1934, cho đến nay khi bước sang tuổi 84, người nghệ sĩ già vẫn miệt mài gìn giữ những nét đẹp của đất Hà Thành xưa với những giá trị văn hóa “một thời vang bóng” qua những bức tranh truyền thần bằng chính đôi tay của mình.

4e2c27f1c_nguoi_giu_lua.png
Họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên – người giữ lửa truyền thần.

Nửa thế kỷ làm bạn với nghề “truyền thần”

Hồi tưởng lại những năm 1956, người anh em đồng hao của ông mở cửa hàng vẽ, đến năm 1960 thì bỏ dở nên ông quyết định gìn giữ và tiếp quản cửa hàng đến tận bây giờ. Ông đến với nghề như một cái duyên nợ từ lâu. 

Khi còn là sinh viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông có năng khiếu về các môn học tự nhiên như Toán, Lí,… Nhưng đến năm cuối thi ra trường thì ông bị ốm. Bạn bè ông người ra trường làm việc, người ở lại trường giảng dạy, hoặc về làm trong các viện nghiên cứu, chỉ có ông ở lại và quyết định năm sau thi. Rồi trong thời gian ở nhà nghỉ ốm, ông đi khắp các con phố, xem người ta vẽ tranh truyền thần rồi tự học lấy và thấy đam mê rồi theo nghề tới tận bây giờ. “Ngày đó nếu không có trận ốm thập tử nhất sinh chắc giờ ông là một nhà khoa học vật lí chứ không ngồi cặm cụi vẽ tranh như thế này”. – người họa sĩ già tếu táo đùa.

Bức tranh đầu tiên của ông là bức vẽ ảnh thờ cho một người lính. Khi đó miền Bắc trong thời kì bao cấp, hàng hóa không có nhiều, để lấy được màu vẽ, ông phải đốt bấc đèn dầu thật to lửa cho ra muội đen rồi vẽ lên nền giấy trắng. Ngày đấy, ông đi xin học nghề nhưng không có ai nhận dạy cả, vì thế phải tự mày mò tìm hiểu. Quãng thời gian nhiều việc chỉ khoảng từ 1960 -1980, là thời điểm mọi thứ vẫn còn rất thô sơ. Khoảng những năm 1990, ông mới bắt đầu sử dụng màu công nghiệp để việc vẽ tranh được thuận tiện hơn. Màu vẽ, tẩy, bông phải buộc phải thay mới nhưng cái giá vẽ, cái ghế ông ngồi, cái thước kê tay,… đều có tuổi đời hơn nửa thế kỉ.


4e2c27f1c_anh_1.png
 
Đồ nghề vẽ tranh thô sơ và đặc biệt.

“Trước hết phải có lòng yêu nghề, có quyết tâm, kiên trì và say mê với công việc. Thêm vào đó là khả năng quan sát và sự tinh tế của người thì họa sĩ làm sao cho bắt được cái thần thái đa dạng trên khuôn mặt người ngồi mẫu. Với một bức tranh truyền thần, chỉ thêm một chi tiết trên ánh mắt chẳng hạn, thần thái của bức tranh sẽ có sự khác biệt hoàn toàn lớn, từ một khuôn mặt bình thường sẽ trở nên có hồn hơn. Phải gắn mình với nó là một” – Ông chia sẻ về những yêu cầu của nghề vẽ tranh truyền thần để có thể lột tả được hết các sắc thái, cái thần của người khách hàng.

Không chỉ là người “chép ảnh”

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây cọ vẽ, họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời một người vẽ truyền thần. Người họa sĩ già vẫn luôn trăn trở vì một ngày nghề vẽ tranh truyền thần có thể sẽ bị mai một vì khi công nghệ tiên tiến ra đời, người ta ít tìm đến để vẽ một bức tranh truyền thần. Giờ đây, người ta thích dùng máy ảnh với công nghệ in tráng. Trước năm 1995, Hà Nội có hơn 250 cửa hàng vẽ truyền thần, nhưng giờ chỉ còn khoảng 30 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở khu phố cổ. Sự xuất hiện của ảnh kỹ thuật số với các công nghệ ảnh hiện đại, máy móc tinh vi khiến nghề vẽ truyền thần đang mai một.

4e2c27f1c_anh_2.png
 
Thần thái của nhân vật được truyền tải chân thực.

Ông vẫn luôn trăn trở vì cái nghề này vẫn chưa phát triển tương xứng với những giá trị nhân văn mà nó mang lại. Niềm say mê của ông chỉ được đáp lại bằng sự tìm tòi, yêu thích đến ngạc nhiên của các du khách nước nài về một nghề kỳ lạ. Từ lúc bắt đầu trưởng thành với nghề đến nay, ông nhận được nhiều lời khen của họ và gặt hái được nhiều thành công thông qua những lần triển lãm. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam đưa tranh truyền thần giới thiệu với ra thế giới với 15 bức tranh truyền thần được trưng bày tại triển lãm ở Nhật Bản. Tranh của ông còn được mời tham gia nhiều triển lãm ở Anh, Mỹ… Song ẩn sau vẻ tự hào đó là một nỗi buồn về sự mai một dần của các cửa hiệu truyền thần ở Hà Nội.

Giờ đây thỉnh thoảng mới có người đến thuê vẽ, mà khách đến cửa hàng phần lớn cũng chỉ là những du khách nước nài. Ba người con của ông dù đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có ai học được nghề mà ông đang làm. Không ai rõ nguồn gốc của nghề vẽ truyền thần, những người thợ vẽ nổi tiếng cũng đã về nơi chín suối. Chẳng có trường lớp chính quy nào dạy vẽ truyền thần cả. Ai muốn học cứ học, cứ tự đi tìm hiểu, mày mò lấy đồng thời phải quan sát, làm quen công việc của những người đi trước. 

4e2c27f1c_anh_3.png
 
Truyền thần là một nghề rất tinh tường, có từ lâu đời vì thế hơn bao giờ hết nó cần phải được bảo vệ và giữ gìn.

Trong con phố Hàng Ngang ngày nay nườm nượp xe cộ, bán buôn ấy, cửa hàng vẽ truyền thần của người họa sĩ già Nguyễn Bảo Nguyên nổi lên bởi cái hồn phố cổ như tụ lại, trầm mặc và tao nhã, lưu giữ điều gì đó như xưa cũ lắm của một cái thần Hà Nội đã xa. Ở cái tuổi 83, sống giữa phố thị ồn ào, tấp nập, ông đã tìm đến khoảng bình yên bên những bức tranh chì. Do chính sự yêu nghề và cũng chính từ lòng ngưỡng mộ của khách nước nài về tranh truyền thần mà ông vẫn hy vọng rất nhiều vào sự trở lại của nghề truyền thần. 

Với ông truyền thần vừa là thú vui tuổi già vừa là niềm đam mê, “cái duyên”, “cái nghiệp” cả đời ông cần mẫn. Ông khẳng định rằng sẽ còn vẽ đến lúc nào không thể cầm nổi cây bút nữa thì đành phải thôi. 

Nguyễn Thị Liên

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN