Yên Từ: Hiệu quả từ mô hình kinh tế “chuối - cá”
(Sóng trẻ) - Giai đoạn 2010 - 2020, cả nước cùng thi đua xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình là một trong những tỉnh phía Bắc đi đầu trong công tác này. Trong đó xóm Chùa, xã Yên Từ, huyện Yên Mô (Ninh Bình) là một ví dụ điển hình về xây dựng nông thôn mới thành công, nhờ quyết tâm chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá - trồng chuối, giúp nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân trên địa bàn xã.
Mô hình “chuối - cá” – “cứu tinh” của Xóm Chùa
Xóm Chùa có 214 hộ, với 570 nhân khẩu. Trong đó có 78 hộ xuất thân làm nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp bình quân khoảng 500m2/ người. Tính tổng trên địa bàn xã chỉ có khoảng 14 héc - ta đất canh tác. Tuy nhiên, diện tích đất đã eo hẹp lại còn manh mún, gây khó khăn trong việc quy hoạch.
78 hộ dân Xóm Chùa loay hoay với mảnh đất bùn tro, rất khó canh tác. Thu nhập từ trồng lúa của một số hộ gia đình chỉ đạt 7 – 10 triệu đồng/ năm. Trừ chi phí phân bón và thuốc trừ sâu thậm chí không đủ vốn.
Trước tình hình đó, cán bộ địa phương quyết định vận động các hộ dân chuyển đổi mô hình kinh tế, đưa mô hình trồng chuối nuôi cá kết hợp vào thử nghiệm tại địa phương.
Ông Vũ Văn Long – Bí thư Chi bộ Xóm Chùa giới thiệu mô hình “chuối – cá”
Ông Vũ Văn Long – Bí thư Chi bộ Xóm Chùa cho biết: “Ban đầu, diện tích ao – chuối là 50/50 (50% là ao, 50% trồng chuối). Tuy nhiên sau một thời gian, mô hình này mang lại hiệu quả thấp nên các hộ gia đình đã thay đổi diện tích ao – chuối lên 70/30 (70 % diện tích đào ao, 30% diện tích trồng chuối)”.
Năm đầu tiên, nhiều hộ đã thu hồi vốn. Sang năm thứ 3, thu nhập đạt trên 30 triệu đồng/hộ, gấp 3 lần so với trồng lúa. Nếu trước kia mục tiêu phấn đấu của toàn xã chỉ là 105 triệu/ha trồng lúa (tính cả vụ Đông) thì với mô hình mới này, mỗi héc – ta thu về hơn 300 triệu đồng. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Mô hình “chuối – cá” theo tỉ lệ 70/30 mang lại hiệu quả kinh tế cao
Bà Nguyễn Thanh Loan có mô hình kết hợp phấn khởi cho biết: “Ngày xưa trồng lúa, nó phụ thuộc về thời tiết rất là nhiều, rồi còn trừ hết chi phí đi trả còn lại được mấy. Năm trước tôi thả 2 ao 4 tạ tôm chưa kể cá. Sau 3 tháng thu về 40 triệu (đã trừ hết chi phí). Ngày trước chưa có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi chỉ trông vào mấy sào lúa, nhưng từ ngày chính quyền tạo điều kiện cho nên thu nhập cũng ổn định hơn. Chuyển đổi mô hình thành công như thế này bà con chúng tôi rất phấn khởi”.
Bà Loan phấn khởi vì lứa tôm vụ trước nhà bà “thắng” lớn
Nỗ lực của cán bộ địa phương giúp người dân thoát nghèo
Để có được thành công từ việc chuyển đổi mô hình kinh tế như hiện nay, cán bộ xã đã phải “nhiều đêm không ngủ”. Bởi trong quá trình triển khai, không phải bà con nào cũng sẵn sàng từ bỏ cây lúa.
Trong đề án của UBND tỉnh Ninh Bình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ năm 2017 - 2020, có đề ra tiêu chí thu nhập phải đạt mức 50 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2015.
Trước tình hình đó, ông Vũ Văn Long – Bí thư Chi bộ Xóm Chùa đã mạnh dạn đề xuất với chi bộ một giải pháp. Ông cho biết: “Trước tình hình thực tế tại địa phương, muốn nâng cao thu nhập thì không còn cách nào khác là phải tổ chức lại lao động. Những người có tay nghề, sức khỏe thì đã vào làm việc các công ty và xí nghiệp. Số còn lại có khoảng 10 ha ruộng đất thì phải phấn đấu chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang các loại mô hình khác để mang lại thu nhập cao cho người dân”.
Cuối năm 2016, xã Yên Từ, huyện Yên Mô đã thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Các cán bộ xã chủ động tổ chức cho người dân tham quan một số mô hình chuyển đổi kinh tế ở Hải Dương như mô hình trồng ổi, sắn dây, ao nối, trong đó có cả chuối cá kết hợp... Tuy nhiên, khi cán bộ đi học về, truyền đạt cho người dân thì nhiều hộ lại tỏ ra e ngại.
Ông Đinh Văn Phúc – trưởng Xóm Chùa nhớ lại những khó khăn ban đầu khi triển khai mô hình
Ông Đinh Văn Phúc – trưởng Xóm Chùa, xã Yên Từ, Yên Mô cho biết: “Người dân khá lo sợ khi nghe chủ trương chính sách của xã. Họ đang quen và có kinh nghiệm cấy cây lúa, giờ bắt họ chuyển đổi sang một mô hình hoàn toàn mới, có ai mà không sợ thua lỗ? Thêm nữa, thời gian trước báo đài có đưa nhiều về các tỉnh miền Trung, Nam có thu nhập không ổn định từ trồng chuối.Thậm chí nhiều người phải đem chuối cho trâu bò ăn, họ sợ lắm. Từ những khó khăn ấy, chúng tôi nhận thấy rằng việc tuyên truyền để người dân hiểu là rất quan trọng”.
Nói là làm, cán bộ địa phương Xóm Chùa đã tổ chức tập huấn cho 6 hộ dân có tinh thần học hỏi cao, và chính những người dân đó sẽ trở thành tuyên truyền viên. Đồng thời, ban lãnh đạo cũng mở hội thảo, với sự tham gia của 27 hộ dân để hướng dẫn về mô hình. Các tài liệu được phát đến tận tay từng hộ. Khi một số hộ thực hiện và có thành công bước đầu, các hộ khác làm theo, mô hình từ đó ngày càng được nhân rộng.
Bộ mặt Nông thôn mới ở Xóm Chùa
Với cách làm quyết liệt ấy, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Từ đã thành công trong việc xây dựng nông thôn mới. Bằng chứng là bộ mặt thôn xóm hoàn toàn thay đổi với nhiều nhà cao tầng, đường bê tông hóa, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Xây dựng nông thôn mới thành công, Yên Từ đã góp phần vào những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình.
Thùy Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận