Xu hướng làm việc tại nhà thu hút giới trẻ
(Sóng Trẻ) - Những công việc tại nhà giờ đây không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ ở Việt Nam. Thời gian thoải mái, lương thưởng hưởng theo sản phẩm chính là hai trong số nhiều lợi ích mà làm việc tại công ty chưa chắc có.
Trên thế giới, làm việc từ xa hay làm việc tại nhà là một hình thức lao động ngày càng phổ biến và được nhiều người ủng hộ. “Làm việc từ xa” hay “làm việc tại nhà” là một thuật ngữ miêu tả một người được làm bất cứ đâu bên nài văn phòng truyền thống, bùng nổ trong 20 năm qua trên thế giới.
Theo một nghiên cứu của Bureau of Labor Statistics, 24% người lao động làm việc tại nhà (toàn thời gian hoặc bán thời gian) vào năm 2015 trong khi con số này là 19% vào năm 2003.
Ảnh: Khánh Linh
Bạn Đăng Khuyên, sinh viên chuyên ngành Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sau khi ra trường được nửa năm cho biết: “Mình làm việc tại nhà song song với việc học trên trường từ năm 3 Đại học, ra trường mình quyết định đi làm một thời gian ở công ty. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn mình cảm thấy môi trường công sở chưa thật sự phù hợp với cá nhân mình, nên mình quyết định quay về làm việc tại nhà”
Theo khảo sát, một hai năm trở lại đây, các công việc tại nhà có xu hướng phát triển, các hội nhóm của người làm việc tại nhà liên tục tăng, lấy ví dụ như các nhóm Cộng đồng Freelancer VietNam, Freelancer - Hội những người làm việc tự do, Freelancer Graphic… hiện đã có số thành viên lên đến cả chục nghìn người. Đây là nơi thường xuyên trao đổi việc làm cho những người làm việc tại nhà. Các công việc chủ yếu liên quan đến kỹ năng viết bài trên các trang mạng, trên các báo, quản lý các trang mạng xã hội, thiết kế ảnh và dàn dựng clip…
Ảnh: các nhóm cộng đồng chia sẻ thông tin việc làm tại nhà.
Khảo sát 50 bạn sinh viên học viện Báo chí và Tuyên truyền thì được biết, trong 50 bạn thì có 21 bạn đã và đang có ít nhất một công việc liên quan đến công việc viết tại nhà.
Tuy nhiên không phải ai cũng có xu hướng làm việc tại nhà toàn thời gian.
Bạn Nguyễn Thị Hồng hiện tại là sinh viên năm 4 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Sự thật dù đang làm việc tại nhà được gần nửa năm nhưng sau khi ra trường mình không có ý định làm việc tại nhà. Bởi không phải lúc nào cũng có việc. Ví dụ như mình, tháng nào viết nhiều bài thì thu nhập khá ổn, nhưng lúc nào không có đề tài hoặc không nghĩ ra gì để sáng tạo thì cũng hơi lo. Thêm vào đó, mình quen nhiều anh chị làm báo cũng không thấy anh chị ấy đến tòa soạn nhiều lắm, có khi không cần đến ở nhà làm chỉ cần có bài là được. Mình thấy như vậy cũng tốt, cũng thích”.
Áp lực của những người làm việc tại nhà ở Việt Nam hiện nay là không nhỏ. Nhiều người sợ phải đối mặt với gia đình và xã hội khi “bị nghi ngờ” thất nghiệp, không có việc làm. Một số người cảm thấy không an toàn vì “lúc có việc lúc không”, cơ chế đãi ngộ lao động tuy cao nhưng thay đổi liên tục, không có biên chế …
Phóng viên Lê Quân, báo Thanh niên nhận định rằng, ở Việt Nam hiện nay có nhà báo tự do nhưng không nhiều. Ở một số báo lớn như Thanh niên, Tuổi trẻ, Lao động… có bài dưới hình thức cộng tác. Xu hướng không ở một cơ quan, tòa soạn cố định nhưng vẫn có bài gửi hoặc cộng tác có xu hướng tăng. Nghề báo cũng là nghề khá tự do, chính vì vậy nhiều bạn trẻ hoàn toàn có cơ hội làm việc, tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng mà không cần phải đến tòa soạn.
Khánh Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận