“Từ bến sông Nhùng” – Cuốn tiểu thuyết đột phá trong lối viết giao thoa giữa báo chí và văn học
(Sóng trẻ) – Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019, chiều ngày 15/3, Bảo tàng Báo chí Việt Nam và tác giả Phạm Quốc Toàn phối hợp tổ chức buổi ra mắt tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” tại Bảo tàng Hà Nội.
“Từ bến sông Nhùng” là tiểu thuyết đầu tay của nhà báo Phạm Quốc Toàn.
Tham dự chương trình có nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Hội NBVN), nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội NBVN; Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đ/c Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội NBVN, đ/c Hà Minh Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội NBVN cùng đông đảo các nhà báo, công chúng yêu văn chương, sinh viên Báo chí, bạn bè, đồng nghiệp của tác giả Phạm Quốc Toàn.
Nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định “Từ bến sông Nhùng” đã khái quát được quá trình hoạt động và phát triển của nền báo chí Việt Nam.
Sự giao thoa giữa báo chí và văn học
“Từ bến sông Nhùng” thuộc thể loại tiểu thuyết “sự kiện”, tiểu thuyết “lịch sử”, chuyện và việc giống nài đời, nhưng lại không có nài đời. Tác giả sử dụng bút pháp văn học - miêu tả những hiện thực giống như nài đời để phác họa một phần chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo, nhà văn Phan Hoàng, các mối quan hệ xã hội, văn chương, báo chí của Phan Hoàng và những vấn đề thời cuộc.
Tác giả Phạm Quốc Toàn giao lưu với nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển và nhà báo, đại tá Lê Liên.
Việc chọn một nguyên mẫu nài đời để làm nhân vật cho tiểu thuyết không phải là một nhận vật lịch sử, dã sử mà là nhân vật hiện tại đang hiện hữu, tác giả đã tự đặt mình vào một thử thách khó khăn. Nhà báo Phạm Quốc Toàn chia sẻ: “Khi tôi viết cuốn sách này rất khó. Tiểu thuyết phải gắn với thời cuộc, gắn với đất nước, gắn với cuộc đời, gắn với thể chế. Viết thế nào để nhân vật và xử lý các xung đột phù hợp. Nếu làm không khéo sẽ thành báo cáo, liệt kê”.
Nhà báo Nguyễn Uyển cho rằng việc chọn thể loại tiểu thuyết của tác giả là khéo léo, khôn nan. Tác giả đã chọn tiểu thuyết – thể loại có dung lượng lớn để chuyển tải một nhà báo, một nguyễn mẫu có thực ở nài đời có tên Phan Hoàng.
Nhà báo, đại tá Lê Liên chia sẻ: “Suốt từ trang đầu đến trang cuối đều là những câu chuyện thật. Hư cấu trong tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” là cách tác giả tạo ra không gian, bối cảnh đối thoại để làm bật những phẩm chất cao quý nguyên mẫu của nhân vật Phan Hoàng.
Cô Vũ Thúy Bình, giảng viên Khoa PT-TH, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang,Trưởng khoa PT-TH, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và TS Truyền thông Nguyễn Thị Bích Yến, đại diện Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam tại Châu Âu cũng giao lưu, chia sẻ về tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (Từ trái qua phải)
Lối viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn là sự giao thoa của phong cách báo chí và văn học. PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang, người đầu tiên tiếp xúc với cuốn sách khi nó còn ở dạng bản thảo và gắn bó cho đến khi nó chào đời cho biết: "Nhà báo Phạm Quốc Toàn rất thông minh trong việc lựa chọn thể loại tiểu thuyết để thể hiện những sự kiện, hình ảnh, bối cảnh của báo chí hiện đại. Báo chí cần phải viết sự thật, gắn liền với sự kiện, không được viết hư cấu, nhưng văn chương lại cho phép chúng ta được hư cấu, bay nhảy trong những con chữ. Lối viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn trong tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” là sự giao thoa giữa văn chương và báo chí. Đó là sự đột phá, sự thay đổi, làm mới nhân vật của nhà báo Phạm Quốc Toàn”.
Câu chuyện sâu sắc về nghề báo
Trong gần 400 trang tiểu thuyết, tác giả tập trung miêu tả , phân tích, lý giải hai câu hỏi cực kỳ quan trọng đang hiện hữu trong thực tiễn đời sống báo chí. Đó là: Nhà báo, bạn là ai?, Những tố chất nào cấu thành đạo đức nghề nghiệp nhà báo? Đó là câu hỏi về nghề báo, về kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức báo chí.
Xung quanh nhân vật Phan Hoàng, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã xây dựng nhiều luồng nhân vật khác nhau. Ta có thể gặp những nhà báo lớn uy tín, hoàn hảo cả về nhân cách lẫn tài năng. Nhưng cũng thấy không ít những nhà báo “nửa vời”, làng nhàng, hay một số nhà báo cơ hội “ăn theo nói leo”, “xanh vỏ đỏ lòng”. Điều này, giống như hồi chuông cảnh báo về lối sống, đạo đức, phẩm chất của người làm báo đang có sự thay đổi trong cơ chế thị trường.
Cô Vũ Thúy Bình, giảng viên Khoa PT-TH, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Cuốn sách này có thể giúp chúng tôi hiểu hơn về nghề nghiệp mà chính mình đang theo đuổi. Ở đó, tôi thấy chân dung của nhà báo Phan Hoàng. Một chân dung rất hoàn hảo mà chúng tôi vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ”.
PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang cảm nhận được thông điệp mà nhà báo Phạm Quốc Toàn muốn gửi đến độc giả, công chúng chính là: “Khi cầm bút nhà báo phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp, lương tâm làm nghề theo đúng chuẩn mực”.
Tập thể sinh viên Khóa 1 Báo chí - Xuất bản tặng hoa chúc mừng tác giả.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời.
Vũ Hảo – Thu Phượng
Cùng chuyên mục
Bình luận