“Dấu ấn đỏ” Khoa Phát thanh - Truyền hình: “Màu đỏ của Cách mạng, niềm tin và dòng máu nóng”
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 6/9, tại hội trường C Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Phát thanh - Truyền hình diễn ra hội thảo “Khoa Phát thanh - Truyền hình - Dấu ấn đỏ trong nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ cho nền báo chí cách mạng Việt Nam”.
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động Chào mừng lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây cũng dịp để cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình lắng lại, qua đó nhìn nhận, đánh giá quá trình hình thành, xây dựng và phát triển cùng sự đóng góp của Khoa trong quá trình phát triển chung của nhà trường 60 năm qua.
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội; PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng - Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình. Ban thư ký hội thảo gồm: TS. Ngô Bích Ngọc - giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình; TS. Phạm Bình Dương - giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình.
Tham dự hội thảo còn có sự góp mặt của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - Nguyên Ủy viên TW Đảng, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW; PGS.TS. Mai Đức Ngọc - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền ; PGS.TS. Phạm Minh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc điều hành Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các quý vị đại biểu đến từ các cơ quan báo chí cùng các thế hệ học viên, sinh viên, nghiên cứu sinh trong trường.
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn phát biểu: “Trải qua hành trình dài xây dựng và phát triển, cho dù gặp nhiều khó khăn nhưng các thầy cô luôn đoàn kết, chia sẻ và hết mình đào tạo thế hệ trẻ. Khoa luôn coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ, bởi lẽ chuẩn bị đội ngũ cán bộ tốt là bài học sống còn để phát triển”.
TS. Nguyễn Trí Nhiệm - Nguyên Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình xúc động chia sẻ về dấu ấn của Khoa: “Thế hệ thầy cô và sinh viên luôn cố gắng hết mình với tiêu chí 'Thắng không kiêu, bại không nản' để phát triển Khoa và Học viện không chỉ trở thành trường đào tạo Báo chí - Truyền thông đứng đầu khu vực mà còn vươn ra quốc tế”.
PGS.TS. Nguyễn Đức Dũng - Nguyên Phó Khoa Phát thanh - Truyền hình cho biết: “Thời điểm đầu thành lập Khoa, điều chúng tôi băn khoăn nhất là làm thế nào để nâng cao thực hành, hạn chế lý thuyết suông cho các em sinh viên. Nhìn nhận thực tế đó, chúng tôi quyết định biến trường thành 'xưởng thợ' - nơi đào tạo nghiệp vụ báo chí chuyên nghiệp, để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với nghề từ sớm”.
PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh vào trách nhiệm của kỹ năng của nhà báo hiện đại: “Việc đào tạo trong nhà trường rất quan trọng, phải gắn sinh viên với thời đại biến chuyển, tránh việc bao bọc người trẻ để họ có thể trưởng thành và phát triển”.
TS. Trần Bá Dung - Nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời là sinh viên thế hệ đầu tiên của Khoa bồi hồi nhắc lại kỷ niệm cũ: “Tôi nhớ như in những kỷ niệm cũ, những bài giảng của thầy cô ở mái trường này. Kiến thức tôi học được cách đây hơn 40 năm là hành trang để tôi vững bước vào nghề”.
Khép lại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang cho biết đây là cơ hội, lương duyên để các đội ngũ giảng dạy gặp gỡ, giao lưu với các thế hệ giảng viên trong Khoa, các nhà tuyển dụng, các em sinh viên để hiểu hơn về lịch sử của Khoa và các định hướng phát triển sau này. Hội thảo là dịp để tất cả chúng ta nhìn lại quá khứ, nhìn nhận hiện tại và hướng về tương lai.