Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh: Nỗi đau học đường
(Sóng trẻ) - Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Trà Vinh đã xảy ra vụ việc đánh hội đồng một em học sinh lớp 7 tên là Nguyễn Thị Hồng P, trường THCS Lý Tự Trọng.
Nữ sinh P bị bạn học cùng lớp đánh hội đồng dã man rồi dùng điện thoại quay lại đã xảy ra từ tháng 1, nhưng đến ngày 9/3, sau khi đoạn clip trên được tung lên mạng, bố mẹ P. mới biết sự việc.
Em P. – nạn nhân trong đoạn clip bị đánh đập dã man ở Trà Vinh
Sự lỏng lẻo trong quản lý của nhà trường
Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) nói: “Sự việc xảy ra ở Trà Vinh rất đáng tiếc, đáng tiếc hơn là hơn 2 tháng sau khi sự việc diễn ra mà nhà trường chưa biết. Điều này cho thấy nhà trường thiếu sát sao trong việc quản lý, nắm tình hình học sinh”.
Câu chuyện đặt ra một vấn đề, tình trạng học sinh bị đánh đập dã man, nhưng giáo viên chủ nhiệm hay nhà trường đều không hay biết. Nó cho thấy sự thiếu quan tâm, quản lý không thấu đáo, chặt chẽ của Ban giám hiệu trường THCS Lý Tự Trọng.
Sự việc diễn ra trong hai tháng, nhưng phải đến khi báo chí phanh phui mới được làm sáng tỏ. Mặc nhiên, nếu không có đoạn clip đó, báo chí không biết đến, người dân không phẫn nộ, thì việc đánh đập vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Em học sinh P đó sẽ vẫn phải sống trong sợ hãi, cam chịu.
Tâm lý “sợ sệt”, không dám lên tiếng
P kể lại: “Sau khi bị đánh, lớp trưởng còn dọa nếu mách với ai sẽ bị đánh dài dài, nên em sợ quá không dám nói với ai, kể cả bố mẹ. Hôm đó, em đau quá, không học được, cứ muốn xỉu hoài nên xin thầy cho về sớm”.
Không chỉ riêng P, các em học sinh khi rơi vào hoàn cảnh này đều chọn cách im lặng, cam chịu hoặc trốn tránh mà không dám nói với ai vì sợ. Các em sẽ vẫn tiếp tục làm tay sai vặt, chịu những trận đòn từ các bạn, vẫn im lặng nếu không có người lên tiếng bảo vệ.
Nữ sinh lớp 7 cảm thấy thoái mái khi việc các bạn đánh được nói ra
Phổ biến trong nhà trường?
Việt Nam là một trong số những nước hòa bình nhưng liên tục diễn ra tình trạng bạo lực, trong đó bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng, phổ biến. Không chỉ vụ việc nữ sinh P. ở Trà Vinh được báo chí tìm ra, còn rất nhiều vụ việc khác trước đó hoặc chưa được tìm ra đang diễn ra khắp mọi nơi.
Em Vũ Thảo Linh – trường Tiểu học Cao Mại cho biết: “Em cũng có khoảng thời gian bị bạn bè bắt nạt, trêu trọc. Dù có nói với cô giáo và bố mẹ nhưng tình trạng vẫn diễn ra. Các bạn thường trêu trọc lúc giờ ra chơi khi không có ai cả”.
Tình trạng bạo lực học đường phản ánh đạo đức của một bộ phận nhỏ giới trẻ. Học sinh không học hành chăm chỉ, không “đoàn kết tốt” mà sinh ra những thói hư, tật xấu như bắt nạt bạn bè, đánh đập, trêu trọc người khác.
Hiện tượng này ảnh hưởng rất nhiều từ người lớn, từ bố mẹ, khi bạo lực gia đình ở Việt Nam luôn gia tăng. Các em tiếp xúc với phim ảnh bạo lực, ngày càng sống ích kỷ, nhỏ nhen. Khi tình trạng bạo lực diễn ra không được phát hiện kịp thời, không được sự quan tâm từ nhà trường gia đình, các em sẽ mang tâm lý cam chịu để bị hành hạ mà không nói ra.
Đoạn video cũng như vụ việc đánh hội đồng em nữ sinh ở Trà Vinh là bài học cảnh tỉnh cho các nhà chức năng, cho giáo viên trong bất kỳ trường học nào về sự quản lý của mình. Đây cũng là sự báo động về tình trạng bạo lực học đường đang ngày một gia tăng.
Vũ Quỳnh Khánh Linh
Báo chí Đa phương tiện K33
(Ảnh: Internet)
Cùng chuyên mục
Bình luận