TS. Nguyễn Thị Trường Giang ra mắt cuốn sách thứ 2 về đạo đức báo chí

(Sóng trẻ) - Cần cù và nghiêm túc, tiếp cận vấn đề bằng so sánh luận, TS. Nguyễn Thị Trường Giang đã tập hợp, phân loại, đối chiếu, phân tích 100 bản quy ước đạo đức báo chí khác nhau trên thế giới, tìm ra những tương đồng và dị biệt với cái nhìn khách quan của một nhà khoa học.

Với cuốn sách này, tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang trình bạn đọc 100 bản quy ước đạo đức báo chí trên thế giới. Đây là công trình thứ hai của cô về đạo đức nghề nghiệp, tiếp nối và bổ sung cuốn trước của cô, bàn riêng về vấn đề này ở nước ta.

Tác giả đã công phu sưu tầm và biên dịch nhiều quy ước đạo đức từ những nguồn khác nhau, và cuối vùng chọn 100 bản để nghiên cứu, phân tích từ đó đề xuất kiến giải của mình. “Một trăm” cũng như “Nghìn lẻ một” không phải là những con số cụ thể mà là khái niệm về sự nhiều, phong phú, đa dạng, ẩn hiện, nhiều chiều…, "100 bản quy ước” đủ tiêu biểu cho các cách thể hiện của loài người về một vấn đề nóng hổi.

b2ef4d192_998290_443624635783560_911423474_n.jpg
Bìa cuốn sách "100 bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới"

Báo chí từ khi ra đời đến nay luôn được coi là giá trị xã hội. Théophraste Renaudot, chủ nhiệm tờ La Gazette, nhà sáng lập báo chí Pháp, gần bốn trăm năm trước từng có câu: “Nhà sử học (có đủ độ lùi) phải thể hiện đúng sự thật. Nhà báo (thông tin thời sự) viết không sai là tốt lắm rồi”. Như vậy ông đã đặt ngang một loại hình văn hóa non trẻ đang định hình với môn khoa học có từ thời thượng cổ. Ngày nay, nhiều học giả và nhà báo lớn Tây cũng như Đông, bức xúc trước mặt trái của bức gấm thêu kỳ vĩ là báo chí thời tin học, đã kêu gọi mọi người hãy ứng xử với báo chí như một giá trị xã hội, tức giá trị văn hóa, tinh thần trước hết của quốc gia, dân tộc mình, thứ đến mới của nhân loại.

Đạo đức báo chí là một phần đạo đức xã hội. Nó vừa thể hiện những giá trị chung được toàn thể loài người không phân biệt môi trường sinh sống, chính kiến, niềm tin, truyền thống... cùng chia sẻ, vừa phản ánh những đặc thù tiêu biểu cho đời sống văn hóa, tâm linh, lý tưởng và niềm tin của quốc gia, dân tộc nơi nền báo chí ấy ra đời.

Nói như vậy là nhìn nhận một thực tế khách quan: So sánh quy ước đạo đức báo chí của nhiều quốc gia, chúng ta dễ nhận ra nhiều nét tương đồng, đồng thời thấy cộm lên những khác biệt có khi sâu sắc, thậm chí đối lập. Trong thời đại ngày nay, với nhịp độ đổi thay nhanh như vũ bão, tiềm ẩn nhiều biến cố khó lường, hệ thống giá trị xã hội của mọi quốc gia, dân tộc đều chuyển xoay đến chóng mặt. Có những giá trị xã hội tồn tại từ lâu nay không còn được số đông công nhận, trong khi những giá trị mới phù hợp hơn lại chưa định hình. 

Trong bối cảnh ấy, Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam được Đại hội VI Hội Nhà báo thông qua năm 1995 và Đại hội VIII sửa đổi đến nay đã 15-20 năm. Từ bấy đến nay, đất nước ta có những bước tiến lớn trong hòa bình ổn định, thế giới xuất hiện nhiều khủng hoảng và biến động làm rung chuyển không ít thể chế chính trị, tạo nên xung đột đau lòng, trong khi quá trình hội nhập hóa toàn cầu cứ tiếp tục đà lăn của nó. Đạo đức xã hội đổi thay, tất yếu đạo đức nghề nghiệp cần điều chỉnh. Muốn cho Quy ước đạo đức báo chí của ta thực sự đi vào cuộc sống, có cống hiến thiết thực vào việc nâng cao chất lượng, hiện đại hóa báo chí nước nhà, giữ vẹn hình ảnh tốt đẹp của người làm báo cách mạng trong lòng nhân dân ta, nhất thiết không thể không cùng nhau điểm lại những cái được, có mang lại hiệu quả dù mới ở bước đầu, cùng những cái chưa được, bất cập, lỗi thời, từ đó đề xuất biện pháp phát huy vai trò, tác dụng của Quy ước đạo đức báo chí hiện hành với những điều chỉnh, bổ sung cần thiết. Dù nhà báo ai cũng bận rộn trăm công nghìn việc hằng ngày, thiết nghĩ vấn đề trên không thể không được quan tâm đúng mức, bởi sớm hay muộn rồi chúng ta cũng phải làm nếu không muốn để cho những điều tâm huyết thể hiện tại Quy ước đã thông qua dần dà biến thành giáo điều cách xa cuộc sống.

Theo nhận thức của tôi, giá trị và cống hiến của công trình 100 quy ước đạo đức báo chí trên thế giới của tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang là ở chỗ này. Cần cù và nghiêm túc, tiếp cận vấn đề bằng so sánh luận, tác giả đã tập hợp, phân loại, đối chiếu, phân tích các bản quy ước khác nhau, tìm ra những tương đồng và dị biệt với cái nhìn khách quan của một nhà khoa học. Từ đó rút ra những nhận xét và đề xuất những kiến giải của mình với tâm nguyện góp phần vào việc hoàn chỉnh một bản quy ước đạo đức thật phù hợp với hoàn cảnh đất nước và yêu cầu của báo chí ta trong tương lai. Trong quá trình làm việc, tác giả đã tham bác, lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp, nhằm hoàn chỉnh công trình với mức cố gắng cao nhất của mình. Công trình 100 quy ước đạo đức báo chí trên thế giới vì vậy vừa là đóng góp khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn. 

Đạo đức nghề nghiệp báo chí là chủ đề rộng lớn, bao quát, liên quan đến nhiều lĩnh vực, công trình nghiên cứu của một tác giả dù cố gắng đến mức nào vẫn khó tránh khỏi thiếu sót, bất cập, thiết nghĩ rồi đây còn phải trông chờ ý kiến các nhà khoa học và độc giả chỉ bảo. Dù sao bất kỳ ai muốn có sẵn trong tay những tư liệu cần thiết và quý hiếm giúp có thêm dữ liệu để nghĩ suy, không thể không cậy đến công trình này của một nhà báo trăn trở với nghề đồng thời là một nhà giáo đang chung tay đào tạo đồng nghiệp mới. 

Xin đơn cử một thí dụ: Nhiều nước hiện nay quan niệm giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc là trách nhiệm hàng đầu của báo chí, là nghĩa vụ của mọi nhà báo, vì vậy đã quy tắc hóa vào quy ước đạo đức báo chí của họ. Trong tình hình không ít cơ quan báo chí và người làm báo nước ta, bao gồm những người làm các mạng điện tử và người dắt dẫn các chương trình mang tính đại chúng, đang sử dụng tiếng Việt một cách xô bồ như hiện nay, liệu chúng ta có nên cùng nhau suy ngẫm vấn đề này?

Nhà báo Phan Quang
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN