Trồng người trên đôi nạng gỗ
(Sóng Trẻ)- Trên cái dốc nhà treo leo tỉnh Cao Bằng có một người thầy lạ mà quý lắm. Người thầy tuy chưa bao giờ học một ngày nghiệp vụ sư phạm nhưng đã hơn 30 năm qua làm nghề giáo dạy miễn phí cho trẻ em trong vùng. Người thầy duy nhất chỉ có thể nằm để giảng bài và trồng người trên đôi nạng gỗ.
Người thầy giáo huyền thoại đất Cao Bằng
Người thầy giáo mà cả tỉnh Cao Bằng ai cũng biết tên nhưng không hẳn biết mặt vì thầy sống trên một bản nghèo, nơi có con dốc cheo leo. Thầy Hà Văn Đồng của xóm Pò Háng, xã Sóc Sơn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Thầy vốn xuất thân là lính pháo binh.
Năm nay, hơn 50 tuổi đời, thầy Đồng có 31 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sinh năm 1958 ở Sóc Hà, học hết văn hoá 10/10, năm 1976, ra nhập quân ngũ, được đưa về Xuân Mai học 3 năm tiếng Trung và nhiều kỹ năng chiến đấu khác. Trở về công tác trong lực lượng biên phòng ở Bảo Lạc, Hà Văn Đồng đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác (anh kiêm phiên dịch tiếng Trung của lực lượng vũ trang). Nhờ thế, anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, được thưởng huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm.
Bỗng dưng, bị bệnh từ trên giời ném trúng, đời thầy chịu nhiều khổ cực. Bấy giờ, mỗi người phỏng đoán một thứ bệnh khác nhau. Nhưng không ít người vùng cao mê lú đã đổ cho thầy bị ma làm do ăn ở... ác. Họ bảo, liệt nửa người, tàn phế thế thì phải biết an phận, đừng cãi lại số trời mà sẽ còn phải khổ thêm. Đơn vị thương xót lắm, thấy Đồng bị đau lưng, thần kinh toạ, đau mãi xuống hông, đau đến teo luôn chân bên trái, rồi không cúi, không đi được nữa..., đã cho anh trở về quê hương. Họ phát cho một con ngựa, treo lên đó một cái balô, người trẻ dũng cảm Hà Văn Đồng chống gậy leo lên ngựa, thấp thểnh vượt đèo dốc về nơi mình đã sinh ra.
Thầy Đồng chống nạng dạy học sinh, như thế đã gần 30 năm
Thầy trở về nhà. Căn nhà tồi tàn với hai bố mẹ già đã nài 90. Người em thương anh, thương bố mẹ vác dao lên nương chăm chỉ kiếm sống. Không may trời hành, người em tên Tranh dẫm phải mìn, vĩnh viễn mất đi một bên chân. Trong tình cảnh tơ vò và thống khổ đó, người bạn hẹn non thề biển cũng tham giàu bỏ ngãi. Trong phút giây người thanh niên Hà Văn Đồng mất đi tất cả.
Tuyệt vọng và thống khổ, hai chục năm nay anh Đồng nằm hõm một bên người. Trong căn nhà với hai người con tàn tật, mọi sinh hoạt đều do một tay cha mẹ già lo toan. Cái cảnh bố già 90 tuổi, mẹ già như chuối chín cây phải cơm bưng nước rót, phải hầu cả vệ sinh cá nhân cho mình hôm nay, hai mươi năm trước, Hà Văn Đồng đã nằm dài và tưởng tượng ra rồi. Song anh không tin mình còn sống được đến hôm nay, nếu như một ngày anh không quả quyết: Phải làm một cái gì đó cho đời đỡ vô nghĩa. Làm một việc gì hữu ích cho cộng đồng đi chứ.
Năm 1991, thấy đám trẻ mải chơi, cứ lang thang bên vở nước, nài bìa núi trước nhà với nhiều trò nghịch dại, người cựu binh Hà Văn Đồng bèn “dụ” chúng vào học tiếng Trung làm hành trang để “vượt vũ môn hoá rồng” - thay vì con trâu đi trước cái cày theo sau! Ánh sáng loé lên, anh Đồng quyết định nhờ hàng xóm gọi đám trẻ quanh nhà vào, anh ngồi lên tấm phản bóng nhẵn mồ hôi của mình rồi say sưa giảng giải. Là vùng giáp biên, cách cửa khẩu Sóc Giang có 4km, giao lưu với nước bạn nhiều, ở trường lớp, các cháu cũng được tăng cường dạy “thời lượng” môn tiếng Trung nhiều hơn khu vực khác, nhưng học thì biết bao nhiêu cho đủ...
Đám trẻ theo “thầy Đồng” với một sức cuốn hút mà chính người cựu binh tàn phế đó cũng phải ngạc nhiên. Các cháu học miệt mài, học đến mức nhà trường PTCS trong xã phải có ý kiến về việc thầy thu hút nhiều học sinh đến nhà thầy nằm bò ra cái phản cũ của thầy quá, các cháu sinh ra chểnh mảng đến trường. Thầy đứng ra vận động các em đến trường đầy đủ, việc học của thầy chỉ là hỗ trợ thôi. Bây giờ, thì giáo viên trong khu vực ai cũng đã hiểu tấm lòng “người thầy bên đôi nạng gỗ”, nhiều thầy - cô giáo còn dắt con cháu đến gửi thầy chăm chút.
Thầy bị bệnh nặng và đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai
Nỗi đau của người tử tế
Gặp lại thầy Đồng giữa Hà Nội phồn hoa. Người tử tế, thầy giáo huyền thoại của Cao Bằng đang nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Anh già đi nhiều do bệnh tật, do những cơn đau chia rẽ tâm hồn và thể xác. Trong những lúc tỉnh táo anh vẫn không quên kể cho chúng tôi nghe bằng chất giọng yếu ớt về những sinh viên, học trò của anh. Hội sinh viên của thầy Đồng giờ đã có hơn 300 người.
Đôi nạng của thầy đã thắp sáng tươi lai cho biết bao thế hệ học sinh
Nhiều học sinh cũ của thầy biết tin thầy đang điều trị, vô số người mến mộ thầy đã đề nghị giúp thầy chi trả viện phí. Thầy nhất quyết Không! Lương tâm một nhà giáo trên hết bản lĩnh của một người lính khiến thầy cương quyết như vậy. Đối với thầy dạy học là niềm vui, là ý nghĩa sống trong đời chứ không phải vì cơm, áo, gạo, tiền.
Trong căn phòng bệnh đậm đặc mùi thuốc kháng sinh vẫn có loài hoa đang “rộn ràng khoe sắc hương”. Bông hoa đó là thầy Đồng, người thầy, người lính pháo binh, nguyện một đời cống hiến, phụng sự nhân dân.
Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng thầy kiên quyết không nhận sự giúp đỡ từ học sinh cũ của thầy
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tiến (Khoa Phổi, BV Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho thầy Đồng) cho biết: Bệnh nhân thổ huyết nhiều lần, bệnh nấm phổi quá nặng này phải mổ sớm. Chỉ một cơn ho tắc nghẽn, nhiều người đã tử vong.
Hà Văn Lương, đứa cháu ruột đang chăm thầy Đồng, mếu máo: “Bác tôi cả vùng ai cũng kính trọng, bác không thể chết dễ dàng thế. Dọc đường xe cấp cứu về Hà Nội, tôi chỉ sợ bác không qua khỏi vì ho ra quá nhiều máu. Tôi và bố mẹ đang đi vay lãi thêm để có tiền phẫu thuật. Vay khắp nơi được 20 triệu, tiền nhập viện và chi phí xe cấp cứu các thứ đã mất 13 triệu rồi. Ca đại phẫu này chưa biết tính làm sao, Bệnh viện cũng đã thông báo rõ: nài bảo hiểm thì vẫn phải tốn ít nhất vài chục triệu đồng nữa...”.
Nói xong, Lương ngồi khóc “chiều nay cháu về Cao Bằng, đi làm mấy hôm kiếm ít tiền rồi lại xuống”. Cậu bé làm nghề bốc vác thuê ở cửa khẩu...
Ninh Vũ
Cùng chuyên mục
Bình luận