“Muốn trở thành nhà giáo tốt, cần phải có quan điểm 'Dân là gốc'”

(Sóng trẻ) - Đó là chia sẻ của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn về câu chuyện đạo đức nhà giáo.

Nhà báo Trần Bá Lạn là người thầy dạy báo đầu tiên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người hội tụ đủ ba chữ: Tâm - Tầm - Tài. Thầy là một trong những người lát những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực báo chí Việt Nam. 

Nhóm phóng viên đã có cơ hội gặp nhà giáo Trần Bá Lạn để trao đổi về sự nghiệp “trồng người” của thầy, cũng như bàn luận về vấn đề đạo đức nhà giáo trong thời đại mới.

thay-tran-ba-lan.jpg
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn - Nguyên Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Linh Chi - Đỗ Ngọc)

 

PV: Thưa thầy, trong quá trình thầy còn là học sinh, người thầy nào đã để lại ấn tượng nhất đối với thầy?

Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn: Để nói về cái thời đã tạo cho tôi hướng đi, phải kể đến thời kỳ tôi đang theo học Trường Kỹ Nghệ Liên khu IV. Bắt đầu từ đây, tôi nhận thức được công ơn của các thầy vì các thầy đã cho tôi nhiều cái quý trong đời. 

Trường Kỹ nghệ Liên khu IV đã cho tôi thành nghề Hội họa cơ khí. Cái nghiệp ấy đã để lại cho tôi rất nhiều kiến thức, vì vậy tôi rất quý trọng các thầy ở trường, không riêng một thầy nào. Cái nghề này sau khi tôi làm báo thì rất bổ ích bởi việc biết càng nhiều kiến thức càng quý, không bao giờ thừa. 

Tôi vẫn nhớ năm 1953, khi đó tôi 23 tuổi, được cử tham gia hoạt động báo chí cho tờ Tiền Phong. Kể cả khi chuyển sang làm báo rồi, tôi vẫn quý và biết ơn các thầy vì đã trao cho tôi thứ nghề giúp tôi tinh ý trong cuộc vào đời của mình. Trường Kỹ nghệ đã luyện cho học sinh biết xông pha và biết lao vào cuộc sống để xử lý các vấn đề. Đặc biệt là nghề vẽ máy, thứ nghề đòi hỏi sự tập trung cao. Công việc này đã tạo tôi phong cách vừa tỉ mỉ, vừa chính xác, hình thành nên tư duy chuẩn chỉnh. Cái đó rất quý cho nghiệp báo sau này vì báo chí đòi hỏi tính chính xác và phù hợp với thời thế.

PV: Khi nhắc đến thầy Trần Bá Lạn, các lứa sinh viên ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn dành cho thầy sự ngưỡng mộ và sự tôn trọng nhất định. Không biết trong quá trình thầy tham gia giảng dạy ở Khoa Báo chí, thầy có kỷ niệm nào đáng nhớ không?

Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn: Những năm 60 trở về trước, trong thời điểm kháng chiến chống Pháp, các tỉnh có nhu cầu truyền thông nhưng họ chỉ làm được các tờ tin. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ta không thể làm mãi tin vì nó không đáp ứng đủ yêu cầu của thời cuộc. Do đó Chính phủ lúc bấy giờ quyết định tờ tin của các tỉnh miền Bắc phải chuyển sang tờ báo. Năm 1961, tôi được cử về làm giáo viên tại Trường Đại học Nhân dân với vai trò nòng cốt. Đây cũng là lớp đầu tiên tôi tham gia giảng dạy, lớp này kéo dài trong 3 tháng và được mở ra để bồi dưỡng những nhà báo ở các tỉnh mà chưa học nghiệp vụ, trong đó có cả các tổng biên tập.

Năm 1962, Khoa Báo chí chính thức ra đời cùng ngày thành lập Trường Tuyên giáo Trung ương. Năm 1964, tôi chính thức tham gia giảng dạy môn viết phóng sự bởi phóng sự là một trong những nghề cần phải nhập môn từ sớm. Cái cuộc giảng của tôi hơi kỳ lạ vì trong lần đầu tiên đứng bục để chuyển thủ cho anh chị em, cả ban giám đốc đều theo dõi và nghe đầy đủ toàn phần bài giảng. Sau khi giảng xong khóa ấy, ông Bùi Hồng Việt, khi đó là giám đốc, ra vỗ vai tôi và nói: “Tớ sẽ đưa cậu lên làm cốt cán của khoa”. Ông phát biểu một câu rất ấn tượng như vậy. Tuy nhiên, chỉ làm được một khóa rồi chiến tranh lại nổ ra. 

Mãi tới cuối năm 1968, đầu năm 1969, đứng trước yêu cầu phải bổ sung cho các cơ quan báo chí đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, Trung ương quyết định cho mở lớp báo chí chính quy đầu tiên. Khóa 1 đã thành công với những gương mặt tiêu biểu như ông Phạm Quốc Toàn (Nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam), ông Nguyễn Uyển (Ủy viên BCH của Hội Nhà báo Việt Nam), ông Bùi Minh Sơn (Báo Nhân Dân),...

PV: Là một người làm báo, đồng thời với kinh nghiệm 30 năm đứng trên bục giảng, có thể nói tuổi trẻ và nhiệt huyết của thầy đã dành hết cho sự nghiệp “trồng người”. Thầy có thể cho biết quan điểm của thầy về tình trạng sai lệch chuẩn mực, đạo đức của một số giáo viên hiện nay được không?

Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn: Từ khi đất nước ta chuyển biến sang thời kỳ mới thì bị ảnh hưởng bởi mặt trái cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường thúc đẩy người ta những ham muốn của thời kỳ mới. Vậy nên nó đã nảy sinh ra những tiêu cực, tuy nhiên số lượng người trong ngành giáo vi phạm những tiêu cực đó là không nhiều. 

PV: Theo thầy, có những giải pháp nào khắc phục tình trạng này? Như thầy đã chia sẻ, tuy tình trạng này diễn ra không nhiều nhưng thực tế là vẫn có, chúng ta cần làm gì để chấm dứt hẳn vấn đề này?

Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn: Đây là mặt trái của nền giáo dục, cần có sự điều hành của cấp nhà nước mới giải quyết được vấn đề này, tức là phải đưa ra được các chính sách phù hợp để giải quyết các vấn đề tiêu cực. Cách đây vài tháng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chúng ta phải chống tham nhũng và tiêu cực”. Đấy là chủ trương đến cấp cao của Nhà nước, chứ không chỉ manh nha ở trong nội bộ nhỏ.

Cần phải hiểu vấn đề chạy theo đồng tiền, chạy theo chức vụ là vấn đề chung của đất nước. Việc ấy vượt ra khỏi khả năng giải quyết của từng cơ quan nhỏ lẻ. Vì vậy, để có thể giải quyết thấu đáo thì những chính sách lớn của nhà nước về việc chống tham nhũng và tiêu cực đóng vai trò rất lớn.

PV: Hiện nay, có rất nhiều bạn sinh viên đang theo học trường sư phạm, tương lai làm nhà giáo. Thầy có những lời nhắn nhủ gì dành cho các bạn sinh viên trẻ để họ trở thành một nhà giáo gương mẫu và có đầy đủ những phẩm chất đạo đức của một nhà giáo trong tương lai?

Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn: Làm nhà giáo là một vinh dự, cũng là một trách nhiệm. Muốn trở thành nhà giáo tốt, cần phải có quan điểm “Dân là gốc”. Người thầy phải biết quý và trân trọng sinh viên như người thân của mình. Khi anh coi dân là gốc thì anh mới nhận ra trách nhiệm của mình lớn lao như nào. Trong trường hợp này, thầy giáo phải có trách nhiệm phục vụ sinh viên, chứ không phải chỉ lên lớp giảng qua loa vài câu năm điều là xong. Người giảng viên cần phải hết lòng, thậm chí phải hiểu tâm tư, giúp đỡ sinh viên khi có khó khăn. Đây cũng là yêu cầu của người nhà giáo bậc sư phạm đang học và đã học, cần phải biết sự nghiệp của ta gắn với “Dân là gốc”, cũng như cần phải hết lòng với người học chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn sinh năm 1930. Ông là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí (nay là Viện Báo chí), Học viện Báo chí và Tuyên truyền; người có công lớn, góp phần đào tạo hàng ngàn nhà báo Việt Nam, trong đó nhiều người thành danh, trở nên nổi tiếng. Ông cũng là người kiến tạo, tổ chức biên soạn giáo trình nghiệp vụ báo chí; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa báo chí; mở rộng quan hệ đối ngoại về lĩnh vực đào tạo cán bộ báo chí.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN