Vé xe dịp lễ 2/9 “cháy” từ sớm, giá thành tăng nhẹ
(Sóng trẻ) - Vài ngày trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, người dân có nhu cầu đi lại cao hơn, tác động đến giá thành nhiều loại phương tiện giao thông. Trong khi xe khách có xu hướng giữ ổn định giá thành thì tàu hỏa và máy bay lại có xu hướng tăng lên.
Năm nay, theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 của người lao động sẽ kéo dài liên tiếp 4 ngày, tính từ ngày 31/8 - 3/9. Với thời gian nghỉ dài ngày, số lượng khách và xe hoạt động dự kiến sẽ tăng cao từ chiều 30 - 31/8 và giảm về mức bình thường vào ngày 1 - 2/9. Chiều mùng 3 và sáng mùng 4/9, số lượng khách và xe trở lại thủ đô sẽ đông đúc trở lại. Điều này tạo ra một “bài toán” về giá thành cũng như số lượng xe chuyên chở.
Vé xe khách ổn định, tàu hỏa tăng nhẹ - “cháy” vé
Tại các bến xe ở Hà Nội như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm,... các tuyến xe đi về các tỉnh thành đang dần được lấp đầy. Nhìn chung, giá thành của xe khách được giữ ở mức ổn định, không gia tăng so với các năm trước. Các tuyến xe đi từ Hà Nội đến các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... sẽ có mức giá dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/ vé đối với loại xe giường nằm 40 chỗ. Đối với các dòng xe khách Limousine, giá vé thường cao hơn, có thể lên đến 300.00 - 500.000 đồng/ vé.
Đại diện nhà xe Hải Hà cho biết: “Năm nay người dân được nghỉ lễ dài ngày nên mọi người có xu hướng về quê nhiều. Chúng tôi luôn giữ giá ở mức 150.000/ vé và huy động tăng cường các chuyến xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”.
Đối với người dân, đặc biệt là đối với các bạn học sinh, sinh viên, đây là một mức giá hợp lý, phải chăng. Bạn Hà Chi - sinh viên Trường Đại học Công nghiệp cho biết, bạn phải vào trang web của nhà xe để đặt vé từ sớm, phòng rơi vào trường hợp “cháy” vé hoặc mua trực tiếp sẽ bị “hét” giá. “Mình đã từng chủ quan không đặt vé sớm để rồi trở thành nạn nhân của những chiêu trò ‘hét’ giá, nhồi nhét khách khi bắt xe dọc đường. Rất may mắn rằng lần này, mình đã đặt được vé về quê thành công với mức 200.000 đồng/vé. Mình thấy đây là mức giá vừa phải với túi tiền ‘có hạn’ của mình”, Hà Chi cho hay.
Không chỉ riêng Hà Chi mà Thanh Tùng - hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng thấy giá vé ô tô khách năm nay ở mức bình ổn, không có sự tăng đột biến. “Mình đã đặt xe trước trên web từ hôm qua và mình chỉ tốn 300.000 đồng/ vé cho chuyến đi từ Hà Nội đến Hà Tĩnh. Vì xe mình đặt là Limousine nên đắt hơn so với xe khách thường một chút xíu là điều dễ hiểu. Đối với mình đây là một con số nằm trong mức có thể chi trả”, Thanh Tùng chia sẻ. Ngoài ra, Tùng còn mong rằng nhà xe sẽ luôn giữ mức giá vé ổn định như hiện tại để người dân có thể thoải mái hơn trong việc đi lại.
Bên cạnh xe khách thì tàu hỏa cũng là một trong những phương tiện được người dân ưa chuộng sử dụng để di chuyển đi về quê, đi du lịch trong dịp nghỉ lễ. Vé tàu rơi vào tình trạng “cháy” vé khi hàng loạt chuyến tàu đã hết vé ngay từ rất sớm.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại ga Hà Nội, các chuyến đi từ ga Hà Nội đến các ga như: Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị),... có giá dao động từ 300.000 đồng - 450.000 đồng/ vé đối với các khoang ghế ngồi và 500.000 - 900.000 đồng/ vé đối với các khoang giường nằm. Với những chuyến đi xa hơn như Lâm Đồng, TP HCM, Cần Thơ,... giá vé dao động từ 1.000.000 - 1.600.000 đồng/ vé.
Trong khi đó, vào những ngày thường, những chuyến đi trên chỉ dao động từ 300.000 đồng - 450.000 đồng/vé đối với khoang ghế ngồi và 500.000 đồng - 800.000 đồng với khoang giường nằm. Giải thích cho nguyên nhân này, nhân viên tại ga Hà Nội cho biết, vào dịp lễ, giá vé tàu thường có xu hướng tăng 20% so với những ngày thông thường do nhu cầu đi lại của người dân cao hơn, những chuyến tàu và nhân viên phục vụ cần phải được huy động tăng cường lực lượng.
Tuy nhiên, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, từ ngày 29/8 đến hết ngày 3/9, đường sắt vẫn có những chính sách giảm giá vé nhất định dành cho người dân. Cụ thể, khi mua vé khứ hồi sẽ được giảm 5% giá vé lượt về cho cá nhân và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên. Đồng thời, duy trì chính sách giảm giá vé đối với các đối tượng chính sách như Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng, người cao tuổi hoặc trẻ em…
Giá vé máy bay tiếp tục tăng, một số chặng “cháy” vé
Những ngày qua, thị trường vé máy bay trở nên nhộn nhịp, ghi nhận lượng lớn hành khách đặt vé. Theo khảo sát của các hãng hàng không Việt Nam, giá vé trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 tăng so với ngày thường trước kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó, các hãng hàng không đều có kế hoạch triển khai tăng số lượng chuyến bay trên các đường bay khai thác, đặc biệt là các đường bay du lịch nội địa.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé có chiều hướng tăng nhưng xuất hiện chủ yếu vào ngày bắt đầu và ngày kết thúc kỳ nghỉ lễ. Với những ngày giữa kỳ nghỉ, giá vé cơ bản ổn định, giữ mức tương đương với các ngày trước kỳ nghỉ. Các chặng bay từ TP. HCM, Hà Nội di chuyển đến các tỉnh thành có các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…ghi nhận tình trạng “cháy” vé.
Theo khảo sát của phóng viên trên website đặt vé của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) giá vé khứ hồi từ TP. HCM đến Nha Trang dao động từ 1,8 triệu - 4 triệu đồng/người; từ Hà Nội đến Đà Nẵng khoảng 2,5 triệu - 4,8 triệu đồng/người; từ Hà Nội đến TP. HCM khoảng 3,4 triệu - 4,5 triệu đồng/người. Đặc biệt, hàng loạt chuyến bay trong ngày 31/8 với các khung giờ bay đẹp ban ngày đã hết sạch vé, do nhu cầu đặt mua vé trước của hành khách.
Nhìn chung, giá vé máy bay trong kỳ nghỉ lễ năm nay đang có xu hướng tăng lên. Chị Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) đang cân nhắc lựa chọn một địa điểm du lịch trong nước cho gia đình trong kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay trước khi các con đi học trở lại. “Gia đình chúng tôi dự định năm nay sẽ đi Đà Lạt. Tuy nhiên, giá vé của Vietnam Airlines trong khung giờ đẹp đang lên đến hơn 4.000.000 đồng/ vé, đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tốn gần 20.000.000 đồng cho tiền vé máy bay. Con số này đối với chúng tôi có hơi lớn”, chị Thu Hoài chia sẻ và quyết định sẽ chuyển sang một địa điểm du lịch khác gần với Hà Nội, có thể di chuyển bằng ô tô.
Để góp phần giảm áp lực về giá vé máy bay, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu ngành hàng không điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường thêm các chuyến bay đêm.