Tư đồ Yến Hương và niềm tin vào thế hệ trẻ kế nghiệp
(Sóng Trẻ) - Hình ảnh ông đồ và chữ thư pháp đã trở thành nét đẹp của mảnh đất kinh kì văn hiến. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, ông đồ Nguyễn Báu Nam lại mang trong mình những tâm sự và hoài niệm về nghề bút chữ.
Mối duyên với thư pháp
Những ai đã từng đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám chắc hẳn sẽ còn nhớ tới hình ảnh ông đồ viết chữ thư pháp bên bàn nghiên bút. Đó là ông Nguyễn Báu Nam (1960), mọi người vẫn thường gọi ông bằng bút danh Tư đồ Yến Hương. Không chỉ viết chữ thư pháp tại Văn Miếu, ông đồ Nam còn được rất nhiều người biết đến qua các hoạt động viết chữ thư pháp cho các chương trình thiện nguyện và các dịp lễ hội truyền thống của dân tộc.
Tư đồ Yến Hương là người gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống hiếu học, có người đỗ đạt khoa cử. Đối với ông, cơ duyên đến với nghề được bén rễ chính từ nếp văn hóa của gia đình. Ngay từ thời trẻ ông đã có niềm đam mê mãnh liệt với chữ Hán học và chữ Nôm. Qua quá trình học hỏi và tìm hiểu thư pháp, ông quyết định đến với nghề như một mối duyên và cũng là cách để gìn giữ được một nét đẹp truyền thống dân tộc.
Ông đồ Nguyễn Báu Nam, hay còn gọi Tư đồ Yến Hương
Bắt đầu viết chữ thư pháp từ năm 2015, ông đồ Nam không phải là người sớm bén duyên với nghề. Trước đó, ông là người theo học chữ và có niềm say mê với chữ. Cho đến sau này, khi quyết định đến với thư pháp, ông áp dụng những gì đã được học, kết hợp với luyện bàn tay sao cho uyển chuyển để nét chữ trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng.
Mỗi sản phẩm của mình ông đồ Nam đều rất trau chuốt cẩn thận. Theo ông, từng con chữ, nét chữ đều mang ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện cái tâm của người cho chữ và sự chân thành của người xin chữ.
Chữ Hiếu thể hiện tấm lòng hiếu thảo, yêu thương cha mẹ, ông bà, bày tỏ lòng kính hiếu của người con. Chữ Vượng thể hiện khát vọng cho một năm an khang, thịnh vượng, công việc thuận buồm xuôi gió. Đối với học sinh, đặc biệt là những bạn là học sinh cuối cấp, đến gặp ông để xin chữ Đăng Khoa, Khôi Nguyên cầu mong đỗ đạt trong các kì thi. Những gia đình kinh doanh sẽ thường xin chữ Lộc, chữ Tài. Còn có những gia đình đến xin chữ Bình An, chữ Khang mong muốn cho một năm khỏe mạnh, hạnh phúc, sum vầy.
Mỗi tác phẩm đều được Tư đồ Yến Hương trau chuốt cẩn thận
“Trong thư pháp có nhiều trường phái và mỗi nét chữ đều mang một nét đặc trưng riêng của trường phái đó, có thể là đặc trưng của chữ thời Đường, thời Thanh, các thời phong kiến nổi tiếng Trung Quốc,…Dù là trường phái nào chữ thư pháp cũng đều thể hiện một cái đẹp rất riêng và được tất cả mọi người thừa nhận”. Ông chia sẻ.
Công việc nào cũng đều có những sự vất vả, khó khăn, nghề ông đồ cũng vậy. Ông tâm sự: “Đây là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, nhưng hiện nay, chữ thư pháp đang bị thương mại hóa, kiếm lời, hơn nữa người ta lại cho rằng bản thân mình quá già để học chữ”. Ông luôn trăn trở về việc nhiều người không đạt trình độ đúng yêu cầu nhưng vẫn danh xưng ông đồ viết chữ để thu lợi nhuận. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn của mọi người đối với nghề ông đồ.
Ước vọng cho tương lai của nghề ông đồ
Trong cái Tết hiện đại, Tư đồ Yến Hương cũng có những hoài niệm về ông đồ ngày xưa. Ông kể rằng ngày trước ông đồ rất được xem trọng, các gia đình giàu có sẽ thường mời ông đồ về để dạy chữ cho con cái. Gia đình nào trong nhà có chữ ông đồ thì được xem là sẽ may mắn, phát tài.
Ngày xưa, người ta quan niệm rằng chữ thư pháp thể hiện cho trường phái âm – dương và mọi chuyển động của vạn vật. Lực cầm bút và sự uyển chuyển của người viết được thể hiện trong từng chữ, cũng là biểu hiện của những biến chuyển trong một năm của gia đình. Bởi vậy, chữ thư pháp được xem là mang lại phúc lộc, tài vận, có thể giúp gia chủ tránh được những điều xui xẻo. “Bây giờ ít người tin vào những cái đó, người ta xin chữ thường để trang trí trong nhà, cầu mong năm mới an khang thịnh vượng”, ông trầm ngâm.
Có một khoảng thời gian, nghề ông đồ bị chững lại, người đến xin chữ cũng ít dần bởi nhiều người không còn hứng thú với chữ thư pháp. Những năm gần đây, chữ thư pháp lại rất được mọi người quan tâm, nhu cầu xin chữ vào ngày Tết tăng cao, đặc biệt là giới trẻ.
Có nhiều bạn dù còn trẻ nhưng đã tham gia tích cực vào các câu lạc bộ chữ thư pháp, nhiều bạn có trình độ rất tốt. Dưới cái nhìn của Tư đồ Yến Hương, các bạn trẻ tiếp cận rất nhanh với chữ thư pháp, cảm nhận của lớp trẻ với chữ thư pháp cũng rất khác biệt. Điều này chính là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của thư pháp, để nghề ông đồ và thư pháp không bị mai một.
Các bạn trẻ hứng thú với văn hóa thư pháp
Đối với ông đồ Nam, nghề ông đồ và chữ thư pháp là những giá trị tinh thần rất đẹp của dân tộc ta. “Nếu có niềm đam mê, hãy cố gắng bảo tồn và duy trì chữ thư pháp, không chỉ chúng ta hiện nay mà còn là về tương lai về sau mãi mãi”, ông bộc bạch.
Câu lạc bộ thư pháp Xuân Hồng – nơi mọi người có thể tìm đến để học hỏi về văn hóa thư pháp
Phan Cúc – Hà Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận