“Giọt hồng” trao đi gần ba thập kỷ của gia đình cựu chiến binh

(Sóng trẻ) - Trở về từ chiến trường khốc liệt,“Sứ giả đỏ” Lê Đình Duật (81 tuổi) và gia đình vẫn miệt mài tham gia công tác vận động hiến máu tình nguyện, đem lại sự sống cho nhiều mảnh đời, góp phần giúp phong trào ý nghĩa lan tỏa trong cộng đồng.

Tấm lòng nhiệt huyết của người lính cụ Hồ “rực sáng” trong thời bình

Ẩn mình trong căn nhà nhỏ thuộc khu tập thể cũ tại tổ dân phố 10 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là “cơ ngơi đồ sộ” xung quanh 4 bức tường mà ông Lê Đình Duật và gia đình nhận được nhờ những đóng góp tích cực cho xã hội. Dõi theo từng tấm bằng khen, ông Duật hồ hởi kể cho chúng tôi biết bao câu chuyện và kỷ niệm về những lần ông trực tiếp tham gia hiến máu.

Ông Lê Đình Duật giới thiệu về những phong trào hiến máu tình nguyện.
Ông Lê Đình Duật giới thiệu về những phong trào hiến máu tình nguyện. (Ảnh: Thu Hòa) 

 

Tháng 4/1963, ông Lê Đình Duật được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và nhập ngũ vào quân đội. Trong một lần hành quân từ ngoài Bắc vào đến Quảng Bình, qua những khu vực trọng điểm bị đánh phá nhiều, ông chứng kiến bà con nhân dân bị thương nhiều, có người phải từ trần vì không có máu để truyền. Nỗi xót xa đã thôi thúc người lính cụ Hồ này phải hành động để cứu lấy mạng sống của những người đang cần máu.

Hòa bình lập lại, ông Lê Đình Duật trở về, mang theo bên mình phẩm chất của người lính Cụ Hồ sẵn sàng hiến giọt máu đào cứu giúp đồng đội, sẻ chia cùng cộng đồng, không chỉ trong thời chiến mà cả trong cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường vào năm 1999, ông tiếp tục tham gia phong trào hiến máu nhân đạo kể từ đó đến nay. 

2n.png
Là một người lính cụ Hồ, ông Duật luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của người anh hùng trong thời bình.(Ảnh: Thu Hòa)

 

Những ngày đầu khi phong trào hiến máu được “khởi xướng”, ông Duật gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục mọi người cùng tham gia. Bà con liên tục từ chối và hoài nghi, có gia đình biết con cháu đi hiến máu thì nhốt trái cửa không cho ra ngoài, có người gọi điện mắng ông rảnh rỗi, nhưng người lính năm nào không nản lòng mà đến từng nhà tận tình giải thích và động viên. 

Ông nói: “Thực ra, dân ta nhiều người chưa hiểu được tác dụng của hiến máu, lợi hại như thế nào cho nên người ta mặc cảm, nói rằng “máu mà cho đi là không được”, nhưng với tôi, cả trong thời chiến và thời bình, hiến máu là rất cần thiết bởi vì nhiều người phải cần đến máu ở các bệnh viện, đặc biệt là tai nạn giao thông, các đồng chí bộ đội vết thương tái phát, chất độc da cam, những người ung thư, bị bệnh hiểm nghèo, rất nhiều người cần máu, mà ngành Y tế, đặc biệt Việt Nam, lúc nào cũng kêu thiếu máu.”

Trải qua công tác chiến đấu và rèn luyện thử thách, bản lĩnh của người lính cụ Hồ vẫn luôn vững vàng, minh chứng việc làm bắt nguồn từ cái tâm sáng, không cầu danh, không cầu lợi.

“Tôi không làm cho cá nhân mà làm cho xã hội” 

Với đôi mắt rưng rưng, ông Lê Đình Duật kể cho chúng tôi về những lần ông trực tiếp đến các bệnh viện, thăm bệnh nhân khoa Ung thư, khoa Điều trị chất độc da cam và cả khoa Máu bẩm sinh của Viện huyết học truyền máu Trung ương. Những tiếng khóc, tiếng gào thét ở nơi đó đã trở thành nỗi day dứt khôn nguôi trong tâm trí ông.

Từng có người hỏi ông nhận lại được gì khi làm công việc này, ông khẳng định chắc nịch: “Không, tôi vận động hiến máu, gia đình tôi đóng góp cho Nhà nước chứ không cho riêng bất cứ một ai. Và tôi yêu cầu cơ quan không được cho ai biết, đó là máu do gia đình chúng tôi đóng góp. Bởi vì mình không làm cá nhân, mình làm cho xã hội.”

Suốt 7 năm trời, ông Lê Đình Duật âm thầm trao hiến từng giọt máu đào, chỉ đến khi phóng viên tận mắt chứng kiến hành động nhân đạo của ông tại Lễ hội Sông Hồng thì câu chuyện về người cựu chiến binh này mới được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.  

3n.jpg
Những tấm bằng khen do Nhà nước trao tặng được ông treo trang trọng trên tường nhà.(Ảnh: Thu Hòa)

 

Đều đặn mỗi tháng, ông Duật tổ chức 1-2 đợt hiến máu cho sinh viên từ các trường đại học tham gia. Hành động đẹp đã chạm đến trái tim của nhiều bạn trẻ, họ không quản ngại khó khăn, đường xá xa xôi để đến nhà cùng ông làm công tác chuẩn bị tham gia hiến máu tình nguyện. 

Không chỉ lan tỏa bằng hành động, cựu chiến binh Lê Đình Duật còn chứng minh hiến máu giúp hệ thống sản xuất máu thay đổi, nó phát triển và lưu thông tốt hơn. Với lòng trắc ẩn và sự nhận thức cao, cho đến nay ông đã vận động được gần 2000 người tham gia hiến máu, trong số đó chưa có ai bị bệnh và mắc các triệu chứng nguy hiểm nào khác. 

Đối với ông Lê Đình Duật, bất kể việc gì dù lớn nhỏ hay khó dễ ông đều chung tay góp sức miễn là nó đem lại giá trị cho cộng đồng. 

“Giọt hồng yêu thương” xuyên suốt nhiều thế hệ

Tấm lòng cao cả xuất phát từ việc làm ý nghĩa đến nay vẫn được ông thắp sáng và truyền lại cho con cháu. Trong không gian ấm cúng của căn nhà tập thể nhỏ, gia đình ông Duật ngồi quây quần cùng ôn lại những lần tham gia và vận động hiến máu. Gương mặt của từng thành viên đều toát lên vẻ tự hào và hạnh phúc vì được cống hiến một phần nhỏ cho cộng đồng.

4n.jpg
Ông Duật giảng giải cho con cháu về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến máu cứu người.(Ảnh: Thu Hòa)

 

Khi ông Lê Đình Duật bày tỏ mong muốn tổ chức phong trào hiến máu cứu người thì ngay lập tức nhận được sự đồng thuận từ vợ và các con. Đến nay, vợ con ông cũng chung tay tham gia vào phong trào ý nghĩa đó với tổng số đơn vị máu gia đình đóng góp là gần 250 đơn vị, trong đó, vợ ông - bà Lê Thị Kim Dinh hiến 13 lần, con gái cả hiến 15 lần, con gái thứ hiến 116 lần, vợ chồng con trai ít đóng góp 98 lần, thậm chí cháu ngoại của ông đã hiến máu 5 lần. 

Cựu chiến binh coi gia đình là một đơn vị, toàn bộ người nhà gia đình con cháu tham gia và làm tốt công việc hiến máu thiện nguyện chính là bài học sống, là gương sáng để vận động người khác. 

5n.png
Ông Lê Đình Duật và vợ ngắm nhìn những bức ảnh kỉ niệm hiến máu của gia đình. (Ảnh: Thu Hòa)

 

Chị Lê Thanh Hà - con gái cả của ông bộc bạch với chúng tôi: “Mình đã từng đến viện và thấy rất cảm động vì việc làm của mình tuy nhỏ bé nhưng lại có thể giúp cho rất nhiều đang cần máu, nhất là trẻ em. Ranh giới giữa sự sống và cái chết cực  kì mong manh, thiếu máu chỉ cần chậm một chút thôi là có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Khi hiến máu tình nguyện không chỉ có mình đâu mà còn con cháu và các thế hệ sau này của gia đình cũng sẽ nhận được những điều tích cực từ vũ trụ.”

Được “tiếp lửa” từ các thế hệ trước, ngay khi vừa tròn 18 tuổi, cháu ngoại ông Lê Đình Duật - em Đào Ngọc Linh đã tham gia hiến máu. Ánh mắt lấp lánh sự tự hào, em tâm sự: “Mình cho đi sức khỏe, mình cho đi sự tử tế, cho đi tình yêu thì chắc chắn mình sẽ nhận lại được như thế. Khi được hiến máu mình cảm thấy hạnh phúc và tâm hồn trở nên thánh thiện hơn rất nhiều.”

Căn nhà đầm ấm, nghĩa tình của người cựu chiến binh 81 tuổi vẫn đang ngày đêm trao đi những giá trị tốt đẹp. Mỗi giọt máu đào là sự hồi sinh của một cuộc đời. Trải qua nhiều thăng trầm, “giọt hồng yêu thương” vẫn bền bỉ chảy xuyên suốt trong mạch nguồn trái tim của gia đình người “sứ giả đỏ” Lê Đình Duật. 

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN